Chuyện không ngờ: một tác phẩm hội họa do AI vẽ ra vừa được bán với giá ngất ngưởng 432.500 USD

27/10/2018 10:41 AM | Công nghệ

Thực ra, tác phẩm mang tên "Edmond de Belamy" không phải là thành quả sáng tạo của riêng AI. Nó là kết quả của nhiều tháng làm việc miệt mài bởi 3 con người sử dụng một thuật toán machine learning từ năm 2014.

Một tác phẩm hội họa tạo ra bởi AI vừa được bán với giá 432.500 USD tại nhà đấu giá Christie ở New York hôm Thứ Năm vừa qua, cao gấp 40 lần mức giá người ta kỳ vọng sẽ thu được.

Tác phẩm này có tên là "Edmond de Belamy", và điểm độc đáo nhất của nó là các chi tiết của chủ thể như bị bôi màu lem nhem - vốn là thành quả của thuật toán được sử dụng để vẽ nên tác phẩm  - trông chẳng khác gì bức tranh Chúa Jesus từng trở thành trò cười vì được phục chế một cách không thể tệ hại hơn ở Tây Ban Nha.

Chuyện không ngờ: một tác phẩm hội họa do AI vẽ ra vừa được bán với giá ngất ngưởng 432.500 USD - Ảnh 1.

Tác phẩm chúa Jesus bị phục chế lỗi ở Tây Ban Nha

Chuyện không ngờ: một tác phẩm hội họa do AI vẽ ra vừa được bán với giá ngất ngưởng 432.500 USD - Ảnh 2.

Và tác phẩm "Edmond de Belamy" do AI tạo ra

Được biết, "Edmond de Belamy" là một trong 11 tác phẩm được AI chắp bút, tất cả đều miêu tả các thành viên trong dòng họ Belamy (không có thật), và được ký với công thức toán học miêu tả thuật toán được dùng để tạo ra nó.

"Hãy chiêm ngưỡng tương lai" - người bán đấu giá tuyên bố trước khi cuộc trả giá bắt đầu. Đây là tác phẩm hội họa đầu tiên do AI tạo ra được bán bởi một nhà đấu giá có tiếng trên thế giới.

Thực ra, tác phẩm này không phải là sản phẩm sáng tạo của riêng mình AI, mà nó được sản phẩm của nhiều tháng làm việc bởi 3 anh chàng sống cùng nhau trong một căn hộ ở Paris - một trong số đó là một tiến sỹ chuyên ngành machine-learning (học máy). Họ tự gọi nhóm của mình là Obvious.

Tác phẩm nói trên đã trở thành nguyên nhân gây ra một vài vụ tranh cãi trong giới hội họa cũng như giữa các chuyên gia AI - những người khẳng định một thuật toán cũng có thể tự trở thành nghệ sỹ, đặc biệt là thuật toán khá tầm thường được sử dụng để tạo ra tác phẩm này, "Generative Adversarial Networks (GANs)". GANs được phát triển vào năm 2014.

"Thuật toán không phải là thứ duy nhất tham gia vào việc sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật này - GANs không có ý chí tự do" - Mark Riedl, một phó giáo sư chuyên ngành AI và machine learning tại Viện Công nghệ Georgia, nói. "Chúng như những cây cọ rất rất phức tạp với hàng đống thông số toán học, và bạn có thể sử dụng cây cọ này để đạt được một hiệu ứng mà bình thường rất khó làm được".

Có vẻ như nói "được tạo ra bởi AI" là không đúng lắm trong trường hợp này, và chúng ta nên dùng cụm từ "được vẽ bằng AI" thì chuẩn hơn.

Hugo Caselles-Dupre, một tiến sỹ chuyên ngành machine learning, là một trong ba thành viên của Obvious, cho biết báo chí nói "được tạo ra bởi AI" đơn giản là để khiến thông tin có vẻ giật gân và làm mồi câu người đọc. Mục đích của tác phẩm, theo anh này, thực ra là để cho công chúng biết những giới hạn của AI. Các thuật toán là một công cụ, không phải là một thực thể sáng tạo.

"Hiện nay, các thuật toán không hề thay thế con người" - Caselles-Dupre nói. "Trong tương lai, chúng ta có lẽ phải cẩn thận về điều này, nhưng hiện nay, chúng giống một công cụ hơn. Chúng tôi thực sự muốn đưa ra một ví dụ về những gì các công cụ AI có thể làm được". Ký lên tác phẩm với công thức toán học của thuật toán là một cách hài hước để trình bày những ý tưởng đó với công chúng, anh nói.

Không rõ chiến lược để lại lời nhắn này có thành công không. Trong một tuyên bố gửi tới Artnet, Richard Lloyd, giám đốc toàn cầu phụ trách mảng xuất bản của Christie cho biết tác phẩm này được chọn ra bán đấu giá là bởi người ta cho rằng con người can thiệp rất ít vào việc tạo ra nó.

GANs là tập hợp các thuật toán học hỏi từ một lượng rất lớn dữ liệu nhập vào và sử dụng kiến thức đó để tạo ra các kết quả mới sau một thời gian dài huấn luyện. Nhưng chỉ vì có khả năng "học" không có nghĩa GANs có thể tự hành. Tác phẩm thu được là kết quả của một quá trình chọn lựa cẩn thận dữ liệu đầu vào, tinh chỉnh các thông số toán học, và sau đó sàng lọc tỉ mỉ các kết quả để tìm ra những ví dụ tốt nhất của bất kỳ thứ gì bạn đang tìm kiếm.

"Chúng tôi phải chọn các dữ liệu và tự đánh giá nó. Sau đó chúng tôi phải huấn luyện nhiều lần" - Caselles-Dupre nói. "Bạn phải chọn một bộ các thông số, và sau đó bạn tự mình kiểm tra các kết quả. Kiểu như, 'Ok tôi thích kết quả này, có lẽ tôi sẽ thay đổi thông số một chút để thu được thứ tốt hơn một chút'. Chúng tôi lặp đi lặp lại việc này rất nhiều".

Vòng lặp cuối cùng của thuật toán - kết quả tốt nhất nó sẽ có thể đạt được theo mục đích của Obvious - cho ra hàng trăm hình ảnh, và nhóm 3 người phải chọn lọc để chỉ còn lại 11 mà thôi.

"Chúng tôi đã cẩn thận chọn các hình ảnh mà chúng tôi thấy thú vị nhất trong số đó" - Caselles-Dupre nói.

Vậy thì, phần sáng tạo thực sự trong quá trình tạo ra tác phẩm "Edmond de Belamy" là gi? Thuật toán cần được can thiệp trong hàng tháng trời để cho ra một thứ gì đó hấp dẫn, hay phải chăng chính con người đã tìm kiếm một kết quả đầy tính thẩm mỹ và đưa ra mọi quyết định trong khi sử dụng AI để đạt được mong muốn? Dù trên danh nghĩa, tác phẩm này biểu trưng cho sự cộng tác giữa người và máy, nhưng cán cân sáng tạo có vẻ nghiêng về phía con người nhiều hơn.

"Tác phẩm này thuộc về con người và công cụ họ sử dụng chứ không phải thuộc về chỉ mình bản thân công cụ" - Riedl nói - "Nghiên cứu của tôi thúc đẩy vượt qua giới hạn đó, và tôi không nghĩ chúng ta sẽ không cần con người nữa".

Theo Tấn Minh

Từ khóa:  tác phẩm
Cùng chuyên mục
XEM