Chuyện của người chụp ảnh tại cuộc tấn công tòa Quốc hội Mỹ

10/01/2021 18:04 PM | Xã hội

Saul Loeb là một nhiếp ảnh gia thời sự quốc tế đang làm việc tại Mỹ. Ông đã trở thành người chứng kiến và ghi lại một sự kiện vô cùng hy hữu. Và đây là câu chuyện có một không hai của ông.

Người đàn ông gác chân lên bàn trong văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ
Người đàn ông gác chân lên bàn trong văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ

Vào buổi sáng sớm cái ngày mà tòa Quốc hội Mỹ bị chiếm bởi những người ủng hộ Trump, cơ quan Truyền thông Pháp (AFP) đã cử nhiếp ảnh gia tới khắp nơi trong thành phố, và nhiệm vụ của tôi là ở bên trong tòa Quốc hội, chụp ảnh lại phiên họp kiểm phiếu bầu.

Tôi đã làm việc ở Washington DC gần 14 năm, nhưng đây chắc chắn ngày làm việc điên rồ nhất của tôi. Chưa bao giờ - trong một triệu năm, bạn có thể nghĩ đến chuyện tòa nhà Quốc hội Mỹ bị đoàn người biểu tình xông vào. Đó là một chuyện không thể tưởng tượng nổi.

Tôi bắt đầu ngày làm bằng việc chụp ảnh phiên họp trong khoảng 20 phút, và khi nó bị hoãn lại, tôi quay lại với máy tính của mình để trong một phòng khác. Bỗng nhiên, họ thông báo với chúng tôi về một “vấn đề an ninh” bên trong tòa nhà, và khuyến khích chúng tôi ở yên một chỗ.

Làm phóng viên ảnh, điều cuối cùng bạn muốn là mắc kẹt trong phòng trong khi mọi chuyện đang xảy ra. Nên một nhóm chúng tôi đi xuống xem cảnh náo loạn ở tầng hai, ngay bên ngoài cánh cửa dẫn vào phòng Thượng viện. Đó là phần rất sâu bên trong tòa Quốc hội – bình thường là một khu vực được bảo vệ rất nghiêm ngặt – nên thấy một người biểu tình thôi đã là chuyện bất thường, không nói gì đến tận 12 đến 15 người đang ở đó.

Đó là khi tôi chụp bức ảnh đầu tiên. Một vài người biểu tình vẽ lên mặt, lên người và mặc trang phục hóa trang. Một người đội mũ Viking, rất nhiều người cầm cờ Trump. Một người còn cầm cờ Liên minh. Họ rõ ràng là những người ủng hộ Trump tới đây để gây náo động. Họ hét vào mặt cảnh sát, những người đang cố hết sức để xoa dịu tình hình. Khoảng 12 sĩ quan đứng thành một hàng để ngăn họ đi sâu hơn vào bên trong tòa nhà. Phần lớn thời gian, cảnh sát cố giảng hòa với những người biểu tình, nói rằng: “Chúng ta có thể giải quyết việc này như thế nào cho thật hòa bình? Chúng tôi có thể làm gì để các bạn đi ra khỏi đây?”

Tôi nghĩ, đây sẽ là câu chuyện đắt giá nhất ngày hôm đó. Lúc đó tôi không biết rằng đây mới chỉ là khởi đầu.

Chuyện của người chụp ảnh tại cuộc tấn công tòa Quốc hội Mỹ - Ảnh 1.
Người biểu tình vẽ lên mặt, lên người và mặc trang phục hóa trang trong tòa nhà Quốc hội

Thường trong những tình huống như thế này, cảnh sát sẽ hành động vô cùng nhanh. Họ sẽ đè những cá nhân gây hấn này xuống mặt đất, còng tay họ và giải ra ngoài, nhưng chuyện đó đã không hề xảy ra. Bằng một cách nào đó, tất cả những người kia đã đột nhập vào đây, và lúc đó không rõ liệu họ có mang theo vũ khí không, và mục đích thật sự của họ là gì.

