Chuyên gia Lâm Minh Chánh chia sẻ 6 sự thật về VÀNG: Từng là kênh đầu tư "Vua", nhưng nay thua cả lãi suất ngân hàng!

09/02/2022 08:04 AM | Kinh doanh

"Những người mê vàng chắc sẽ rất shock khi biết rằng, sự lên giá của vàng còn thấp hơn lãi kép tiền gửi ngân hàng trong 5 - 10 năm trở lại đây", ông Lâm Minh Chánh nhận định.

Trong vũ điệu tăng shock, giảm sâu của giá vàng trước ngày vía Thần Tài (Mồng 10/1 âm lịch), ông Lâm Minh ChánhGiám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, từng đầu tư và làm chủ sàn vàng, tác giả cuốn sách bán chạy "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam" – có bài phân tích sâu về vàng, kênh đầu tư giữ ngôi vương một thời.



1- Tài sản nhiều người mê

Trước đây, vàng từng là tiền tệ của nhiều nước. Đến khi tiền giấy xuất hiện, thì các nước sử dụng hệ thống bản vị vàng, nôm na là in tiền theo số lượng nhất định so với số vàng của ngân khố. Đến 1975, hệ thống bản vị vàng của Mỹ bị bãi bỏ. Tuy vậy vàng vẫn là 1 loại tài sản, một công cụ đầu tư có giá trị. Cứ mỗi khi có nguy cơ chiến tranh, hoặc kinh tế bất ổn, suy thoái thì nhà đầu tư lại quay về với vàng.

Tại Việt Nam, cái sự mê vàng còn cao hơn thế giới nhiều bậc. Một trong những nguyên nhân chính là có thời gian lạm phát ở mức phi mã. Những năm 1985 – 1986, tiền mất giá đến 400% - 500%/năm...

Tiền mất giá, chứng khoán thì chưa ra đời, vàng trở thành ông vua. Vua thật sự. Rất nhiều người thế hệ 4X – 6X tôn sùng vàng. Và nhiều người thế hệ 7X - 9X cũng bị ảnh hưởng theo. Cứ dư tiền lại mua vàng.

Họ đã đúng, cho đến năm 2000, khi vàng không còn tăng giá mạnh như trước đây, và các kênh đầu tư khác bắt đầu hình thành, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.


2- Tỷ suất lợi nhuận thua cả tiền gửi ngân hàng

Chuyên gia Lâm Minh Chánh chia sẻ 6 sự thật về VÀNG: Từng là kênh đầu tư Vua, nhưng nay thua cả lãi suất ngân hàng! - Ảnh 2.

Trong cuốn sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam", tôi có nói rõ Tỷ suất lợi nhuận trung bình của vàng trong dài hạn ở mức 7% - 12%/năm, tùy thời điểm chúng ta đầu tư.

Thống kê của quỹ Dragon Capital, do TS Lê Anh Tuấn - Phó TGĐ Đầu tư trình bày vào tháng 8/2021, cho biết vàng có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp so với các công cụ đầu tư khác. Cụ thể:

- Trong 21 năm (2000 - 2021): Cổ phiếu: 15,9%/năm, BĐS: 11,9%, Trái phiếu: 9,4%, Tiền gửi NH: 8,0%, Vàng: 9,0%, USD: 2,2%

- Trong 10 năm (2011 - 2021): Cổ phiếu: 15,8%, BĐS: 8,9%, Trái phiếu: 9,9%, Tiền gửi: 7,3%, Vàng: 1,7%, USD: 0,9%

- Trong 5 năm (2016 – 2021): Cổ phiếu: 19,2%, BĐS: 12,1%, Trái phiếu 9,8%, Tiền gửi 6,2%, Vàng 6,1%, USD: 0,2%.

Lưu ý: Tất cả lãi suất/tỷ suất lợi nhuận này chưa tính đến lạm phát (So sánh ngang nhau).

Những người mê vàng chắc sẽ rất "shock" khi biết rằng, sự lên giá của vàng còn thấp hơn lãi kép tiền gửi ngân hàng trong 5 - 10 năm trở lại đây.


3- Giá vàng Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới, và chênh lệch giữa giá Mua/Bán quá cao

Nếu quy đổi giá vàng thế giới, tức là lấy giá vàng thế giới + phí vận chuyển + phí bảo hiểm + thuế nhập khẩu, và quy đổi ra tiền Việt Nam, chúng ta sẽ thấy giá vàng Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới, khi thì 1,2 triệu đồng, khi thì 3,4 triệu đồng, đôi khi còn cao hơn, tùy thời điểm.

Hiện giá vàng thế giới đang ở mức 1800 – 1820 USD/ounce, tương đương với 40 – 51 triệu đồng/lượng. Nhưng giá vàng Việt Nam đang ở mức 62 - 63 triệu đồng/lượng.

