Chuyên gia Lã Giang Trung cảnh báo tình trạng nguy hiểm hiếm gặp khi giá dầu lập đỉnh 120-150 USD: “Lạm phát đình đốn” đe doạ toàn cầu, là lạm phát tăng mạnh nhưng kinh tế vẫn suy thoái!

07/03/2022 11:13 AM | Kinh doanh

Giá dầu tăng mạnh có thể dẫn tới lạm phát đình đốn. Và đây là giai đoạn rủi ro đối với nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán.

Theo hãng tin Reuters, giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh chưa từng thấy do lo ngại Phương Tây ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran bị đình trệ.

Việc thỏa thuận này bị đình trệ đã tác động lên thị trường dầu mỏ khi Iran có trữ lượng dầu khá lớn chưa được tung ra thị trường kể từ khi Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp nghị và tiếp tục áp đặt cấm vận lên Tehran.

Tồi tệ hơn, Ngoại trưởng Mỹ Blinken còn cho biết Phương Tây đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Những thông tin xấu trên khiến giá dầu Brent tăng 9,9% lên 129,78 USD/thùng trong khi giá dầu WTI tăng 9,4% lên 126,51 USD/thùng phiên 6/3/2022.

Bước sang đầu phiên 7/3/2022, giá dầu Brent có thời điểm bật tăng lên 139,13 USD/thùng còn WTI là 130,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.

Câu chuyện giá dầu tăng mạnh trong khoảng từ 120-150 USD đã được các chuyên gia kinh tế và đầu tư đưa ra bàn luận trong chương trình Bí mật đồng tiền số 10 với chủ đề “Căng thẳng leo thang, mang tiền ra bán” tuần trước.

Theo đánh giá của ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment, khi giá dầu tăng mạnh từ 120-150 USD thì đây sẽ là rủi ro rất lớn cho kinh tế toàn cầu. Có thể dẫn đến tình trạng lạm phát đình đốn. Tình trạng rất lâu rồi kinh tế thế giới chưa gặp.

Lạm phát đình đốn là lạm phát tăng rất mạnh nhưng kinh tế vẫn suy thoái đi xuống. Thông thường chúng ta thấy kinh tế tăng trưởng mạnh mới có lạm phát nhưng ở đây trong trường hợp giá dầu tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm.

Nguồn cung sụt giảm dẫn đến lạm phát tăng nó rất khác với việc kinh tế tăng trưởng và lạm phát tăng. Điều này khiến cho Ngân hàng trung ương cũng rất khó tăng lãi suất trong khi kinh tế thì đi xuống. Ở Mỹ cũng đã có một số chuyên gia nói về lạm phát đình đốn có khả năng xảy ra đặc biệt là căng thẳng giữa Nga và Ukraina sẽ làm giá hàng hoá, giá dầu tăng mạnh. Điều này làm cho thương mại thế giới bị chặn lại.

"Đây là một tình trạng nguy hiểm. Sắp tới dự kiến FED sẽ tăng lãi suất. Nhưng với tình trạng hiện tại tôi cho rằng FED cũng đang lưỡng lự tăng hay không. Tôi nghĩ đây là giai đoạn rủi ro đối với nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán", ông Trung cho biết.

Về tác động của giá dầu tăng lên an ninh năng lượng Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng không ảnh hưởng nhiều.

Ông Hưng cho biết hiện Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu và có thể phát triển các dự án mới. Tính về mặt công suất các nhà máy này có thể đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như khả năng nhập khẩu từ các nước xung quanh của Việt nam. Ngoài ra chuyên gia này cho biết khi giá dầu tăng cao thì phần thu ngân sách liên quan đến xăng dầu sẽ tăng rất mạnh. Số tiền này sẽ thừa để bù đắp cho quỹ bình ổn giá xăng dầu nếu cần.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM