Chuyện lạ: Gà đông tảo Hưng Yên, cá kho làng Vũ Đại, mắm Huế, khô Nam Bộ... bán chậm ở TP.HCM

13/01/2023 08:30 AM | Kinh doanh

Hàng loạt thực phẩm, đặc sản như gà đông tảo Hưng Yên, cá kho làng Vũ Đại, mắm Huế, khô hải sản Nam Bộ... đã được người bán đưa về TP.HCM với lượng lớn để bán Tết, trong đó nhiều sản phẩm mới được "chào hàng".

Đặc sản nem giò chả được người bán đưa về TP.HCM với lượng lớn để bán Tết - Ảnh: N.TRÍ

Đặc sản nem giò chả được người bán đưa về TP.HCM với lượng lớn để bán Tết - Ảnh: N.TRÍ

Hầu hết cửa hàng cho biết đang chịu áp lực lớn khi nguồn cung dồi dào nhưng sức mua giáp Tết khá chậm so với năm ngoái. Trong khi đó, giá bán tăng, giảm tùy chủng loại, riêng các loại bánh kẹo đều tăng giá.

Nhiều loại đặc sản mới

Ghi nhận thời điểm này cho thấy lượng hàng tại địa điểm chuyên bán đặc sản miền Trung là chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TP.HCM) đã được người bán chưng đầy quầy kệ, đặc biệt là các loại bánh kẹo.

Vừa nướng bánh tráng để vào bịch bán Tết, bà Nguyễn Thị Bông, chủ cửa hàng Tân Hội An, cho biết hàng trăm chủng loại bánh kẹo, đặc sản đặc trưng miền Trung như bánh thửng, bánh tổ, bánh nổ, bánh in... đã được nhập về bán Tết, trong đó bán thêm một số mặt hàng lạ như bánh pía nhân mới, bánh tháp "khủng" (bánh in được ghép thành tháp cao - PV)...

Bỏ công săn tìm hơn 100 loại đặc sản khắp các vùng miền về bán Tết, ông Lê Văn Hòa, đại diện cửa hàng Fourn (Đồng Nai), cho biết hầu hết đặc sản nổi bật các vùng miền đều có bán ra dịp Tết này như khô trâu Tây Bắc, chả rươi Hải Phòng, hải sản khô miền Tây...

Tuy vậy, chủ đạo là đặc sản Hải Phòng và Quảng Ninh như chả rươi, chả mực giá 400.000 - 700.000 đồng/kg, khâu nhục 400.000 đồng/kg, chà bông hàu sữa 1,3 triệu đồng/kg... Trong đó, nhiều sản phẩm mới được "chào hàng" như khô trâu gác bếp Tây Bắc 1,5 triệu đồng/kg, thịt heo gác bếp 300.000 - 500.000 đồng/kg, khô heo mắc mật Lạng Sơn 670.000 đồng/kg, rượu thanh long lên men...

Chuẩn bị sẵn sàng để có thể đưa ra thị trường Tết khoảng 1 triệu hũ cà pháo muối và 2 triệu hũ mắm Huế các loại, tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, tổng giám đốc Công ty Sông Hương Foods (TP.HCM), cho biết đây là những đặc sản của xứ Huế, người dân dùng khá nhiều vào dịp Tết nên đơn vị chủ động tăng lượng sản xuất từ sớm.

"Các kho hàng đã được trữ đủ lượng hàng, nhu cầu đến đâu sẵn sàng cung cấp đến đó, đặc biệt các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM hàng hóa rất dồi dào", ông Tuấn thông tin. Nhiều đặc sản nổi tiếng như gà đông tảo Hưng Yên, khô bò Gia Lai... đã được các gian hàng đưa về TP.HCM với lượng tăng.

Sức mua chậm, giảm nhập hàng

Nhiều hộ kinh doanh cho biết nguồn hàng phục vụ Tết không thiếu nhưng sức mua giảm đến 30 - 40% so với năm ngoái, khả năng vào cận Tết cũng khó sôi động như mọi năm. "Thời điểm này mọi năm, người mua khá nhiều, đặc biệt các mối lái nhập sỉ, nhưng năm nay chợ còn vắng lắm. Có thể do kinh tế khó khăn, nhiều công nhân nghỉ việc sớm đã về quê... khiến chợ ít người", bà Bông lý giải.

Sức mua giảm mạnh nên bà Ngô Thanh Vân (cửa hàng đặc sản Thanh Vân, quận Tân Bình), đã giảm khoảng 30% lượng hàng nhập so với năm trước, dù vẫn đảm bảo đa dạng các chủng loại đặc sản miền Trung. Với sản phẩm bánh kẹo, cửa hàng không dám trữ hàng nhiều, mà bán tới đâu nhập tới đó.

"Nhiều mặt hàng có thể sản xuất được tại TP.HCM nên có thể nhập ngay khi cần. Không lo thiếu hàng, chỉ sợ sức mua", bà Vân nói. Ông Lê Văn Hòa, đại diện cửa hàng Fourn, cũng cho biết đã chủ động giữ giá để đẩy nhanh lượng bán trước đó nên kho trữ gần như không còn mặt hàng đặc sản ngắn ngày, tránh được tình trạng hết hạn sử dụng nếu sức mua yếu.

Đưa hàng trăm đặc sản phía Bắc lên kệ, bà Nguyễn Thanh Hảo, chủ cửa hàng đặc sản Hà Nội (quận 1), cho biết đã nhập vào khoảng hơn 70% lượng hàng phục vụ cho mùa Tết. Theo ghi nhận, nhiều đặc sản "trứ danh" như cá kho làng Vũ Đại, chả cốm Hà Nội, trà Thái Nguyên, măng nứa Tây Bắc... đều có đủ. 

Tuy nhiên, theo bà Hảo, do lo ngại sức mua nên lượng nhập trên có giảm so với mọi năm, nhiều sản phẩm chưa dám mạnh tay dự trữ, đặc biệt mặt hàng có hạn sử dụng ngắn.

Sức mua chậm khiến giá gà Đông Tảo bán ra hiện có xu hướng giảm so với năm ngoái - Ảnh: N.TRÍ

Sức mua chậm khiến giá gà Đông Tảo bán ra hiện có xu hướng giảm so với năm ngoái - Ảnh: N.TRÍ

Giá bán tăng không nhiều

Dù sức mua chậm nhưng do giá thành sản xuất tăng, đặc biệt giá đường tăng cao so với mọi năm nên bà Bông cho biết phải tăng 6 - 10% giá bán so với năm ngoái, tương đương mức tăng phổ biến 2.000 - 5.000 đồng/sản phẩm. Cụ thể, bánh thuẫn 40.000 đồng/chục, bánh in 50.000 đồng/chục, bánh nổ 45.000/bịch nửa kg, bánh tổ 27.000 đồng/kg...

Bà Hảo cho biết giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm Tết tăng so với mọi năm như bánh chưng 220.000 đồng/cặp 2kg, giò thủ 320.000 đồng/kg, cá kho làng Vũ Đại 1,4 triệu đồng/niêu 3kg và 1 triệu đồng/niêu hơn 2kg...

Tại một số cửa hàng ở TP.HCM, giá bán nhiều đặc sản phía Bắc cũng tăng so với năm ngoái như trà nõn tôm Thái Nguyên 1 triệu đồng/kg, chả cốm Hà Nội 200.000 đồng/kg, bánh cáy Làng Nguyễn 50.000 đồng/hộp... Hải sản khô miền Tây Nam Bộ giá tăng 15 - 20% so với năm ngoái như khô cá lóc phổ biến 280.000 đồng/kg, khô cá sặt 370.000 đồng/kg, khô mực 350.000 đồng - 1,5 triệu đồng/kg.

Trái ngược, một số người bán đặc sản vùng miền cho biết đang cố gắng kìm giá, thậm chí giảm giá để mong kéo sức mua. Cụ thể, là trại gà đông tảo có quy mô lớn, nhiều khách hàng quen nhưng bà Đinh Thị Kiều Hoa, chủ trại gà đông tảo Kiều Hoa (tỉnh Khánh Hòa), cho biết hiện lượng gà được khách đặt mua chỉ vài con, trong khi mọi năm là vài chục con.

"Để kích thích sức mua, giá gà được tôi bán ra hiện khoảng 500.000 đồng/kg, giảm 200.000 đồng so với năm ngoái", bà Hoa thông tin. Tương tự, với phổ biến 25.000 - 70.000 đồng/sản phẩm, ông Tuấn cho biết giá bán các sản phẩm mắm Huế, và cà pháo dịp Tết gần như không tăng so với ngày thường và Tết năm ngoái.

Là thương hiệu nổi tiếng, được chuộng làm quà tặng Tết nhưng do sức mua chậm nên giá bưởi Tân Triều (Đồng Nai) bán lẻ đang giảm dần so với năm ngoái, với mức giá chỉ còn 600.000 - 900.000 đồng/chục tùy loại.

Mất mùa chuối Tết

Nhiều hộ trồng chuối tại huyện Cam Lâm - "thủ phủ" chuối tại Khánh Hòa cho biết đã bị thất bại mùa chuối Tết do thời tiết năm nay bất lợi, cây chuối bị ảnh hưởng nặng. Ông Nguyễn Thành Trinh (xã Suối Cát) cho biết đã trồng chuối gần 20 năm nhưng chưa có năm nào buồn và thất bại nặng như năm nay.

"Vụ này gia đình tui đầu tư trên 80 triệu đồng để trồng trên 1ha chuối. Bao nhiêu vốn đầu tư vào hy vọng vụ chuối Tết, nào ngờ thời tiết bất lợi nên trong vườn hiện chỉ còn vài buồng để bán Tết", ông Trinh than.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Suối Cát, năm nay thời tiết ở địa phương mưa, nắng thất thường nên ảnh hưởng nhiều đến sản lượng cũng như chất lượng chuối. Giá bán chuối cũng giảm mạnh, chỉ còn 100.000 - 150.000 đồng/buồng.

MINH CHIẾN

Theo Nguyễn Trí

Cùng chuyên mục
XEM