Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: “Thế kỷ 21 là thế kỷ mà chúng ta không thể bình tĩnh nhưng cũng không thể hoảng hốt”

06/12/2018 13:30 PM | Kinh doanh

Đó là chia sẻ, trăn trở của bà Nguyễn Phi Vân khi tham gia hội đồng ban giám khảo của giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award.

Bà Nguyễn Phi Vân được biết đến như một chuyên gia nhượng quyền hàng đầu Việt Nam. Bà hiện là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates tại khu vực Đông nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, đại diện cho gần 1000 thương hiệu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, bà cũng là Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia. Bà từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả 3 cuốn sách bao gồm "Quảy gánh băng đồng ra thế giới", "Nhượng quyền khởi nghiệp, và "Con đường ngắn để bước ra thế giới”.

Gần đây, bà đã nhận lời tham gia giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award với tư cách giám khảo. Trò chuyện với Cafebiz, nữ chuyên gia nhượng quyền đã có những chia sẻ về quyết định nhận lời tham gia Blue Venture Award.

Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh tích cực và viết sách, đâu là lý do bà bỗng dưng nhận lời tham gia ngồi “ghế nóng” một giải thưởng doanh nhân cộng đồng?

Blue Venture Award là một giải thưởng dành cho doanh nhân cộng đồng, và vì rất quan tâm đến sự phát triển bền vững của xã hội nên tôi quyết định tham gia giải thưởng này. Tôi hy vọng mình có thể đóng góp một phần vào việc cùng cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các bạn đang khởi nghiệp làm được những điều tốt cho xã hội.

Là người từng có nhiều cống hiến cho xã hội thông qua các hoạt động kinh doanh, bà nghĩ thế nào về “Doanh nhân cộng đồng”?

Tôi nghĩ “Doanh nhân cộng đồng” trước hết là phải là người phát triển được doanh nghiệp của họ có lợi nhuận vững vàng. Vì nếu bạn không tồn tại được thì bạn sẽ không thể giúp được cho ai, đó là chuyện thứ nhất.

Thứ hai, trên con đường phát triển của mình, doanh nhân đó có thể mang những giá trị cho cộng đồng ngành nghề mà họ có hoạt động chung. Ví dụ như những cộng đồng tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của doanh nghiệp trước. Như vậy là để cho chính ngành nghề, chính doanh nghiệp của họ được phát triển bền vững. Sau đó rộng hơn là những cộng đồng, thị trường xung quanh. Bằng cách này, bạn đã giúp cho cả xã hội và thế giới rồi.

Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: “Thế kỷ 21 là thế kỷ mà chúng ta không thể bình tĩnh nhưng cũng không thể hoảng hốt” - Ảnh 1.

Theo bà, đâu là tố chất để “định hình” một doanh nhân cộng đồng thành công?

Để thành công, theo tôi người doanh nhân cộng đồng trước hết cần phải phát triển được doanh nghiệp của họ. Tức là họ phải tạo ra được lợi nhuận để “nuôi sống” doanh nghiệp của họ trước. Từ đó giúp ngành nghề mà họ đang hoạt động ngày càng mở rộng hơn, không chỉ tại Việt Nam, trong khu vực mà còn vươn tầm thế giới. Đó là tố chất đầu tiên.

Ngoài ra, tôi cũng muốn các bạn nhớ rằng chúng ta đang sống trong một thế kỉ có rất nhiều vấn đề xã hội. Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy rằng Liên Hợp Quốc đã đưa ra 17 mục tiêu thiên niên kỷ cho cả thế giới và tất cả mục tiêu này đều liên quan đến các vấn đề về xã hội. Nhiều trong số đó có thể kể đến như vấn đề bình đẳng giới, nghề nghiệp cho phụ nữ, hội nhập vào thời kỳ công nghệ mới… Như vậy, các doanh nhân cộng đồng cần phải lưu ý đến những vấn đề này. Họ phải xem xét họ có thể góp phần giải quyết các mục tiêu trên như thế nào thông qua sự các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Blue Venture Award là giải thưởng nêu cao tinh thần thành công là một sự phối hợp hoàn hảo của cả một đội ngũ trong ý nghĩa của khẩu hiệu “success is a blend”. Vậy theo bà một đội ngũ gắn kết có tầm quan trọng như thế nào trong việc tạo nên thành công của một dự án?

Thế kỷ 21 là thế kỷ của collaboration - cộng tác để giải quyết các vấn đế phức tạp. Một vấn đề giờ đây nếu muốn giải quyết cần phải có chuyên viên khác nhau về công nghệ, IT, khoa học, thiết kế, tâm lý học, thị trường… Do đó, một đội ngũ, dù là đội ngũ co-founder đồng sáng lập hay đội ngũ cùng hợp tác triển khai một dự án, muốn thành công phải là đội ngũ do những chuyên viên khác nhau, rất giỏi trong từng mảng cùng đóng góp.

Ngoài yêu cầu phải rất giỏi về chuyên môn, để việc công tác thành công, từng cá nhân còn phải học tinh thần và cách tiếp cận tôn trọng người khác, tôn trọng mọi ý kiến dù là khác biệt, đủ EQ (trí tuệ cảm xúc) để có thể hiểu mình hiểu người và quản trị được cảm xúc khi làm việc nhóm.

Cuối cùng, một đội ngũ sáng tạo là đội ngũ được thiết lập bởi những cá nhân có văn hoá và cách tư duy khác nhau. Đội ngũ càng nhiều màu sắc về văn hoá sẽ càng sáng tạo nhờ sự kết hợp và dung nạp sự khác biệt. Do đó, cá nhân muốn cộng tác tốt trong một đội ngũ như vậy cần hiều biết về xã hội, văn hoá, nghệ thuật, nhân chủng học để có thể dễ dàng hiểu và cộng tác với người từ những nền văn hoá khác

Đến với Blue Venture Award với tư cách ban giám khảo, đâu là những tiêu chí để bà “chọn mặt gửi vàng” ở một startup?

Tôi nghĩ đã là một doanh nhân cộng đồng thì trước hết phải là một người có tầm nhìn lớn. Tầm nhìn về những vấn đề xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn ở cả khu vực và trên toàn thế giới. Thêm nữa, startup phải là một công dân toàn cầu. Khi đó, startup mới có khả năng mang mô hình của họ vươn rộng trên toàn thế giới và giúp giải quyết được nhiều vấn đề cho cộng đồng. Tôi sẽ chú trọng tìm những người có tầm nhìn như vậy.

Tiêu chí tiếp theo mà tôi quan tâm nằm ở tính cách và giá trị của thí sinh. Tôi sẽ tìm những chi tiết về giá trị sống, giá trị đóng góp của một con người vào sự phát triển của ngành nghề và sự phát triển chung của xã hội.

Thứ ba, tôi sẽ chú trọng vào sự bền vững. Vì tôi nghĩ nếu muốn làm việc tốt, muốn giúp cho xã hội thì mình phải làm lâu dài chứ không chỉ 1-2 ngày, 1 tuần hay 1 tháng sau đó không làm nữa. Tôi tìm sự cam kết của một mô hình cũng như sự cam kết của cả một tập thể để làm cho mong muốn xây dựng những dự án mang lại ảnh hưởng tốt cho cộng đồng được phát triển bền vững.

Với những tiêu chí vừa nêu, bà có thông điệp gì muốn gửi gắm đến các thí sinh tham dự Blue Venture Award nói riêng và toàn thể doanh nhân cộng đồng nói chung?

Thông điệp của tôi rất đơn giản: Thế kỷ 21 là một thế kỷ mà chúng ta không thể bình tĩnh nhưng chúng ta cũng không thể hoảng hốt. Thế kỷ 21 là một thế kỷ mà nó thách thức tất cả mọi sự truyền thống, thách thức mọi vấn đề về tính bản địa, thách thức mọi vấn đề về tính môi trường về tài sản của thế giới. Cho nên tôi mong muốn các bạn là hãy nghĩ lớn nghĩ xa và nghĩ cho nhân loại.

Cám ơn bà về buổi trò chuyện ngày hôm nay!

Blue Venture Award là cuộc thi do công ty Pernod Ricard Việt Nam phối hợp cùng công ty TV Hub tổ chức, thuộc khuôn khổ giải thưởng Doanh nhân cộng đồng toàn cầu The Venture, nhằm tìm kiếm các ứng viên có tầm nhìn tốt, ý tưởng hấp dẫn, kế hoạch kinh doanh vững chắc dựa trên tinh thần thành công là một sự phối hợp hoàn hảo của cả một đội ngũ trong ý nghĩa của khẩu hiệu “success is a blend”. Người thắng cuộc sẽ đại diện Việt Nam tham dự vòng thi quốc tế “The Venture” diễn ra vào tháng 5/2019 để có cơ hội giành tổng giải thưởng 1 triệu USD.

Tìm hiểu về Blue Venture Award tại: theventure.com

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM