Chuyên nghiệp trong giao tiếp, làm sao để nói chuyện với người mà cả hai đang bất đồng quan điểm

27/11/2017 20:41 PM | Sống

Không phải lúc nào cuộc nói chuyện của bạn cũng gặp được người thuận lợi. Có những lúc, bạn phải đối mặt với những người có quan điểm quá khác biệt. Vậy phải làm thế nào để giao tiếp thật chuyên nghiệp?

Giao tiếp từ trước đến nay luôn khiến cho hầu hết chúng ta gặp khó khăn. Ở một vài trường hợp, câu chuyện sẽ trở nên dễ dàng khi đối diện với ta là những người mà bản thân quý mến.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải màu hồng, và ta cũng chẳng thể lúc nào cũng được nói chuyện với những con người phù hợp ấy. Có những lúc, bạn sẽ phải đối mặt với những người rất lệch sóng mà bản thân chẳng thích thú gì.

Vậy làm sao để khiến cuộc đối thoại đó trở nên êm đẹp, không một chút căng thẳng?

Đầu tiên: xác định mục tiêu!

"Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Đúng như vậy, mỗi khi bắt đầu một cuộc trò chuyện với ai đó, thì điều đầu tiên bạn cần đó là tìm hiểu về người ấy. Đặc biệt khi đó là người ở phe đối lập với bạn.

Hãy tìm hiểu để rồi thấy những điểm chung của nhau. Từ đó bạn sẽ có cái nhìn tổng thể về người mà bạn đang nói chuyện cùng.

Tiếp theo: cùng thống nhất một số quy tắc nhất định

Ở đâu cũng vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất thì quy tắc luôn là điều được chú trọng.

Ví dụ điển hình như việc bạn và "hắn" cùng đi ăn trưa. Sau khi mỗi người tìm hiểu về nhau, hãy đưa ra một số điều nhất định mà hai bên cùng phải tuân theo đó là: Không cứng nhắc, bảo thủ, hay ngắt lời nhau.

Hãy tìm hiểu, trò chuyện, trung thực và lắng nghe. Từ đó tất cả cư xử một cách văn minh, hòa bình.

Thứ ba: tận dụng một số câu hỏi

Đặt ra các câu hỏi cho người đối diện - một việc rất quan trọng nhưng hầu hết mọi người lại ít để tâm đến. Chúng ta chẳng thể nào đưa ra những lập luận rõ ràng khi không hiểu thực chất câu hỏi như thế nào, cũng như không thể cho người đối diện cơ hội chỉ ra những khuyết điểm ta đang có.

Vì vậy, đưa ra câu hỏi sẽ giúp hệ thống lại những điều bất tương đồng giữa quan điểm của hai người, mà còn thể hiện cho người đó biết rằng họ đang được lắng nghe.

Thứ tư: giữ bình tĩnh

Mặc dù khiến bạn tốn rất nhiều thời gian cũng như sự kiên nhẫn để luyện tập, nhưng đây chính là công cụ có sức mạnh cực kì to lớn.

Khi cuộc nói chuyện giữa bạn và "kẻ ấy" đang dần trở nên căng thẳng, thay vì cố gắng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình để phản biện lại đối phương, thì hãy cố giữ lấy một cái đầu lạnh và hạ cái tôi của mình xuống.

Thử đổi sang chủ đề nào đó, tạo ra một số điều buồn cười hoặc gợi ý cuốn sách mà bạn cảm thấy thích thú hay nhẹ nhàng bỏ qua những thứ cả hai gặp phải trong khi nói chuyện.

Cuối cùng: không giữ định kiến

Luôn mang suy nghĩ tiêu cực về người đối diện có thể khiến cho ta ngay lập tức mất đi cơ hội để hiểu tại sao họ lại làm như vậy.

Chúng ta quên rằng họ cũng chỉ là con người, và con người thì thường có những định kiến nhất định. Chỉ cần sơ sảy một chút thôi, xung đột của cả hai sẽ chẳng bao giờ đến hồi kết. Kết quả, cuộc trò chuyện luôn luôn căng thẳng không cần thiết và khó có thể kéo dài hơn được.

Nguồn: Ted-ed

Theo Việt Ng

Cùng chuyên mục
XEM