Chuyện lạ: Được trả lương cao, không phải làm gì nhưng một nhân viên vẫn muốn kiện công ty để đòi 2 triệu USD

14/07/2020 19:00 PM | Xã hội

Một nhân viên điều hành cấp cao được LafargeHolcim Ltd. trả lương mỗi tháng 18.000 USD để ngồi chơi xơi nước đã thua kiện khi muốn buộc công ty sản xuất xi măng này phải sa thải ông và bồi thường hơn 2 triệu USD.

Vào năm 2015, khi công ty chủ quản Lafarge SA tuyên bố chương trình bồi thường nhân viên khi sáp nhập với Holcim Ltd., Antoine Zenone hy vọng mình có thể được nhận một khoản hậu hĩnh. Nhưng công ty này cho biết ông không đủ điều kiện và các thẩm phán ở Pháp đã 3 lần đưa ra phán quyết chống lại ông.

Tòa án Phúc thẩm Paris đã tuyên bố Zenone không được hưởng lợi từ kế hoạch nêu trên vì ông đã đồng ý nhận một vị trí ở Singapore. Việc đó khiến hợp đồng lao động ở Pháp không còn hiệu lực và ông không đủ tư cách nhận khoản bồi thường dành cho các nhân viên trong nước của Lafarge.

Zenone muốn được bồi thường 2,1 triệu euro (~2,3 triệu USD) và gần đây đã được Lafarge trả 16.195 euro/tháng theo phán quyết của tòa án mà không phải làm gì.

Vị trí điều hành cấp cao

Chuyện lạ: Được trả lương cao, không phải làm gì nhưng một nhân viên vẫn muốn kiện công ty để đòi 2 triệu USD - Ảnh 1.

Hai năm trước, khi Zenone quay lại từ vị trí CEO chi nhánh Singapore của Lafarge, công ty này đã mời ông nhận vị trí quản lý dự án nhưng ông từ chối. Ông ghi trong hồ sơ cá nhân của mình ở LinkedIn là đã nhận một công việc mới tại một công ty sản xuất ống nhựa.

LafargeHolcim nói rằng họ không muốn bình luận gì về các vấn đề cá nhân. Zenone cũng không phản hồi gì với đề nghị đưa ra bình luận về vụ kiện nêu trên.

Sau khi sáp nhập, vào tháng 5/2015 Lafarge tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 380 nhân viên trên toàn thế giới, một phần trong đó là hy vọng nhân viên tự nguyện nghỉ việc.

Tuy nhiên 2 ngày trước đó, Zenone đã viết một email (và được đưa ra trước tòa làm bằng chứng) đồng ý nhận vị trí CEO ở chi nhánh Singapore.

Bản hợp đồng tại Pháp

Nếu trả lời muộn hơn thời điểm nói trên, rất có thể Zenone đã được nhận một khoản bồi thường hậu hĩnh.

Sau đó Zenone phàn nàn rằng ông đã bị "dẫn dụ" để nhận vị trí quản lý tại Singapore và muốn quay lại với bản hợp đồng đã ký trên đất Pháp.

Trong một tuyên bố vào giữa năm 2016, Zenone nói rằng ông chỉ đồng ý nhận vị trí này vì tin rằng cuối cùng mình sẽ trở thành CEO điều hành mọi hoạt động ở chi nhánh Singapore của công ty lớn sau khi sáp nhập.

Lý lẽ này không thuyết phục được LafargeHolcim và các thẩm phán tại Paris.

Vị thẩm phán tòa phúc thẩm tuyên bố: "Ông ta không thể nói rằng công việc này là vô nghĩa vì rõ ràng ông ta giữ vị trí này trong 3 năm liền". Phán quyết cuối cùng của tòa còn nói thêm rằng không hề có bằng chứng cho thấy Lafarge là nguyên nhân dẫn đến thất bại của việc sáp nhập hoạt động của cả 2 công ty tại Singapore.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM