Chuyên gia cảnh báo thị trường nhà, đất năm 2022 sẽ rất khắc nghiệt

18/03/2022 01:30 AM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, năm 2022 sẽ là một năm khắc nghiệt với thị trường BĐS, lạm phát sẽ đẩy giá nhà, đất tăng lên nữa. Do đó, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng hơn của các chính sách, thể chế để khẩn trương tháo gỡ rào cản trong các quy định pháp luật, đưa thị trường trở lại cân đối hơn.

Phát biểu tại diễn đàn BĐS vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2022 có thể là năm khó khăn cho thị trường BĐS.

Chủ tịch VARS cho biết, thị trường BĐS nước ta đang trong tình trạng cung – cầu mất cân bằng khá nghiêm trọng. Bởi lẽ trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nhưng chỉ cần dịch lắng xuống là thị trường BĐS lại bùng lên. Thậm chí, ngay ở những thời điểm dịch bệnh căng thẳng thì công nghệ trong lĩnh vực BĐS lại phát triển mạnh, giúp kích thích thị trường.

Đồng thời, trong năm 2021, rất nhiều dòng vốn được rút ra từ các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả như BĐS. Vì vậy, thị trường xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư F0.

Trong khi đó, thị trường BĐS lại đang thiếu rất nhiều sản phẩm, do gặp khó khăn, vướng mắc về vấn đề pháp lý, dẫn tới việc rổ hàng hóa mới ra thị trường đang rất ít.

"Loại hàng hóa nào khan hiếm thì sẽ xuất hiện tình trạng hàng giả hàng lậu và BĐS cũng không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh cầu cao cung thấp trong năm 2021, chúng tôi quan sát thấy xuất hiện các sản phẩm "vừa giả, vừa lậu" như BĐS phân lô bán nền lách luật, hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật; tạo nên các “ cơn sốt ”, “bong bóng BĐS", Chủ tịch VARS nhận xét.

 Chuyên gia cảnh báo thị trường nhà, đất năm 2022 sẽ rất khắc nghiệt  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đính nhận định, năm 2022 có thể là năm khó khăn cho thị trường BĐS.

Trước thực trạng này, các Bộ, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng trên. Do đó, thị trường BĐS từ đầu năm 2022 đã có sự kiểm soát, phát triển theo hướng ổn định và lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cũng cảnh báo các nhà đầu tư rằng, năm 2022, ngoài những rào cản về pháp lý, chúng ta còn đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng và lạm phát. Trong đó ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ làm tăng thêm khó khăn cho thị trường BĐS.

“ Lạm phát sẽ đẩy giá BĐS tăng lên nữa. Do đó, tôi cho rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với năm 2022 với nhiều khắc nghiệt, và rất cần sự vào cuộc nhanh chóng hơn của các chính sách, thể chế để khẩn trương tháo gỡ rào cản trong các quy định pháp luật, đưa thị trường trở lại cân đối hơn", ông Đính nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại sự kiện còn cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam 2022 còn phải đối mặt với hai thách thức khác, đó là nhiều mảnh đất có tiềm năng vẫn đang "nằm" chờ quy hoạch và phục hồi kinh tế có thể chậm do tâm lý e dè sau đại dịch COVID -19.

Kể từ cuối tháng 2 đến nay, các mặt hàng như xăng, dầu, gas, thép,… đều đồng loạt tăng giá, với mức tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng liên tục có sự biến động mạnh, khiến nhiều người lo sợ về bối cảnh lạm phát và điều này tác động tiêu cực đến giá nhà, đất, cũng như thổi bùng làn sóng đầu cơ tích trữ tài sản.

Theo các chuyên gia, nhìn về dài hạn thì lạm phát và giá BĐS di chuyển cùng hướng với nhau. Thậm chí, trong 2 năm dịch COVID -19 hoành hành, giá BĐS không những giảm như những ngành kinh tế khác, mà còn leo thang, do đó khi lạm phát tăng cao sẽ càng đẩy giá tài sản lên theo hướng bất lợi cho thị trường. Bởi trong quá khứ, lạm phát cao từng kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường BĐS bị đình trệ.

Bên cạnh đó, lạm phát sẽ khiến những nhà đầu tư thứ cấp, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi tranh thủ tìm kiếm kênh trú ẩn tài sản an toàn, và một trong những kênh đó là BĐS. Còn những nhà đầu tư F0 sẽ dùng đòn bẩy tài chính (vay vốn để đầu tư BĐS) sẽ phải cân nhắc, thận trọng hơn bởi lẽ đã “trống ví” vì lạm phát có thể khiến lãi suất ngân hàng tăng cao.

Theo Lập Đông

Cùng chuyên mục
XEM