Chuyện hàng trăm 'lâm tặc hoàn lương': Dẫn tour hang động lớn nhất Việt Nam, lương giảm hơn phân nửa nhưng được sống thanh thản đầu óc

10/05/2022 13:55 PM | Sống

250 cựu lâm tặc nay đã được "trọng dụng" để làm một công việc đặc biệt, không chỉ là cách mưu sinh chính nghĩa, mà còn là cách để “chuộc lỗi” với rừng.

Trước những năm 1990, hầu hết người dân thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha), huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sống phụ thuộc vào rừng như khai thác gỗ và săn bắn. Từ nhỏ, anh Nguyễn Ngọc Anh đã có cơ hội làm quen với địa hình rừng núi nơi đây và từng bị kẻ xấu lôi kéo chặt phá cây trái phép để lấy gỗ. Anh cũng như rất nhiều người đàn ông khác trong làng thường cõng trên lưng những khúc gỗ nặng gần cả tạ ra khỏi rừng, những cây cổ thụ trong rừng bị đốn hạ không thương tiếc.

Tuy nhiên, câu chuyện giờ đây đã hoàn toàn đổi khác khi anh Ngọc Anh cùng hơn 250 người dân làng khác đã "chuyển nghề", từ phá rừng chuyển sang bảo vệ rừng, góp phần tích cực vào phát triển du lịch địa phương.

Đây là những nhân vật đặc biệt vừa được hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin để miêu tả về những hướng dẫn viên du lịch đặc biệt ở Việt Nam tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Reuters mô tả họ là những người "biết rất rõ giá trị của các loài cây", bởi điều đặc biệt ở những người này là họ từng có quá khứ làm "lâm tặc'.

Chuyện hàng trăm lâm tặc hoàn lương: Dẫn tour hang động lớn nhất Việt Nam, lương giảm hơn phân nửa nhưng được sống thanh thản đầu óc - Ảnh 1.

Anh Ngọc Anh trong một lần dẫn khách tham quan ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Reuters

Sự biến chuyển tích cực này khởi nguồn từ chính năm 1993, khi Chính quyền tỉnh Quảng Bình thành lập khu vực rừng Phong Nha là Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha, và biến mọi hoạt động khai thác gỗ và săn bắn trong rừng Phong Nha đều trở thành bất hợp pháp. Rừng Phong Nha sau đó trở thành Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào năm 2001 và được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên vào năm 2003.

Đã có nhiều người bị đi tù vì vi phạm các quy định bảo vệ rừng, chặt gỗ và săn bắn trái phép. Từ khi đó, đời sống người dân địa phương trở nên khó khăn khi lực lượng kiểm lâm siết chặt công tác bảo vệ rừng. 

Chia sẻ trên trang Oxalis Adventure, thời khắc khiến anh "hoàn lương" để đi tới công việc dẫn tour như ngày nay không chỉ là khi mất đi miếng cơm manh áo để chăm sóc gia đình, mà cũng chính là khi anh chứng kiến cảnh mưa lớn và lũ lụt tàn phá bản làng mình, nhận thức được tàn phá rừng và khủng hoảng khí hậu có hệ quả khủng khiếp, tan thương như thế nào. 

"Trước đây, mỗi khi nhìn thấy một cây gỗ lớn, trong đầu tôi sẽ bất giác tính toán xem cây cao bao nhiêu và nên chặt thành từng khúc nhỏ với kích thước thế nào là hợp lý nhất. Nhưng giờ khi đã là một hướng dẫn viên chân chính, khi bắt gặp những cây gỗ như vậy, tôi sẽ nói với các du khách trong đoàn mình về giá trị của chúng vì những cây như vậy thực sự không còn nhiều nữa", anh Ngọc Anh kể lại.

Chuyện hàng trăm lâm tặc hoàn lương: Dẫn tour hang động lớn nhất Việt Nam, lương giảm hơn phân nửa nhưng được sống thanh thản đầu óc - Ảnh 2.

Từ khi tham gia hoạt động du lịch thì Ngọc Anh từ một người vào rừng khai thác gỗ thì nay trở thành một người dẫn khách du lịch vào khám phá những cánh rừng và hệ thống hang động

Năm 2011, Oxalis Adventure thành lập và mở các tour du lịch thám hiểm hang động và đã sử dụng rất nhiều người dân lao động địa phương. 

Hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh, đến nay công ty Oxalis Adventure Tours đã đào tạo khoảng 250 cựu lâm tặc hoàn lương trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các khu rừng và hang động trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận.

Chuyện hàng trăm lâm tặc hoàn lương: Dẫn tour hang động lớn nhất Việt Nam, lương giảm hơn phân nửa nhưng được sống thanh thản đầu óc - Ảnh 3.

Ảnh: Oxalis Adventure.

Nhiều người nghi ngờ về việc tại sao công ty này lại chủ trương tuyển những người đã từng công việc phá rừng, nay lại đi bảo vệ rừng. Sự bất thường trong cách hoạt động này đã được giải thích một cách vô cùng hợp lí bởi ông Howard Limbert, người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh:

"Thông thường, phát triển du lịch sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới việc bảo tồn nhưng ở đây thì ngược lại vì chúng tôi đã tuyển dụng tất cả những người từng mắc sai lầm để tạo cho họ công việc ổn định và có ý nghĩa hơn. Hiện tại, nhờ phát triển du lịch, các khu rừng ở đây cũng được an toàn hơn trước, động vật hoang dã có môi trường sống tốt hơn".

Và trong số hàng trăm người dân đó, anh Ngọc Anh cũng được nhận vào làm nhân viên khuân vác (porter) và sau đó được đào tạo trở thành trợ lý an toàn cho tour "Khám phá Hang Én" và tour "Thám hiểm rừng sâu Hang Ba".

Theo Reuters, công việc này của anh và hàng trăm hướng dẫn viên tại đây mang lại thu nhập ổn định, mặc dù còn ít hơn một nửa so với những ngày họ làm nghề khai thác gỗ nhưng nay họ đã đỡ canh cánh trong lòng nỗi lo sợ làm hại thiện nhiên. Những dấu hiệu tích cực khi hệ thống hang động tự nhiên tại đây được toàn bộ cả thế giới chú ý đến và ca tụng cũng khiến họ vững một niềm tin dùng cái tâm của mình vào công việc này để phát triển ngành du lịch một cách bền vững.

Chuyện hàng trăm lâm tặc hoàn lương: Dẫn tour hang động lớn nhất Việt Nam, lương giảm hơn phân nửa nhưng được sống thanh thản đầu óc - Ảnh 4.

Đối với các khách du lịch trong các tuyến du lịch mà anh phụ trách, nay anh Ngọc Anh được mọi người gọi với biệt danh rất Tây là "Jerry". Ảnh: Oxalis Adventure.

Mong muốn lớn nhất của Ngọc Anh là được công ty tiếp tục đào tạo để trong thời gian tới có thể trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp để dẫn du khách đi khám phá những cánh rừng bất tận trên chính quê hương của mình.

(Tổng hợp)

Thu Ngân

Cùng chuyên mục
XEM