Chuyện kết hôn trước tuổi 30, anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú: Ngày càng nhiều phụ nữ sợ cưới sai chồng và đàn ông Việt Nam thì mãi không chịu lớn

08/05/2020 19:19 PM | Sống

Bày tỏ trước việc Chính phủ khuyến khích các nam nữ thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng người trẻ hiện nay nhận thức được bản thân mình nên nhiều người muốn đợi duyên phận để đảm bảo một hôn nhân bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Trong đó khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Trước quyết định đó, nhiều người trẻ "bỗng nhiên" cảm thấy bị áp lực bởi trước mắt họ còn có rất nhiều kế hoạch quan trọng cần thực hiện trước khi kết hôn. Và quả thực, kết hôn không phải là một quyết định dễ dàng gì. Với bài viết "Ở đâu bán một tấm chồng cho phụ nữ 30", nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng kết hôn ở độ tuổi nào dựa vào quyết định của mỗi người khi họ cảm thấy mình đã sẵn sàng bước vào cuộc sống hôn nhân.

"Quyết định 588 của Thủ Tướng Chính Phủ vừa ban hành đã trở thành câu chuyện rôm rả khắp các quán nước, diễn đàn. Kết hôn trước 30 tuổi với nhiều người là chuyện bình thường nhưng có những người dù muốn thành gia lập thất nhưng tìm đỏ con mắt vẫn chẳng thể kết hôn. Chả có nhẽ cứ chép miệng cưới đại? Duyên phận vốn không phải thứ nói là làm được, muốn là có được. 

Nhất là với những người đàn ông trách nhiệm cao, họ vốn chưa sẵn sàng kết hôn khi tài sản tích luỹ của họ chưa đủ nuôi sống một gia đình nhỏ của họ. 30 tuổi, đàn ông thật khó để nói rằng mình đã thành đạt đủ để bắt đầu hôn nhân. Phụ nữ hiện đại cũng vậy. Nếu là nhắm mắt đưa chân miễn là anh ấy thuộc hàng "đàn ông ổn ổn" là được thì ai dám chắc hôn nhân đó sẽ bền vững? Nếu chỉ để cưới một người đàn ông thì kết hôn trước năm 30 tuổi không khó nhưng để cưới được một tấm chồng cho ra tấm chồng thì cái đó hẳn lại chờ duyên phận. 

Phụ nữ hiện đại tri thức vẫn cần người đàn ông hơn họ một cái đầu mà đàn ông trước tuổi 30, thật lòng, khó kiếm người đủ chiều cao được đủ. Nên phần đông phụ nữ học thức, học hàm cao vẫn hay kết hôn với đàn ông ngoài 30 tuổi. Mà nếu như quyết định 588, đàn ông ngoài 30 đều đã có gia đình hết cả rồi vậy. Chả có nhẽ lại chờ họ… ly dị vợ?

Chuyện kết hôn trước tuổi 30, anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Ngày càng nhiều phụ nữ sợ cưới sai chồng và đàn ông Việt Nam thì mãi không chịu lớn - Ảnh 1.

Tìm Mái Ấm chỉ gặp những Hiên Nhà là một hiện tượng đang diễn ra phổ biến. Tỷ lệ ly hôn trước năm 30 tuổi đang ở mức báo động. Sự thất vọng về chồng hiện diện ở khắp mọi diễn đàn. Số lượng các 'single mom' ngày một tăng cao. Đó là hệ quả của việc yêu nhanh cưới ngay, bác sỹ bắt cưới và cả ở sự "phụ nữ có thì, 30 tuổi mà chưa cưới là bị coi ế, gái già". 

Vì vội cưới cho thầy u yên lòng. Vì vội cưới sợ tuổi xuân quá hạn. Để rồi cưới về sau năm đầu tiên hạnh phúc là những tháng ngày thất vọng. Nó là một sự thật khi phụ nữ thời nay đã không còn ăn bám chồng, lệ thuộc vào chồng. Và đàn ông Việt Nam thì mãi không chịu lớn, các quán bia mãi vẫn cứ đông lúc buổi tan tầm. Sự giải phóng phụ nữ, tinh thần bình quyền không cho phép phụ nữ cam chịu sống với những đấng ông chồng vô trách nhiệm kiểu đó. 

Thế nên, ngày càng nhiều phụ nữ không sợ kết hôn chỉ sợ cưới sai chồng. Muốn có mái ấm nhưng sợ cưới về mái ấm hoá hiên nhà tạm bợ. Đàn ông Châu Á nói chung và đàn ông Việt nói riêng thật sự vẫn chưa có ý thức bình quyền. Họ vẫn cho rằng phụ nữ chỉ là chiếc xương sườn rút ra từ cơ thể họ. Họ vẫn tin rằng họ có thể cưới lần 2, lần 3 với nhiều phụ nữ khác nhau, trẻ hơn, xinh hơn, ngoan hơn vợ của họ. Những đàn ông thương vợ, sợ ly dị đều bị coi là thứ đàn ông uỷ mị, yếu đuối, kém tắm và… giẻ rách. Đàn ông đàn ang kia mà. 

Bảo sao phụ nữ có giá trị, nhận ra giá trị của bản thân đều không muốn kết hôn vội vàng. Ít nhất là kết hôn trước năm 30 tuổi.

Chuyện kết hôn trước tuổi 30, anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Ngày càng nhiều phụ nữ sợ cưới sai chồng và đàn ông Việt Nam thì mãi không chịu lớn - Ảnh 2.

