Chuyên gia: "Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona tự hồi phục sau một tuần"

08/02/2020 20:02 PM | Xã hội

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, thực tế nhiều ca nhiễm virus corona chết là do diễn biến các bệnh nền chứ không phải do chính virus, vì thế cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.

Sáng nay 8/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu để tập huấn, hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi do virus corona tới bệnh viện tuyến huyện. Đây là cuộc trực tuyến lần thứ hai trong vòng chưa đầy 10 ngày qua về hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, việc lây nhiễm virus corona có thể diễn ra trong vòng 15 phút. Người nhiễm virus nCoV có biểu hiện nhiều thể lâm sàng. Có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc có thể sốt, ho nhẹ và rát họng.

Biểu hiện ở thể điển hình nhất là sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, khó thở, X-quang có hình ảnh viêm phổi. Ở thể nặng có xuất hiện phù phổi cấp, tổn thương phổi, suy hô hấp.

Tuy nhiên, theo ông Kính: "Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona mới chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Có khoảng 30-50% người nhiễm bệnh có viêm phổi và 30% trong số này cần thở máy. Ở những người có diễn tiến nặng có thể xuất hiện biến chứng tổn thương gan, thận".

Cũng theo vị GS này, hiện viêm phổi do virus corona mới chưa có thuốc đặc hiệu và vacxin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng.

Thực tế nhiều ca nhiễm virus corona chết do diễn biến các bệnh nền chứ không phải do chính virus. Do đó, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền, GS Kính cho hay.

Nhiều người đang băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện ở miền Nam đang có nắng ấm, có thể khống chế lây lan và tiêu diệt sự phát tán của virus. Trong khi đó miền Bắc thời tiết đang lạnh, việc cách ly các ca nhiễm và nghi nhiễm cần được tăng cường hơn.

Bên cạnh đó, việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus corona, vị GS cho nhấn mạnh.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona, việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng và là yếu tốt để giảm các nguy cơ không đáng có cho bệnh nhân.

Cụ thể, PGS Hùng cho biết, mỗi buồng bệnh cần đảm bảo 2 cửa chính, nếu không đủ cần tăng cường các biện pháp thông khí cưỡng bức (sử dụng các thiết bị điều chỉnh không khí, quạt thông gió) nhằm đảm bảo môi trường không khí an toàn.

Điều này đã được chứng minh từ đại dịch SARS năm 2003 và hiện tại thực tế cũng đang tiếp tục chứng minh cách làm này rất hiệu quả.

Chuyên gia: Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona tự hồi phục sau một tuần - Ảnh 1.

Chuyên gia y tế khuyến cáo thường xuyên khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Một lần nữa, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhắc lại ba đường lây cơ bản của virus corona là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí.

“Qua đường lây này cho thấy cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Nhưng không phải hoảng loạn vì khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn.

Chỉ những người có tiếp xúc với bệnh nhân trực tiếp tại khu vực cách ly mới cần sử dụng khẩu trang N95” - ông Hùng nói.

Ngoài ra, theo ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, do những thay đổi mới ghi nhận về căn bệnh này, việc giám sát, sàng lọc bệnh nhân cũng thay đổi theo. Chỉ cần bệnh nhân có một trong những biểu hiện sốt, ho, viêm phổi, có lịch sử đi lại ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày đều được coi là nghi nhiễm, đưa vào sàng lọc.

Ông Dương cũng cho biết, các địa phương cần lập danh sách theo dõi sức khỏe, theo dõi nhiệt độ hàng ngày với cán bộ y tế, coi đây là người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

"Hướng dẫn của Bộ Y tế đã rất rõ ràng, cụ thể, ai làm gì, cán bộ y tế phải ứng xử tận tình, chia sẻ, cảm thông với người được cách ly. Người được cách ly phải đảm bảo cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, nếu không sẽ bị cưỡng chế nếu người bị cách ly không tuân thủ", ông Dương hướng dẫn.

Chuyên gia: Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus corona tự hồi phục sau một tuần - Ảnh 2.

Theo Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM