Chuyện kinh doanh của cô gái 22 tuổi thuộc gia tộc pha lê Swarovski

29/03/2021 09:20 AM | Kinh doanh

Marina Raphael, 22 tuổi, là nhà thiết kế túi xách và là thành viên thế hệ thứ sáu của đế chế pha lê Swarovski.

Tháng 7/2020, Marina Raphael, thành viên của gia tộc “pha lê” Swarovski nổi tiếng, đang ở trong giai đoạn dẫn dắt thương hiệu túi xách sang trọng mang tên cô vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid 19. Bất chấp đại dịch, doanh số bán hàng của Marina Raphael trong năm 2020 đã chứng kiến mốc tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2019, Raphael ra mắt dòng sản phẩm mang tên mình và phân phối ở các nhà bán lẻ cao cấp như Moda Operandi, Maxima, Queen of Nertherlands. Đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến thói quen mua sắm trực tiếp, gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Insider, Raphael chia sẻ: “Là một doanh nhân trẻ, mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nhưng một doanh nhân giỏi phải thích ứng với mọi tình huống, tìm ra các giải pháp nhanh chóng và linh hoạt”.

Trong những tháng đầu của năm 2021, công ty của nữ doanh nhân trẻ đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu kỷ lục.

Thay đổi chiến lược hoạt động và vận hành

Với những túi xách với giá 500 đến 1.500 euro (từ 600 USD đến 1.800 USD), doanh số bán hàng của công ty tăng vọt trong năm 2020. Doanh nghiệp này đã thay đổi chiến lược truyền thông, bổ sung thêm sáng kiến về từ thiện vào hoạt động thúc đẩy bán hàng, giảm kích thước vật lý của sản phẩm còn 50% để phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện tại theo nhu cầu mới của khách hàng: “mang ít đồ hơn”.

Thương hiệu đã triển khai hợp tác với nhiều đối tác trong đó có cả hãng mỹ phẩm chăm sóc da Vichy, Pháp đồng thời mở rộng dây chuyền của riêng mình để chế tạo các loại túi đựng mỹ phẩm và móc khóa. Đồng thời, với việc sử dụng da cao cấp và không có vết hằn cho những sản phẩm túi xách hàng hiệu của mình, Raphael liên kết với thương hiệu bán lẻ xa xỉ Luisaviaroma và Giám đốc nghệ thuật Evangelie Smyrniotaki. Sự hợp tác này giúp cho toàn bộ sản phẩm túi da của công ty bán hết trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi ra đời.

Kế hoạch tiếp theo sẽ là sự hợp tác với Giám đốc sáng tạo của hãng Swarovski Giovanna Battaglia với dự đoán doanh số bán hàng sẽ tăng 420% trong năm 2021.

Quyên góp từ thiện 20% doanh số bán hàng

Công ty của Raphael có trụ sở chính tại Hy Lạp nhưng hoạt động lại trải rộng khắp thế giới. Các hoạt động quan hệ công chúng cho thương hiệu tập trung ở London (Anh), trong khi đại lý bán hàng ở New York (Mỹ); kiểm soát chất lượng ở Australia và sản xuất túi ở Florence (Mỹ).

Tháng 3/2020, thương hiệu Marina Raphael ra mắt bộ sưu tập xuân hè với số lượng sản phẩm đủ để phục vụ cho đến hết tháng 8. Tuy nhiên, đến tháng 6/2020 toàn bộ số hàng này cùng một số hàng tồn của bộ sưu tập trước đó đã được bán hết.

Một trong những yếu tố làm nên thành công này chính là nhờ có một chuỗi cung ứng đa dạng. Khi các nhà máy ở Italia đóng cửa, bộ phận kiểm soát chất lượng ở Australia có thể bắt đầu sản xuất. Số lượng nhân sự không nhiều chỉ với 14 người đã giúp vận hành quy trình sản xuất một cách dễ dàng mặc dù có sự khác biệt về thời gian. Đồng thời các cửa hàng trưng bày phải đóng cửa giúp công ty không phải lo lắng cho khâu vận chuyển.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, Raphael phải làm việc bằng WhatsApp và Zoom. Đây là một thách thức vì cô phải thiết kế túi xách mà không được chạm vào vải hoặc nhìn thấy sản phẩm cuối.

Đồng thời, thương hiệu phải tìm cách bán một sản phẩm xa xỉ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và khủng hoảng về y tế đang diễn ra trên toàn cầu. Raphael chia sẻ, công ty không thể ngừng bán hoặc sản xuất những chiếc túi: “Khi đó các nhà cung cấp của chúng tôi sẽ gặp vấn đề, đội ngũ sản xuất của chúng tôi sẽ gặp vấn đề. Họ sẽ mất việc làm".

Để đạt được thành công lớn về doanh số, công ty đã quyết định quyên tặng 20% tổng doanh thu cho các tổ chức từ thiện như Black Jaguar White Tiger Foundation và The Hellenic Pasteur Institute. Hãng bán lẻ hàng xa xỉ Moda Operandi đã thực hiện một chiến lược tương tự vào năm ngoái và đạt được thành công vang dội. Sau chiến dịch này, một báo cáo cho thấy, nếu một mặt hàng được gắn với mục đích từ thiện, người mua sắm sẵn sàng chi đủ giá cho nó, ngay cả khi một đợt khuyến mại khác diễn ra cùng lúc.

Raphael cho biết: “Tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng tôi không cảm thấy tội lỗi khi quảng cáo sản phẩm bởi vì với mỗi lần bán được một sản phẩm, chúng tôi đã giúp đỡ người khác theo một cách nào đó”.

Để quảng bá các bộ sưu tập, công ty của Raphael bắt đầu gửi thư và các "thứ thú vị có tương tác" khác tới những khách hàng quen. Chương trình này cũng rất thành công: "Nhận được một cái gì đó được giao đến tận nhà làm cho khách hàng nhận thức về bản thân nhiều hơn là trải nghiệm tại một tuần lễ thời trang khi phải dạo qua 15 phòng trưng bày khác nhau”.

Và Raphael cho rằng thành công có được cũng đến từ toàn bộ nhân viên của cô ấy. Cô nhớ lại, vào những tháng đầu của đại dịch, mọi người đều rơi vào trạng thái hoảng loạn. Vì vậy, cô đã phải tự tìm hiểu xem mình có thể động viên nhân viên của mình như thế nào trong thời gian này, lắng nghe phản hồi của họ để áp dụng các chiến lược kinh doanh mới.

Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM