Chuyên gia khuyến cáo: Thói quen lười vận động tăng nguy cơ mắc căn bệnh dễ bị cắt cụt chi

20/12/2020 14:00 PM | Sống

Theo chuyên gia căn bệnh đái tháo đường trên thế giới và Việt Nam đang ngày một gia tăng do thói quen ít vận động.

PGS.TS Tạ Văn Bình – Chủ tịch Trung ương Hội Người giáo dục Bệnh đái tháo đường Việt Nam cho biết, bên cạnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đái tháo đường (ĐTĐ) cũng được coi là một đại dịch.

Trên thế giới, hiện có 463 triệu người mắc ĐTĐ tuýp 2, dự báo đến năm 2035 con số này sẽ tăng lên là 592 triệu và đến năm 2040 là 615 triệu người. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1% .

Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc ĐTĐ rất cao, trên 3,5 triệu người, dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2045.

 Chuyên gia khuyến cáo: Thói quen lười vận động tăng nguy cơ mắc căn bệnh dễ bị cắt cụt chi - Ảnh 1.

PGS.TS Tạ Văn Bình cảnh báo về căn bệnh đái tháo đường tại Việt Nam.


PGS Bình nhấn mạnh: "Không có bệnh nào trên thế giới có tốc độ phát triển nhanh như ĐTĐ. Cứ 6 giây có 1 người tử vong liên quan đến bệnh ĐTĐ, 20 giây có 1 người bị cắt cụt chi do biến chứng của ĐTĐ".

Đáng chú ý số người ĐTĐ không biết mình mắc bệnh rất cao, chiếm từ 63-75% (qua các cuộc điều tra năm 2004 và 2008).

PGS Bình cho hay, lối sống ít vận động, thừa cân béo phì là những yếu tố nguy cơ dẫn đến gia tăng số người mắc bệnh ĐTĐ hiện nay.

Nguy hiểm hơn, người bệnh ĐTĐ thường đến viện muộn, thậm chí chỉ đến khi xuất hiện các biến chứng của ĐTĐ lên tim mạch, thần kinh, mắt mới biết mình mắc bệnh. Khi đó việc điều trị tốn kém, sức khỏe bị suy giảm.

Nhiều người cho rằng ĐTĐ phải có đường trong nước tiểu nhưng thực tế, ĐTĐ là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, người bệnh có đường trong máu cao. Chính lượng đường trong máu đã phá hủy rất nhiều hệ thống trong cơ thể, nhất là là hệ thống mạch máu nhỏ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng ở hệ thần kinh, đáy mắt, thận, chi dưới…

TS.BS. Đỗ Đình Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, muốn phát hiện sớm ĐTĐ, cần đi làm các xét nghiệm đường máu. Nếu đường máu trên 5,5 bệnh nhân đã phải làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán sớm ĐTĐ. Đây là mốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức ĐTĐ trên thế giới khuyến cáo nhằm phát hiện sớm căn bệnh này.

Nếu người bệnh có kèm thêm các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, thừa cân, béo phì, …. thì chỉ số đường huyết 5,0 đã nên đi làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.

TS.BS. Đỗ Đình Tùng khuyên, những người bệnh có yếu tố nguy cơ như gia đình có người mắc ĐTĐ, người thừa cân béo phì, người trên 40 tuổi, phụ nữ từng bị ĐTĐ thai kỳ, người bị tăng huyết áp…. nên đi khám phát hiện ĐTĐ sớm.

Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới chỉ có 29% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.

Đái tháo đường là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng đái tháo đường:

- Khát nhiều

- Đói nhiều

- Sút cân bất thường

- Tiểu nhiều

Lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được 70% đái tháo đường và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ của đái tháo đường.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM