Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Để phát triển bền vững, doanh chủ nhượng quyền cần đa dạng kênh doanh thu, ưu tiên tạo ra nhiều lợi nhuận cho đối tác và chuyển đổi số…

12/07/2020 10:28 AM | Kinh doanh

Dù là người bán hay mua nhượng quyền, nếu sau Covid-19 mà bạn vẫn chưa có động thái gì thay đổi so với trước Covid-19 là bạn đang không ổn. Ít nhất, doanh chủ cũng cần phải tư duy lại dòng tiền, đa dạng kênh doanh thu, quan trọng nhất là tạo ra nhiều lợi nhuận cho đối tác và chuyển đổi số ngay lập tức...

"Trong thời gian qua, tôi đã gặp nhiều người nhượng quyền hoặc doanh nghiệp đang đầu tư cho mô hình nhượng quyền, hầu hết họ kể là mới ký thêm được hợp đồng nhượng quyền mới, dù nền kinh tế Việt Nam quả thật đang tả tơi.

Vậy Covid-19 đánh chết những ai? Theo tôi, hầu hết ‘nạn nhân’ đều là những người đang làm riêng lẻ, không đủ đội nhóm/nguồn lực để nhanh chóng xoay chuyển hay sáng tạo nhằm tồn tại và bước thêm những bước mới. Covid-19 chính là bài kiểm tra xem chúng ta đủ sức đi xa được hay không!

Trong Covid-19, khi tôi làm việc với các team như 25 Fit hay Star Home Spa là tính bằng từng giờ, bằng phút; làm từ sáng đến đêm nhằm kịp chuyển đổi nhiều thứ, ứng biến kịp thời với Covid-19. Những người làm riêng lẻ rõ ràng không có đội nhóm như vậy để cùng ‘chiến đấu’", chị Nguyễn Phi Vân chia sẻ trong Hội thảo Thay đổi mô hình kinh doanh nhượng quyền hậu Covid-19.

Ngoài là chuyên gia nhượng quyền quốc tế có vài chục năm kinh nghiệm, chị Nguyễn Phi Vân hiện tại còn đầu tư hoặc làm cố vấn cho rất nhiều mô hình kinh doanh nhượng quyền non trẻ như 25 Fit, Star Home Spa, 4An…

Thế nên, sau Covid-19, không ít người làm kinh doanh riêng lẻ nhận ra, mình cần là một bộ phận của ‘chiếc xe xịn’ hơn là cả ‘một chiếc xe cà tàng’, mình cần có một đội nhóm lớn với những con người có nhiều khả năng khác nhau. Bởi nếu thiếu đi hệ thống – tư duy – nguồn lực lớn nói trên, việc sống sót sẽ mỏng manh hơn.

Ngoài ra, sau Covid-19, có thêm bộ phận nữa tích cực tham gia nền công nghiệp nhượng quyền: doanh chủ của doanh nghiệp lớn không vượt qua được đại dịch.

Chị Nguyễn Phi Vân kể là mình đã giúp một vài người bán được doanh nghiệp trong mùa Covid-19. Những người đó, sau khi nắm một cục tiền trong tay sẽ băn khoăn không biết nên làm gì tiếp theo. Không ít trong số đó đã nghĩ đến chuyện tham gia hệ thống hợp thời hơn – như mô hình kinh doanh nhượng quyền. Ngoài ra, nếu nhỡ như có thêm 1 thảm họa khách quan khác, họ cũng không sợ, vì những mô hình nhượng quyền hiện tại rõ ràng đã vượt qua thử thách khủng hoảng.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Để phát triển bền vững, doanh chủ nhượng quyền cần đa dạng kênh doanh thu, ưu tiên tạo ra nhiều lợi nhuận cho đối tác và chuyển đổi số… - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Phi Vân hiện đang là cố vấn của 25 Fit.

"Nhượng quyền là một ngành phát triển hơn sau Covid-19 chứ không đi xuống 1 chút nào. Sau Covid-19, câu chuyện nhượng quyền không dừng lại mà còn ‘nhấn ga’ mạnh hơn nữa", chị Nguyễn Phi Vân khẳng định.

Nhưng điều đó không có nghĩa với việc, trước Covid-19 mình làm nhượng quyền như thế nào thì bây giờ, sau Covid-19 cũng làm thế đó. Dù bạn là người mua nhượng quyền hay người bán nhượng quyền, nếu tới thời điểm hiện tại mà vẫn chưa có động thái gì thay đổi mô hình kinh doanh của mình, là bạn đang không ổn.

"Để phát triển bền vững, doanh chủ nhượng quyền cần tư duy lại dòng tiền, đa dạng kênh doanh thu, ưu tiên tạo ra nhiều lợi nhuận cho đối tác, khuyến khích người nhận quyền đầu tư nhiều chi nhánh và chuyển đổi số", chị Nguyễn Phi Vân đề nghị.

Tư duy lại dòng tiền


Kinh nghiệm rút ra sau Covid-19 là chúng ta cần phải cẩn thận hơn về dòng tiền, luôn chú tâm chuyện thu tiền mặt về túi, vì rõ ràng nhiều doanh nghiệp không hề có một đồng doanh thu trong các tháng cao điểm mùa dịch.

Đầu tiên là tài sản phải nhẹ - asset light. Nếu sau khi tầm soát thấy tài sản của chúng ta đang nặng, cần phải xé nhỏ nó ra. Nguyên tắc là, tài sản nhẹ thì đầu tư cũng nhẹ. Chúng ta cần phải tư duy lại nguồn gốc của tài sản, xem chúng ta đã đầu tư với chi phí thấp nhất chưa. Hoặc thấy tài sản nào không làm ra tiền, hãy cắt đi.

Thứ hai là mặt bằng nhẹ - real light. Rà soát xem mặt bằng mà chúng ta có đang tốn nhiều tiền thuê, quá lớn hoặc chưa tối ưu hay không. Đây là câu hỏi mà mỗi năm chúng ta đều phải tự hỏi bản thân, chứ không phải bởi Covid-19 mới hỏi.

Mỗi năm, chúng ta nên cố gắng giảm diện tích mặt bằng kinh doanh của chúng ta xuống – ví dụ như cắt những diện tích chúng ta không sử dụng hay diện tích không tạo ra tiền. Hoặc có thể tối ưu hóa hơn hiệu năng của diện tích, nếu năm này 1m2 cửa hàng tạo ra 200 USD, thì sang năm phải là 250 USD. Tư duy nhượng quyền đúng là chúng ta phải càng ngày càng tối ưu hóa hiệu quả diện tích/nhân sự trong một cửa hàng!

Đa dạng hóa kênh doanh thu


Hiện tại, các cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam thường có 1, 2 hoặc 3 kênh doanh thu. Nhưng với mô hình nhượng quyền, càng nhiều kênh doanh thu càng tốt, không có chuyện ‘tôi có 5 kênh doanh thu đã đủ".

"Câu hỏi bây giờ là: nếu tôi tăng thêm 1 đến 2 kênh doanh thu cho mô hình hiện tại thì tôi phải làm gì? Nếu chúng ta không đa dạng thêm kênh doanh thu, chúng ta sẽ dễ chết.

Theo tôi, một cửa hàng có 1 hoặc 2, 3 hoặc 4 đến 5 kênh doanh thu chẳng là gì. Hoàn toàn không nhiều! Tôi luôn yêu cầu các team của mình cần phải ‘nhiều+1’, luôn tư duy làm sao để có thêm nguồn doanh thu mới. Nếu hài lòng với số lượng kênh doanh thu hiện tại, tức chúng ta không tiến hóa, đang không phát triển bền vững theo thời gian", chị Nguyễn Phi Vân nêu cụ thể.

Hỗ trợ đối tác tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể


Trước Covid-19, chúng ta thấy mình có rất nhiều thứ phải làm cho đối tác, nào là chuẩn hóa quy trình vận hành, huấn luyện nhân sự…; nhưng bây giờ chúng ta chỉ cần tập trung làm 1 việc cho đối tác: tạo doanh thu nhiều nhất có thể cho họ. Trong Covid-19, lợi nhuận – tiền mặt là những thứ tối thượng!

Thế nên, chúng ta cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra các bản đồ tư duy – mind map, với 3.000 cách giúp các đối tác của mình tăng lợi nhuận. Sau khi tranh luận – thực nghiệm, chúng ta sẽ chọn một vài giải pháp tốt nhất để áp dụng cho các chi nhánh. Một khi các đối tác biết mình đã ‘lao lực’ như thế nào vì họ, họ sẽ không bao giờ bỏ mình!

Khuyến khích người nhận quyền đầu tư nhiều chi nhánh


Đây là điều mà các doanh chủ nhượng quyền hay nói đến nhưng chưa làm trước Covid-19.

Sự thật trong nhượng quyền: dù chúng ta đầu tư 1 hoặc 3 chi nhánh, chúng ta đều phải bỏ ra từng đó chi phí cho kế toán, vận hành, marketing…; tức nguồn lực hỗ trợ cho 1 chi nhánh và 3 chi nhánh là ngang nhau, chi phí quản trị cho 1 chi nhánh bằng 2 chi nhánh.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Để phát triển bền vững, doanh chủ nhượng quyền cần đa dạng kênh doanh thu, ưu tiên tạo ra nhiều lợi nhuận cho đối tác và chuyển đổi số… - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Phi Vân là một mentor được rất nhiều bạn trẻ yêu quý.

"Ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, các doanh chủ nhượng quyền cần phân tích tài chính cụ thể cho người nhận quyền, rằng nếu họ nhận quyền 1 chi nhánh sẽ khác với 3 đến 5 chi nhánh như thế nào; ví dụ: nếu có nhiều chi nhánh, người nhận quyền sẽ phát triển nhanh hơn, tạo lợi nhuận cao hơn.

Những người nhận quyền nhiều chi nhánh sẽ có cam kết vững bền và đi xa với chúng ta hơn. Thêm nữa, quản trị 100 người mua nhận quyền 100 chi nhánh rất khác với 30 người/50 người. Nhà đầu tư 1 chi nhánh với nhà đầu tư 5 đến 10 chi chính là 2 kiểu người hoàn toàn khác nhau, họ không chỉ khác nhau về tư duy, cách làm việc mà còn khác về mức độ thấu hiểu và sẵn sàng cộng tác. 2 kiểu nhà đầu tư này ở 2 cấp độ hoàn toàn khác nhau", chị Nguyễn Phi Vân khẳng định.

Việc bây giờ phải làm của các doanh chủ là ngồi rà soát xem trong các đối tác nhà đầu tư của mình có ai có thể phát triển nhiều chi nhánh hay không. Sau đó dành thật nhiều tình cảm, tình yêu và sức lực cho họ. Chúng ta nhất định phải để họ biết rằng, chúng ta yêu họ nhiều như thế nào. Nếu yêu thương người khác mà dấu trong lòng thì cũng như không!

Chuyển đổi số ngay lập tức


Trước Covid-19, chuyển đổi số là một trong những thứ mà chúng ta phải làm; nhưng sau Covid-19, đây là điều mà chúng ta phải làm ngay lập tức.

Chúng ta cần đầu tư chuyển đổi số vào những khâu mà nếu dùng con người sẽ rất dễ mắc sai sót. Chúng ta cần phải tự động hóa quản trị của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác. Nếu nhượng quyền mà không đọc được dữ liệu của các đối tác, thì xem như chúng ta đã mất trắng.

Thật ra, nhượng quyền là để tập trung xây dựng giá trị thương hiệu chứ không phải tập trung vào vận hành hoặc tăng số lượng chi nhánh. Tức khi nhượng quyền, chúng ta dựa vào sự vận hành của người khác để mình xây dựng thương hiệu. Chúng ta phải biến thương hiệu của mình từ 1 triệu USD lên 1 tỷ USD, để khi IPO hoặc M&A, giá trị thương hiệu sẽ gấp 1 vạn lần so với giá trị nhượng quyền.

"Khi đến tìm hiểu để đầu tư, các nhà đầu tư sẽ nhìn vào khả năng kiếm tiền của thương hiệu chúng ta trong tương lai. Theo đó, họ sẽ nhìn vào dữ liệu đầy đủ của chúng ta, như dữ liệu về khách hàng, về giá trị một đơn hàng, doanh thu từng tháng cụ thể…để biết nếu một năm nữa thì thương hiệu này sẽ như thế nào. Dữ liệu là cực kỳ quan trọng!

Hiện tại, không ít doanh chủ nhượng quyền tại Việt Nam chưa tư duy đúng về mô hình này, thay vì tập trung quản trị thương hiệu họ chỉ chăm chăm phát triển chi nhánh", chị Nguyễn Phi Vân giải thích.

Đây là 5 vấn đề, mà theo chị Nguyễn Phi Vân, các doanh chủ nhượng quyền lẫn nhận quyền nên tập trung chuyển đổi ngay lập tức, nhằm tạo nên một mô hình nhượng quyền sẵn sàng sống sót dù gặp bất cứ nghịch cảnh gì trong tương lai.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM