Chuyện ngoại tình của đồng sáng lập Google

22/05/2016 16:33 PM | Kinh doanh

Bí mật phía sau câu chuyện tình ái của đồng sáng lập Sergey Brin và phụ trách tiếp thị Google Glass dẫn đến cuộc ly hôn với người vợ 6 năm Anne Wojcicki.

Sergey Brin, đồng sáng lập Google và vợ Anne Wojcicki từng được xem là cặp vợ chồng trẻ quan trọng nhất tại thung lũng Silicon. Với tài sản hơn 30 tỷ USD, họ được xếp hạng 9 trong số các gia đình Mỹ làm từ nhiện nhiều nhất năm 2013. Có người ví Sergey và Anne như Bill – Melinda Gates thứ hai.

Một nhà quan sát ngành đánh giá Sergey không giống như đồng sáng lập Google Larry Page và CEO Eric Schmidt, anh muốn làm những thứ thú vị tại Google. Trong khi đó, Wojcicki dù là trong đời sống công việc hay cánhân đều là người phụ nữ mạnh mẽ với nhiều tham vọng mãnh liệt. Cô là sáng lập startup 23andMe. Vợ của Brin từng được Fast Company đưa làm nhân vật trang bìa như “CEO táo bạo nhất nước Mỹ”.

Có với nhau 2 mặt con, cặp đôi được xem là “sinh ra để dành cho nhau”. Một số người gọi họ là sinh đôi: cùng tuổi, cùng học tại các trường danh giá, cùng thích các hoạt động ngoài trời, yoga, thể thao. Brin thích lặn, còn Wojcicki đạp xe đi làm. Họ tin rằng thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn và cống hiến bản thân để góp phần làm điều đó thông qua các quỹ đầu tư và quyên góp.

Song scandal không chừa một ai, ngay cả với cặp đôi như bước ra từ truyện thần tiên này. Cả hai ly thân năm 2013 sau 6 năm chung sống. Brin, người đàn ông thành đạt với mái tóc xoăn và đôi mắt nâu quyến rũ, rời bỏ gia đình để đến với Amanda Rosenberg, một nhân viên Google trong độ tuổi 20. Đổi lại, Rosenberg cũng “đá” bạn trai, một nhân vật quan trọng khác trong công ty, vì Brin. Mọi chuyện còn phức tạp hơn khi một người bạn của Wojcicki tiết lộ cô coi Rosenberg như “bạn bè”.

Là một phụ nữ lai Trung Quốc và Do Thái, Rosenberg thường nhuộm mái tóc dài bằng các màu sắc rực rỡ. Cô thường chia sẻ cảm xúc của mình trên mạng xã hội. Tại Google, cô nhanh chóng thăng tiến và trở thành giám đốc tiếp thị cho Google Glass. Đồng nghiệp nhận xét Rosenberg là “người của công chúng” trong Google, luôn tìm kiếm sự chú ý thay vì tập trung chuyên môn.

Glass là chiếc kính thực tế ảo mà Brin bắt đầu phát triển vài năm trước. Khi mọi người nói “Ok Google”, thiết bị sẽ thực hiện một số thao tác như smartphone. Rosenberg từng trình diễn sản phẩm tại các sự kiện và trên mạng xã hội. Dù không phải nhân vật cao cấp như Brin, cô lại mang đến sức trẻ, sự hấp dẫn, nữ tính cho Glass.

Gầy gò và cuốn hút, Wojcicki hiện đang sống một mình, nuôi con nhỏ trong khi điều hành 23andMe trong những giai đoạn khó khăn. Cô thậm chí còn vật lộn với một con quỷ dữ tợn hơn: sự trầm cảm.

Vợ chồng Sergey Brin và Anne Wojcicki tại lễ trao giải Breakthrough Prizes năm 2014

Cặp đôi IT

Brin và Wojcicki chạm mặt năm 1998 khi Brin cùng bạn cùng lớp Larry Page thành lập công ty tìm kiếm Internet trong nhà kho của Susan, chị gái Wojcicki. Susan, nay là người phụ trách YouTube, cho thuê kho với giá 1.700 USD/tháng. Brin và Page chất đầy nhà kho với những chiếc tủ tự chế và bàn chơi bóng bàn. Công cụ tìm kiếm của họ, ban đầu có tên BackRub, đánh giá các link trên một trang thay vì từ khóa như đối thủ cũng như người đứng sau link đó.

Ba mẹ của Brin, hai nhà khoa học Nga – Do Thái, di cư sang Mỹ năm Brin 6 tuổi và được cộng đồng khoa học tại Washington giúp đỡ dù khi đó tiền bạc vẫn là một vấn đề lớn. Vì vậy, trong anh sớm hình thành sự thanh đạm. Wojcicki cũng tương tự, cô không phải con người vật chất. Ba của Wojcicki là trưởng khoa vật lý Stanford, mẹ là một giáo viên báo chí. Sau khi tốt nghiệp khoa sinh học tại Yale, cô làm phân tích lĩnh vực đầu tư chăm sóc sức khỏe tại phố Wall trong 10 năm.

Brin và Wojcicki là tiên phong trong các mô hình khác nhau nhưng đều bùng nổ cả về tầm với lẫn tốc độ. Khi cả hai hẹn hò, Google không chỉ vượt qua vụ nổ dot-com mà còn bắt đầu thống trị mảng tìm kiếm và kiếm tiền từ AdWords, nền tảng quảng cáo hiệu quả nhất lịch sử. Sau đó, Google còn tuyển 55.000 người tại thủ phủ Mountain View, phát triển nền tảng email phổ biến nhất (Gmail), trình duyệt riêng (Chrome), bản đồ (Google Maps), công cụ tổng hợp tin tức (Google News), máy chủ lưu trữ dữ liệu lớn, nền tảng di động Android.

Văn hóa doanh nghiệp nổi tiếng tại Google - bữa ăn miễn phí, nuôi thú vật - là một phần trong sứ mệnh tạo môi trường làm việc từ thiện của các nhà sáng lập. Khi các nhà đầu tư yêu cầu tìm một CEO, họ đã chọn Eric Schmidt, nhà khoa học máy tính từng tham dự Burning Man, một lễ hội hóa trang huyên náo được tổ chức hàng năm. Một cựu nhân viên Google cho biết Larry và Sergey chân thành quan tâm đến sự đổi mới, đến các nhân viên nên họ làm những gì tốt nhất và sáng tạo nhất có thể.

Sự sáng tạo có nghĩa là suy nghĩ khác biệt với các doanh nghiệp khác, đó là một phần vì sao Google luôn đứng đầu. Nó cũng đồng nghĩa khi Brin kết hôn, anh cũng không đi theo cách truyền thống. Năm 2007, anh và Wojcicki mời khách đến một địa điểm bí mật tại Bahamas. Wojcicki không muốn lập gia đình, trong những năm làm việc tại phố Wall, cô chứng kiến nhiều nhân viên lừa dối vợ của họ, song Brin là người cô yêu. Trong đám cưới, cô mặc một bộ đồ tắm màu trắng, chú rể mặc đồ bơi đen. Họ bơi ra ngoài biển để lời thề được bao bọc bởi đại dương.

1 năm sau, Wojcicki sinh con đầu lòng trong lúc các lãnh đạo Google bắt đầu tận hưởng cuộc sống như những tỷ phú giầu nhất thế giới. Theo một người bạn, Schmidt thuyết phục các đồng nghiệp khác mua du thuyền, máy bay. Brin, Page và Schmidt mua ít nhất 6 chiếc máy bay. Brin còn mua nhà tại New York.