Chuyện sinh con cũng vậy. Sinh con thứ 2 trước năm 35 tuổi đúng là rất nên vì khoa học đã chứng minh phụ nữ sinh con sau tuổi 35 sẽ có nhiều rủi ro và hạn chế. Nhưng thu nhập bình quân của phụ nữ trước 35 tuổi của nước ta là bao nhiêu? Để nuôi một đứa trẻ cần bao nhiêu? Để nuôi 2 đứa trẻ lại càng không thể là 1+1=2 được. Nhất là giờ các bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn điều tốt nhất cho con mình. Nên nhiều phụ nữ chỉ chọn sinh một con để có thể toàn tâm toàn ý và đủ năng lực tài chính mà nuôi con. 

Nhiều phụ nữ không sợ đẻ chỉ sợ nuôi. Nhất là mong muốn con được học trường tốt nhất, được ăn đồ ngon nhất, mặc đồ đẹp nhất. Là còn chưa kể sinh con ra ngoài 9 tháng bầu bì khó phát triển bản thân do nhiều công ty, cơ quan vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn nhân viên của họ toàn tâm toàn ý với công ty thì vụ bầu bì của phụ nữ luôn trở thành trở lực với việc bổ nhiệm, giao quyền. 

Đẻ một đứa con, phụ nữ mất ít nhất 12 tháng không thể làm việc hết 100% sức họ. Bầu bì từ tháng thứ 7 trở đi và con mọn dưới 1 tuổi khiến tâm trí và cả sức khoẻ của họ không cho phép họ làm việc năng suất như lúc bình thời. Huống chi là 2 đứa. Mà thời đoạn thăng tiến trong công việc vốn đều xảy ra trước năm phụ nữ 35 tuổi. Sau 35 tuổi, nhiều người ngại thay đổi công việc. 40 tuổi thì thường ai ở đâu ở yên đó chứ bảo đi tìm việc mới là bất khả với nhiều người, kể cả nam giới.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định 588 vì nó hợp lý với tình hình đất nước khi mà tỷ lệ sinh ở nhiều địa phương đang giảm. Nhưng trước khi nó trở thành việc ai cũng thấy hợp lý và cần thực thi thì quả là còn quá nhiều việc phải làm. Như bình đẳng giới cần được nâng cao hơn nữa. Đàn ông cần trách nhiệm hơn với gia đình và toà án gia đình cần phải bảo vệ phụ nữ, bảo vệ những người vợ tốt hơn. Để không còn bạo hành gia đình, ít nhất là thế. Hoặc bạo hành phụ nữ sẽ được (bị) giám sát nghiêm ngặt, xử lý nghiêm khắc hơn nữa. 

Chuyện kết hôn trước tuổi 30, anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Ngày càng nhiều phụ nữ sợ cưới sai chồng và đàn ông Việt Nam thì mãi không chịu lớn - Ảnh 3.

Ít nhất việc cưới sai không đi cùng việc thân thể, tinh thần của phụ nữ bị tổn thương. Bớt sợ cưới sai chồng cũng là cách để phụ nữ thấy kết hôn an toàn hơn. Rồi con cái cũng vậy. Bình đẳng giới không phải là đàn ông làm năm việc để được thăng chức và phụ nữ làm năm việc để được thăng chức. Mà còn là quyền lợi của phụ nữ trước và sau sinh được quan tâm, thậm chí, được khuyến khích. Mà còn là việc con cái sau khi được sinh ra sẽ giúp người làm cha làm mẹ giảm bớt áp lực cơm áo gạo tiền. 

Hệ thống giáo dục đủ mạnh và lớn thay vì mỗi lớp ở trường công lên đến 50-60 học sinh, chi phí dành cho giáo dục con trẻ không trở thành gánh nặng tài chính lên cha mẹ. Những vụ bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non không còn xảy ra ở các nhóm trông giữ con của các công nhân, những người tiền ăn còn phải tằn tiện, tiền gửi trẻ ít ỏi phải chịu gửi con ở các cơ sở rẻ tiền, nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Là còn chưa kể những xất bất xang bang nặng đầu cha mẹ khi tìm trường cho con vào lớp Một hay cuộc chiến 1 chọi 10, chọi 50, khi con thi vào 10 hay thi Đại Học. 

Nếu như 20, 25 năm trước, thi vào 10 với thế hệ của tôi chỉ giống như một cuộc thi đua nhỏ, dù điểm có thế nào vẫn có thể vào được ngôi trường mình yêu thích. Không đủ giỏi để học hệ A không phải đóng tiền thì học hệ B phải đóng tiền. Chứ không phải như hiện giờ, cha mẹ phải cùng con tính toán kỹ càng nếu không muốn trượt mọi nguyện vọng phải học trường khác. Chúng ta đang có một hệ thống giáo dục đòi hỏi cả cha mẹ phải tham gia chạy đua cùng con thì bao nhiêu cha mẹ muốn đẻ nhiều đẻ lắm???

Và cuối cùng, nói về phạt, như quyết định 588 có đoạn: "Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn", tôi đang tự hỏi liệu có bao nhiêu người vì không muốn chịu "tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng" mà kết hôn trước năm 30 tuổi? 

Liệu khi có chế tài phạt như vậy có khi nào nó lại trở thành một "bia miệng" nữa đánh vào phụ nữ 30 tuổi vẫn ế? Rằng cái A bị phạt một tạ thóc mỗi năm vì ế chồng. Những người phụ nữ đến 30 tuổi vẫn chưa cưới được chồng đã đau khổ lắm rồi lại thêm phần đau đớn trước miệng lưỡi người đời. Có quyết định nào, có cơ quan có thẩm quyền nào, có bộ ngành nào môi giới hôn nhân cho những phụ nữ đó? Ở đâu bán một tấm chồng cho những phụ nữ quá tuổi 30???"

PV

Cùng chuyên mục
XEM