Về cơ bản, giá vàng trong nước tăng, giảm theo giá vàng thế giới tuy vậy thời gian tăng giảm không đồng bộ. Có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm theo giá vàng thế giới gần như tức thời, nhưng có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm chậm hay nhanh một vài nhịp so với giá vàng thế giới. Tốc độ nhanh chậm này nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ doanh nghiệp vàng tại Việt Nam.

Điều đáng nói nhất là sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán của vàng Việt Nam quá lớn so với vàng thế giới. Nếu sự chênh lệch giữa giá mua giá bán của giá vàng thế giới chỉ từ 0,05% - 0,2% thì sự chênh lệch của giá vàng Việt Nam thông thường là từ 1% - 2%. Những lúc biến động, sự chênh lệch này giãn ra 3% - 4%, thậm chí cao hơn.

Đây là rủi ro cực lớn cho người đầu tư, lướt sóng vàng vật chất tại Việt Nam.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh chia sẻ 6 sự thật về VÀNG: Từng là kênh đầu tư Vua, nhưng nay thua cả lãi suất ngân hàng! - Ảnh 3.


4 – Có đoán được giá vàng?

Theo kinh nghiệm đầu tư vàng và làm chủ sàn vàng (VTG) của tôi thì rất hiếm ai dự đoán đúng giá vàng. Tôi đã từng nói, viết câu này, mấy năm rồi và đến nay nó vẫn luôn đúng: "Giá vàng diễn biến rất khó lường. Giá vàng như có mắt vậy. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ lên mạnh. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ xuống mạnh. Giá vàng không cho ai "ăn dày", thắng đủ cơn sóng. Nhưng lại làm cho rất nhiều người thua lớn".


5- Có nên đầu tư vàng? Đầu tư bao nhiêu % tài sản thì hợp lý?

Nếu bạn quá mê vàng, thì bạn vẫn có thể đầu tư vàng. Tuy nhiên chỉ đầu tư 5% - 10% tài sản vào vàng thôi.

Lý do 1: tỷ suất lợi nhuận của nó quá kém. Tại sao đầu tư nhiều vào vàng, khi chúng ta có thể đầu tư vào các tài sản khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Lý do 2: rủi ro về cất giữ. Chúng ta đầu tư cổ phiếu thì có trung tâm lưu ký chứng khoán và các hệ thống lưu giữ cổ phiếu cho chúng ta. Chúng ta gởi tiền ngân hàng thì ngân hàng và hệ thống quản lý ngân hàng giữ tiền cho chúng ta. Chúng ta đầu tư vàng vật chất thì phải tự giữ. Rất rủi ro.

Chúng ta nên tránh mua vàng một lần bằng số tiền lớn, vì có thể sau khi chúng ta mua, giá vàng rớt. Chúng ta yếu tim, bán ra thì sẽ bị lỗ. Cách đầu tư hợp lý là mua vàng đều theo thời gian. Trong dài hạn giá vàng sẽ lên, và chúng ta sẽ đạt TSLN dương.

Phần đầu tư vào vàng này sẽ là lớp tài sản tốt nếu xảy ra lạm phát phi mã.


6- Có nên mua vàng ngày vía Thần Tài?

Chuyên gia Lâm Minh Chánh chia sẻ 6 sự thật về VÀNG: Từng là kênh đầu tư Vua, nhưng nay thua cả lãi suất ngân hàng! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Nếu chúng ta tin, việc mua vài lượng vàng, vài chỉ vàng, hay vài cái nhẫn vàng vào ngày thần tài sẽ giúp chúng ta may mắn, vui vẻ cả năm thì chúng ta nên mua. Không có đầu tư nào tốt hơn là đầu tư vào tinh thần, cảm xúc, (và kiến thức) của bản thân.

Nhưng nếu chúng ta mua vàng bằng một số tiền lớn so với tài sản của mình vào ngày Thần Tài và mong sẽ kiếm lợi nhuận từ đầu tư đó thì tôi nghĩ là KHÔNG NÊN. Lý do: Giá vàng Việt Nam được đẩy lên quá cao trong những ngày này. Chênh lệch giá mua giá bán cũng quá cao. Tỷ lệ thua lỗ của chúng ta là quá lớn.

Vậy có nên bán vàng ngày vía Thần Tài và mua lại trước/sau đó?

Về lý thuyết thì có vẻ rất hợp lý. Nhưng có 2 rủi ro sau:

- Chênh lệch giữa giá mua và giá bán quá cao sẽ giảm rất nhiều lợi nhuận.

- Quy luật mấy năm nay là giá vàng Việt Nam thấp trong thời gian trước và sau ngày Thần tài. Tuy vậy nếu giá vàng thế giới có sóng lớn ngược lại trong thời gian đó, thì quy luật này có thể không còn đúng.

Lâm Minh Chánh - Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni

Cùng chuyên mục
XEM