Chuyện gì xảy ra nếu Steve Jobs chưa bán số cổ phiếu Apple của mình?

05/01/2022 09:45 AM | Kinh doanh

Khi Apple niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 1980, Jobs từng sở hữu khoảng 11% cổ phần của nhà sản xuất iPhone.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, Apple đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hóa 3.000 tỷ USD (dù sau đó đã giảm xuống còn khoảng 2.990 tỷ USD). Con số này gấp hơn 9 lần giá trị của “Táo khuyết” khi nhà sáng lập Steve Jobs qua đời vào năm 2011.

Không giống những ông trùm công nghệ khác như Jeff Bezos, Elon Musk và Mark Zuckerberg, Jobs chỉ sở hữu số lượng nhỏ cổ phiếu Apple vào thời điểm ông qua đời.

Thay vào đó, phần lớn tài sản mà huyền thoại công nghệ này để lại cho vợ là cổ phần tại Disney. Jobs đã mua lại cổ phần khi bán hãng phim hoạt hình mà ông đồng sáng lập, Pixar, cho Disney vào năm 2006. Dựa trên giá trị hiện tại của Disney, cổ phần của Jobs trị giá gần 22 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi Apple niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 1980, Jobs từng sở hữu khoảng 11% cổ phần của nhà sản xuất iPhone. Với mức vốn hóa gần 3.000 tỷ USD hiện nay của Apple, 11% cổ phần mà Jobs từng nắm giữ có trị giá gần 330 tỷ USD. Số cổ phần này có thể giúp người thừa kế của Jobs trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay.

Theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đang sở hữu 304 tỷ USD, trong khi người giàu thứ hai Jeff Bezos có 196 tỷ USD.

Chuyện gì xảy ra nếu Steve Jobs chưa bán số cổ phiếu Apple của mình? - Ảnh 1.

Steve Jobs bán gần hết cổ phiếu Apple khi bị "đá" khỏi công ty vào năm 1985. Ảnh: Getty Images

Trên thực tế, 5 năm sau ngày Apple lên sàn, Jobs bị “đẩy” khỏi công ty. Ông tức giận bán đi gần như toàn bộ cổ phiếu vì không có niềm tin vào ban lãnh đạo công ty. Jobs chỉ giữ lại một cổ phiếu để có thể truy cập các báo cáo dành cho nhà đầu tư.

Hơn một thập kỷ sau, Jobs trở lại Apple với tư cách CEO vào năm 1997. Dù nhận được hàng triệu cổ phiếu thưởng, ông chưa từng sở hữu số cổ phần lớn như trước đây.

Trong nhiệm kỳ CEO thứ hai, Jobs cũng vướng vào một vụ bê bối quyền chọn cổ phiếu. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cáo buộc Apple đã viết sai ngày trên các thỏa thuận cung cấp cho nhân viên quyền chọn cổ phiếu – giúp cho Jobs và các lãnh đạo cấp cao khác nhận được gói quyền lợi tốt hơn và trốn thuế.

Jobs và Apple cuối cùng đã giải quyết một vụ kiện liên quan đến vụ bê bối này với số tiền 14 triệu USD, trong khi các lãnh đạo khác phải trả những khoản phạt nhỏ hơn.

Cùng với Steve Wozniak, Steve Jobs đã khai sinh ra Apple trong gara để xe của gia đình vào năm 1976, khi mới ngoài 20 tuổi. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để sau vài năm, từ chỗ chỉ có 2 người trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với hơn 4.000 nhân viên.

Bước ngoặt quan trọng diễn ra vào năm 1983 khi Steve Jobs mời John Sculley về làm việc cho Apple. Sculley từng là Giám đốc điều hành của Pepsi với nhiều thành tích ấn tượng. Thời gian đầu, Jobs và Sculley kết hợp khá ăn ý và thân thiết với nhau. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, mối quan hệ của 2 người bắt đầu rạn nứt.

Đến khoảng tháng 3 năm 1985, mối quan hệ giữa Jobs và Sculley trở nên cực kỳ căng thẳng. Doanh số của Mac không được tốt và Jobs muốn giảm giá, đồng thời đầu tư quảng bá sản phẩm và giảm tập trung vào Apple II. Sculley không đồng ý. Ông cho rằng Mac đơn giản là chưa sẵn sàng và Apple cần đẩy mạnh Apple II hơn. Sculley gọi Jobs là lừa đảo và đến gặp Ban giám đốc. Kết quả cuối cùng của vụ tranh cãi này là Jobs rời khỏi Apple.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM