Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Tôi thực sự giật mình với con số 1.750 dự án FDI làm phân phối"

06/10/2016 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Hỏi doanh nghiệp nội có cần hỗ trợ hay không cũng giống như cách “hỏi người đói có muốn ăn không”. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã không biết bao lần phát khóc vì các chính sách hoặc bất cập hay ưu ái cho “người ngoài” mà lĩnh vực phân phối là một ví dụ điển hình.

Sáng ngày 6/10, Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của Ngành chế biến xuất khẩu Gỗ và ngành Bán lẻ” đã diễn ra tại Hà Nội. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra việc Việt Nam tuy đã có biện pháp để hỗ trợ các ngành kinh tế trong nước nhưng dường như vẫn còn có sự lúng túng nhất định. Đặc biệt, nhiều cơ quan chức năng đang lo lắng khi cho rằng “không gian chính sách của Việt Nam đang bị hẹp, mất đi”.

Cửa "hẹp" nhưng vẫn "lách" được

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết Việt Nam trong thời gian qua đã hội nhập ngày một sâu rộng. Tính đến nay, ngoài việc đã gia nhập WTO 10 năm nay thì Việt Nam đã ký kết được hiệp định FTA với 57 nước trên thế giới.

Những hiệp định này một mặt sẽ tạo ra khả năng phát triển lớn cho Việt Nam khi vừa khai thác được lợi thế nội sinh đồng thời cũng thu hút được các nguồn lực cần thiết từ bên ngoài như: công nghệ, giao lưu nhân lực, tri thức...

Tuy nhiên, với những cam kết quốc tế, không gian chính sách của Việt Nam đồng thời bị thu hẹp lại, và tuỳ theo những hiệp định khác nhau thì không gian ấy cũng hẹp hay rộng khác nhau.

“Tôi nghĩ tuy bị thu hẹp lại nhưng không có quốc gia nào chấp nhận việc mình không còn không gian chính sách. Không gian đó tuy bị thu hẹp đáng kể trong một số lĩnh vực nhưng phần còn lại để phát triển vẫn còn rộng lớn lắm”, bà Chi Lan nói.

Đặc biệt, bà nhấm mạnh vì Việt Nam là một nước đang chuyển đổi cho nên mọi hiệp định của chúng ta vẫn được các nước khác nhân nhượng, do đó, Việt Nam nên chủ động thiết kế các chính sách cần thiết và có lợi cho doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất trong nước.

“Phải nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn các hiệp định, cam kết”, bà nói. Theo đó, cần làm ở cả hai phía: Chính phủ và doanh nghiệp. Đặc biệt là chính phủ, bởi “Chính phủ thiết kế chính sách”.

“Tôi lấy làm tiếc vì đến nay, nhiều người làm ở các cơ quan nhà nước chưa có được sự hiểu biết đầy đủ, ngộ nhận về chính sách. Báo chí không ít lần phản ánh khi doanh nghiệp đề xuất vấn đề nọ kia thì được các công chức ở bộ ban ngành ráo hoảnh “cái này chúng ta đã hội nhập rồi, không được làm vậy”, trong khi có phải vậy đâu, là họ hiểu sai, vẫn còn những không gian để chúng ta làm...” bà Chi Lan chia sẻ.

Hạn chế lớn nhất chuyên gia này chỉ ra đấy là những hỗ trợ trực tiếp cho ngành xuất khẩu, vì bởi cam kết tự do thương mại, cho nên việc tháo bỏ hàng rào thuế quan là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh lại việc “có thể làm được những hỗ trợ khác tại thị trường trong nước”.

Bán lẻ cần lắm “bàn tay” nhà nước

Lấy ví dụ ngành bán lẻ, bà Chi Lan cho biết đây là ngành cần rất nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Bà lý giải vai trò của ngành này không chỉ bởi đây là ngành tiêu biểu khi hút tới 50% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mà còn bởi nó ảnh hưởng ngược về cả ngành sản xuất khi mà “không còn kênh phân phối, không còn nhà sản xuất nữa”.

“Tôi thực sự giật mình với con số được đưa ra trong hội thảo là 1.750 dự án FDI vào Việt Nam là làm phân phối”, bà Chi Lan nói.

Theo đó, khi Việt Nam tham gia vào WTO, Việt Nam chưa mở của ngay cho các đại siêu thị, tuy nhiên đấy chỉ là chính sách đối với những hệ thống siêu thị lớn, còn đối với hệ thống nhỏ thì đã “buông lỏng hoàn toàn”.

Bà Chi Lan cho biết: “Chỉ có một chế độ duy nhất là định nghĩa không gian phải quá 50m mới được mở một cửa hàng. Đây là một lỗ hổng chết người”

Lợi dụng kẽ hở đó, các ông lớn nước ngoài đã mở các chuỗi cửa hàng nhỏ lẽ hay còn gọi là cửa hàng tiện ích với con số lên đến vài trăm, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam, tạo thành thế tấn công toàn diện, dồn dập, mạnh mẽ: Đại siêu thị đối chọi với những siêu thị lớn nội địa, chuỗi cửa hàng tiện ích đối chọi với các chợ truyền thống mà theo bà Chi Lan bày tỏ là “rất đau”.

Một khía cạnh khác mà Chính phủ đã chưa làm tốt đó là kiểm soát hàng lậu. Hàng lậu tràn lan đã khiến người tiêu dùng khốn khổ đã đành mà người sản xuất, bán lẻ cũng khốn đốn chẳng kém. Bởi người tiêu dùng từ chỗ mất niềm tin vào hàng hoá đã phải chọn cách yên tâm hơn là mua sắm trong những cửa hàng uy tín hơn, mà đây lại là ưu thế của những ông lớn nước ngoài.

Do đó, bán lẻ cần phải được hỗ trợ, phải được vực lên, vì lợi ích không chỉ của bản thân nó mà vì cả những người đằng sau nó, bà Chi Lan nhấn mạnh.

Vị chuyên gia kinh tế này đề xuất ít nhất Chính phủ cũng cần có những chính sách hợp lý như là chính sách đất đai. “Đây là đại vấn đề, là rào cản khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam luôn bị thua thiệt so với doanh nghiệp ngoại!”, bà Chi Lan bức xúc.

Bà dẫn chứng khi cho biết Chính phủ sẵn sàng cho Metro, Big C hàng hecta ở những khu đất vàng với giá thuê dài hạn rẻ, còn nếu doanh nghiệp nội đề xuất thì câu trả lời là “Không” khiến cho doanh nghiệp nội phải tự thân vận động. Do đó, cần phải ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, bà khẳng định.

Mặt khác, bà Chi Lan cũng cho rằng việc đầu tư của nhà nước cũng nên thích đáng. Ví dụ như việc làm lại chợ, phải tính toán kỹ, chứ không thể làm lại mà làm mất luôn các chợ truyền thống, trong khi các chợ này đã được người dân quen thuộc vì sự thuận lợi tự nhiên. Việc “thủ tiêu chợ” hay “xây dựng để biến thành chợ của đại gia chứ không còn là chợ của những người phân phối nhỏ lẻ” là điều không chấp nhận được, chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay.

Theo Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM