Chuyên gia phân tích tâm lý hành vi của bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình

06/08/2020 11:21 AM | Sống

Vụ việc bà nội đầu độc cháu nội bị bại não ở Thái Bình bằng cách pha thuốc độc vào sữa đang gây bức xúc dư luận. Theo các chuyên gia, hành vi của bà nội là vô cùng tàn nhẫn. Đó không phải là hành vi nhất thời vì hành vi đã được lặp đi lặp lại 2 lần.

Ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã ra Lệnh tạm giữ đối với bà Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969) ở thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP Thái Bình để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Bà Mỹ Lệ đã có hành vi bỏ thuốc độc vào sữa cho cháu nội bị bại não bẩm sinh mới một tuổi. Bà đã 2 lần cho cháu uống thuốc diệt chuột và hành vi đấy khiến cháu nội nguy kịch phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung Ương. May mắn với cháu bé là đến chiều ngày 5/8, sức khỏe đã được ổn định và được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện Nhi Thái Bình khi Bệnh viện Nhi Trung Ương cấp cứu ổn định.

Chuyên gia phân tích tâm lý hành vi của bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình - Ảnh 1.

Hành vi đầu độc cháu nội ở Thái Bình đang gây bức xúc dư luận. Ảnh TL


Sự việc đang gây bức xúc dư luận. Trước hành vi của bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - người đã có hàng chục năm công tác tư vấn gia đình cho rằng, hành vi này là tàn nhẫn. Bà Lệ là người có trình độ chuyên môn cũng là người am hiểu về pháp luật khi là bác sĩ tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư và có phòng khám tại thành phố Thái Bình. Vậy mà khi Vì biết bệnh tình của cháu nội bị bại não không chữa được nên bà Lệ đã ra tay đầu độc cháu.

Về tâm lý, một người bình thường khi thấy cháu bé sinh ra đã thiếu may mắn như vậy, bằng mọi cách họ vẫn cố cứu chữa để giành giật sự sống cho cháu. Thực tế, trong đời sống cũng có nhiều gia đình có con cháu bị vậy và họ xác định cả đời chăm sóc, lo cho những đứa trẻ khi không còn ai chăm sóc lúc mình lìa đời sẽ sống ra sao. Không ít người phải tự an ủi những đứa trẻ kém may mắn ấy đang "gánh nghiệp" cho cả nhà. Để rồi vượt qua tất cả, họ từng ngày chăm chút cho những đứa trẻ trong tình yêu thương.

"Có trường hợp nhà có người ba con bị nhiễm chất độc màu da cam nhưng họ vẫn cố gắng nuôi cả 3 dẫu cuộc sống rất khó khăn. Tại sao họ nuôi được, chăm sóc được mà người bà nội này lại ra tay như vậy. Là một người có kinh tế, am hiểu chuyên môn, pháp luật nhưng hai lần đầu độc cháu là đã không phải nhất thời. Một khi tình yêu với một người không đủ lớn sẽ cảm thấy đó là gánh nặng" – chuyên gia Lê Thị Túy chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia Lê Thị Tuý, có thể bà Lệ đang gặp bế tắc khi cháu mắc bệnh không chữa được. Từ tâm trạng này dẫn tới bí bách mà hành động như thế. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa hành vi đó cũng vô cùng tàn nhẫn với máu mủ của mình cần phải hết sức lên án. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, nhất là quyền được sống cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên bà đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho cháu. Bản thân bà Lệ có vấn đề trầm cảm, sáng đi tối về lại chăm sóc cháu nội bị bại não nên nghĩ quẩn.

Cuộc sống vẫn có những đứa trẻ sinh ra khuyết tật, kém may mắn, bị down. Nhưng bằng tình yêu thương của người thân, nghị lực, trí tuệ của mình, những đứa trẻ đã vượt qua được nghịch cảnh mà vào được những trường Đại học, thậm chí trở nên xuất chúng mà những đứa trẻ bình thường chưa chắc làm được. Bởi vậy, đừng vội cảm thông với hành động của bà nội nghĩ rằng cháu khổ, cháu đau đớn với những đa dị tật của bản thân đang mang để vội tìm cách cướp đi sự sống của trẻ. Liệu rằng người bà ấy đang muốn giải thoát cho cháu khỏi đau đớn hay là đang giải thoát cho chính mình?

Dưới góc độ pháp luật, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì bà nội sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.

Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.

Phương Thuận

Cùng chuyên mục
XEM