Vài cựu nhân viên Google tiết lộ chuyện hẹn hò tại công ty là bình thường. Một người nói có tới hàng trăm cặp đôi Google tại các văn phòng.Thực tế, nội quy Google không cấm chuyện hẹn hò giữa các đồng nghiệp. Do “văn hóa hẹn hò” này, một người có liên hệ mật thiết với Google cho biết: “Khi có sếp hẹn hò nhân viên, nó giống như quan hệ giữa bác sỹ - y tá, nó không phạm pháp nhưng dường như là điều không nên diễn ra. Công nghệ là thế giới của người đàn ông. Phần lớn họ đều đã kết hôn và sau đó xuất hiện những con cá mập tươi trẻ, thông minh”. Tuy nhiên, người đàn ông đó lại có hàng trăm triệu đô-la. Người này nói đùa: “Giống như bạn có bằng Stanford để được vào Google làm và từ đó kiếm được một ông chồng”.

Các năm qua, đã có một vài quan hệ tình ái đáng chú ý giữa trong giới lãnh đạo cấp cao của Google, trong đó có Page và Marissa Mayer, hiện là CEO Yahoo. Từng có lời đồn về chuyện hẹn hò của hai người, một số còn tin rằng nếu thân với Mayer, họ sẽ được Page duyệt dự án nhanh hơn.

Wojcicki, không như vợ của các ông chồng giầu có khác, không đam mê sưu tập nữ trang và còn phản đối chuyện mua máy bay, du thuyền. Vài người bạn nói cô rất cứng đầu và tiết kiệm lời khen, coi thường ý tưởng của người khác. Theo một người thân thiết với cô, Wojcicki luôn ham muốn một cuộc sống bình thường. Song, với một người giầu có và luôn muốn thay đổi thế giới, có được cuộc sống bình thường lại không đơn giản.

Năm 2006, Wojcicki đồng sáng lập 23andMe và nhanh chóng gọi vốn thành công, trong đó có 6,5 triệu USD từ Google. Cô hi vọng có hơn 1 triệu khách hàng, “dỗ dành” họ gửi nước bọt đến cho phòng thí nghiệm DNA của mình với giá 99 USD. Sứ mệnh của cô là thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về sức khỏe, tổ tiên của mỗi người. Không phải ai cũng được nhận tin tốt: nhiều người biết họ đang có nguy cơ bị ung thư vú, Alzheimer hay Parkinson.

Hóa ra, Wojcicki cũng có động cơ cá nhân trong việc kinh doanh. Dì của Brin bị bệnh Parkinson, một loại rối loạn thần kinh, mẹ của anh cũng mắc bệnh này năm 1999. Bệnh Parkinson được cho là không di truyền nhưng năm 2004, các nhà nghiên cứu lại gợi ý người có đột biến gene nhất định có 30 đến 75% nguy cơ bị bệnh. Khi xét nghiệm cho Brin, kết quả là Brin có thể chỉ còn 10 năm khỏe mạnh.

Sau khi nhận được tin như vậy, một số chúng ta có thể tuyệt vọng, song Brin thì không. Không như Steve Jobs, người luôn che giấu tin tức về sức khỏe của mình, Brin lại viết blog và thông báo công khai tại sự kiện Zeigeist của Google năm 2008. Brin tập thể dục nhiều hơn thường lệ, uống café, thứ đồ uống bác sỹ khuyên là tốt cho người mắc bệnh Parkinson dù anh ghét vị của nó. (sau đó đã chuyển sang trà xanh). Trả lời tạp chí Wired, Brin hi vọng các hoạt động đó sẽ giúp giảm nguy cơ xuống còn một nửa và nếu nghiên cứu có tiến triển, nguy cơ còn thấp hơn nữa.

Ngoài ra, Wojcicki và Brin còn tài trợ thêm cho các nghiên cứu như vậy. Họ đã quyên góp 150 triệu USD cho quỹ Michael J. Fox và 7 triệu USD cho viện Parkinson cũng như cho giải thưởng Breakthrought Prizes.

(còn tiếp)

Theo Du Lam (Theo VanityFair)

Cùng chuyên mục
XEM