Chuyên gia tiêm chủng: Đủ bằng chứng dù hạn sử dụng 6 hay 9 tháng, vaccine vẫn như ban đầu

02/12/2021 08:19 AM | Xã hội

TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết việc gia hạn sử dụng vắc xin là thông lệ trên thế giới.

Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đang hết sức hoang mang và lo lắng, thậm chí, có người còn không cho con đi tiêm khi nghe thông tin tăng hạn sử dụng 2 lô vắc xin Pfizer đang được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi của Bộ Y tế.

Ngay sáng 1/12, Sở Y tế Hà Nội đã ngừng tiêm hai lô vắc xin này. Đây là hai lô vắc xin số 124001 và 123002 được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tăng thêm 3 tháng sử dụng, đến ngày 28/2/2022 thay vì hết hạn ngày 30/11 như ghi trên nhãn.

Chiều 1/12, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) về vấn đề này.

PV: Thưa ông, hiện nay các phụ huynh đang hoang mang và lo lắng trước việc tăng hạn sử dụng 2 lô vắc xin Pfizer sẽ tiêm cho con em mình sắp tới. Ông có suy nghĩ thế nào về những hành động này của các phụ huynh?

TS. Phạm Quang Thái: Theo tôi thấy, phụ huynh đang quá cẩn trọng trước thông tin này. Thực ra, đây là sự việc hết sức bình thường trên thế giới. Việc gia hạn vắc xin sau khi đã có đủ bằng chứng về độ bền trong quá trình bảo quản là thông lệ quốc tế, nhất là với những vắc xin rất mới. Nhưng 2 lô vắc xin này lại được sử dụng trên nhóm đối tượng 12-17 tuổi. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn dậy thì, giai đoạn sẽ có nhiều biến đổi hormone và thay đổi tâm sinh lý, là nhóm đối tượng nhạy cảm vì thế cần sự quan tâm nhiều hơn sau khi tiêm chủng là hoàn toàn chính xác.

Việc gia hạn thêm ngày sử dụng vắc xin không phải là chưa từng có tiền lệ. Bởi vắc xin cũng tương tự như thuốc, trong quá trình đánh giá độ bền cũng có thời điểm gia hạn ngày sử dụng của các loại đó.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn không?

TS. Phạm Quang Thái: Một sản phẩm sau khi được tạo ra, một trong những việc rất quan trọng là nhà sản xuất sẽ đánh giá xem độ bền của nó đối với nhiệt độ như thế nào. Vì nếu không đánh giá được độ bền, trong quá trình bảo quản và lưu thông sẽ không đảm bảo được hạn sử dụng được dán trên mác các sản phẩm có chính xác hay không.

Theo những nghiên cứu trước đây của Pfizer, hạn sử dụng cho loại vắc xin này là 6 tháng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình sử dụng, bảo quản loại vắc xin này, đối với mỗi lô nhà sản xuất sẽ giữ lại một mẫu vắc xin để bảo quản trong những điều kiện đạt tiêu chuẩn. Và chúng ta đã biết điều kiện bảo quản mà hãng đưa ra là âm sâu từ -90 độ C đến -60 độ C.

Với điều kiện tiêu chuẩn như vậy, sau một thời gian, nhà sản xuất sẽ đánh giá lại liều lượng cũng như thời hạn của lô vắc xin đó. Đến tháng 8/2021, nhà sản xuất đã có đủ bằng chứng cho thấy sau 6 tháng hay 9 tháng bảo quản ở điều kiện chuẩn, chất lượng sản phẩm của lô vắc xin đó vẫn giữ nguyên như ban đầu, vẫn đảm bảo thông tin về hóa lý, cảm quan cũng như tính sinh miễn dịch và an toàn.

Với những cơ sở khoa học như vậy, hãng đệ đơn lên cơ quan trọng tài cao nhất đó là FDA của Hoa Kỳ để đăng ký cho sản phẩm vắc xin trên có thể bảo quản được dài hơn. Căn cứ vào những cơ sở đề xuất với đầy đủ bằng chứng thực tế, ngày 24/08/2021, FDA đã gia hạn cho tất cả các lô vắc xin của Pfizer nếu như điều kiện bảo quản đảm bảo ở nhiệt độ -90 đến -60 độ thì sẽ được tự động gia hạn 3 tháng. Đó là cơ sở về khoa học và pháp lý của việc gia hạn sử dụng vắc xin.

 Chuyên gia tiêm chủng: Đủ bằng chứng dù hạn sử dụng 6 hay 9 tháng, vaccine vẫn như ban đầu - Ảnh 1.

Sáng 1/12, Hà Nội tạm ngưng sử dụng 2 lô vắc xin vừa được gia hạn.

PV: Như vậy có nghĩa là việc gia hạn sử dụng không hề ảnh hưởng đến chất lượng của vắc xin, thưa ông?

TS. Phạm Quang Thái: Đúng vậy, chúng ta thấy rằng vắc xin luôn được bảo quản từ nhà sản xuất đến người sử dụng trong dây chuyển lạnh. Đặc biệt, khi vắc xin về đến Việt Nam, được lưu trữ tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và trong suốt quá trình bảo quản đó, vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu là -90 độ đến -60 độ. Đây là điều kiện lý tưởng để bảo quản vắc xin trong khoảng thời gian 9 tháng kể từ ngày sản xuất.

Chỉ khi chuyển xuống thực địa, vắc xin đó mới được rã băng và tại thời điểm rã băng vắc xin còn được sử dụng thêm 1 tháng mới có thể được tính là hết hạn sử dụng sau khi rã băng.

Chúng ta thấy rằng, việc bảo quản chặt chẽ như vậy mới đảm bảo được an toàn như khuyến cáo của nhà sản xuất.

PV: Nói là vậy, nhưng nếu việc gia hạn có ảnh hưởng đến chất lượng và gây ra hậu quả nghiêm trọng, đến lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm thưa ông?

TS. Phạm Quang Thái: Trong văn bản của Cục Dược đã nêu rõ, với sự điều chỉnh của hãng, hãng phải chịu các trách nhiệm liên quan đến vấn đề chất lượng trong trường hợp có vấn đề liên quan tới chất lượng.

Tuy nhiên, trong quá trình lưu hành, Viện Vệ sinh và Sinh phẩm (Bộ Y tế) sẽ đánh giá chất lượng của vắc xin đang lưu hành, xem vắc xin có bất cứ biến đổi về mặt cảm quan, về hóa lý, về các yếu tố liên quan đến hiệu lực của vắc xin hay không. Từ đó, mới đưa ra khuyến cáo kịp thời, nếu có bất cứ vấn đề gì quan ngại.

Tại sao lại thông báo gia hạn bằng văn bản thay vì dán lại nhãn?

PV: Như ông nói ở trên, đây không phải là lần đầu tiên có sự thay đổi về hạn sử dụng của vắc xin. Ông có thể giải thích rõ hơn và đưa ra ví dụ cụ thể?

TS. Phạm Quang Thái: Có một lưu ý là với những loại vắc xin bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ, hay thuốc ở 25 độ thì việc dán nhãn lại, đánh dấu lại ngày sử dụng rất dễ dàng và không hề khó khăn. Thay vì có quyết định về văn bản, người ta có thể thay đổi lại nhãn để tránh sự hiểu lầm liên quan đến người sử dụng.

Tuy nhiên, đối với những loại nhãn hết sức đặc biệt, như loại nhãn chịu được nhiệt độ âm sâu như loại vắc xin này thì việc dán lại hoàn toàn không khả thi. Cũng như việc in lại ngày sử dụng cũng là không khả thi.

Cho nên chúng ta chỉ có thể điều chỉnh bằng văn bản. Chính vì thế, mới có sự hiểu nhầm đối với người sử dụng, đặc biệt là các phụ huynh trong thời gian vừa qua, đây là sự việc hết sức đáng tiếc. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự giải thích mang tính chất khoa học để giúp cho các phụ huynh cũng như người sử dụng vắc xin yên tâm, tuân thủ những hướng dẫn của các chuyên gia và các y bác sĩ để có thể tiếp tục sử dụng vắc xin và theo dõi sức khỏe của bản thân và của con em chúng ta cẩn trọng hơn.

PV: Vậy tại sao, khi về Việt Nam, đến chót tháng hết hạn mới có văn bản gửi địa phương và người dân mà không thông báo sớm hơn?

TS. Phạm Quang Thái: Nguyên nhân Bộ Y tế chậm công bố việc gia hạn vắc xin là do chưa từng gặp phải vấn đề này nên không thông báo sớm được cho người dân. Thông tin chấp thuận các lô vắc xin đến với chúng tôi khá muộn, nên chúng tôi chưa kịp cập nhật, đây là điều cần thay đổi.

Còn về phần pháp lý, khi chúng ta nhập vắc xin về thì cũng sẽ căn cứ vào mặt khoa học và pháp lý như vậy. Tuy nhiên, khi hãng nộp hồ sơ cho Việt Nam, 2 lô vắc xin có hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 11/2021. Vì vậy, hãng đã có văn bản lên Cục Dược và Bộ Y tế Việt Nam để xin phép cập nhật mới ngày sử dụng. Căn cứ vào những tiêu chí ấy, Bộ Y tế đã đồng ý cho gia hạn 2 lô vắc xin trên.

Nhà sản xuất đã chuyển tất cả các bằng chứng khoa học, những giấy tờ liên quan đến những thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ. Đến thời điểm hiện tại, Liên minh châu Âu và các quốc gia đang sử dụng sản phẩm của Pfizer-BioNtech đều được thông tin về hạn dùng mới này và vẫn triển khai tiêm vắc xin như bình thường.

Xin cảm ơn ông!


Theo Lê Liên

Từ khóa:  vaccine covid-19
Cùng chuyên mục
XEM