Tôi nghe thấy thêm tiếng ồn ào từ một chỗ khác, và quay đầu đi tới khu Rotunda, ngay bên dưới mái vòm. Hàng trăm người biểu tình đang xông vào. Đó chính là lúc tôi nhận ra mọi chuyện đã trở nên nghiêm trọng. Họ đặt mũ ghi “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và cờ Trump lên các bức tượng lên ngoài, và nó tạo không khí như thể bạn đang ở trong rạp xiếc vậy.

Tôi sợ sẽ bị cảnh sát lùa ra ngoài cùng với mọi người, nên tôi đi xuống đường hầm dẫn đến Thượng nghị viện và thấy khói đang tỏa ra khắp nơi. Có những người đang rút lui. Họ vừa ho vừa chạy ra ngoài và xung quanh tôi là sự hỗn loạn.

Đó cũng là lúc chúng tôi thấy những người đi vào văn phòng của Nancy Pelosi. Đây đáng lẽ phải là một khu vực được giám sát chặt chẽ; bà ấy là Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ - đâu phải ai cũng có thể tự nhiên đi vào. Nhưng ở đấy không hề có nhân viên, cũng không có cảnh sát. Đó như một sự kiện “tất cả đều miễn phí” vậy.

Những người biểu tình tự tiện ngồi lên ghế, chụp ảnh tự sướng và lục lọi văn phòng. Đó là một cảnh tượng lạ lùng. Tôi đi vào trong, và thấy một người đàn ông đang gác chân lên bàn và đọc thư tự nhiên như ở nhà. Tất cả nhân viên bỏ chạy vội vã đến nỗi họ để máy tính vẫn bật, với tất cả email hiện lên trên màn hình.

Tôi nói chuyện với người đàn ông gác chân lên bàn ấy. Đây là một trong những tòa nhà với an ninh cao nhất ở Washington và giờ nó bị đoàn quân biểu tình như đã chiếm được quyền kiểm soát hoàn toàn.

Bạn sẽ luôn lo liệu người ta có muốn bị chụp hình không, và bạn cũng không muốn họ trở nên bạo lực với bạn – nghề nghiệp của tôi đòi hỏi như vậy. Nhưng những người ấy hoặc là không để ý, hoặc là không quan tâm đến tôi là một phóng viên. Không ai cố che mặt họ đi cả, cũng không ai cố ngăn tôi chụp ảnh hết.

Đám đông sớm trở nên lớn hơn và căng thẳng hơn, chúng tôi tiếp tục đi theo một hành lang hẹp, rẽ một ngả để rồi bắt gặp một nhóm thuộc đội SWAT (đặc nhiệm Hoa Kỳ) với những khẩu súng trường bạn hay thấy trong phim ảnh – họ đang càn quét khu vực và ngay lập tức họ nói: “Giơ tay lên! Các người là ai?” Đó quả thực là một điều rất đáng sợ. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi bị chĩa súng vào người.

Nhưng rồi đội SWAT để cho chúng tôi qua và bảo chúng tôi tìm nơi trú ẩn. Ba nhà báo chúng tôi trốn trong một văn phòng ở tầng ba, nơi tôi có thể sạc và kiểm tra điện thoại. Vợ tôi biết tôi đang ở tòa Quốc hội và vô cùng lo lắng. Có một lúc cô ấy nhắn tôi, bảo rằng đã có tiếng súng bên trong tòa nhà, nhưng đó là cập nhật duy nhất tôi nghe được về chuyện đó. Khi bạn đang tác nghiệp chụp ảnh một sự kiện nóng, đầu bạn dường như đang “lái tự động” và bạn không có thời gian để xử lý tất cả mọi chuyện đang diễn ra.

Tôi không biết làm thế nào chuyện chiếm lĩnh nhà Quốc hội lại có thể xảy ra. Trong các sự kiện chính trị, lễ nhậm chức, họ đều đặt rào chắn bằng kim loại rất kiên cố xung quanh tòa nhà. Vào thời điểm những cuộc biểu tình Black Lives Matter (chiến dịch chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen) diễn ra, họ cũng làm thế vòng quanh Nhà Trắng trong khoảng một tháng. Nhưng hàng rào không có ở đó sáng nay.

Đối mặt với một tình huống như thế này, bỏ chạy là chuyện đương nhiên. Nhưng với nghề phóng viên, chúng tôi phải chạy về hướng sự kiện đang bùng nổ. Sẽ không có bức ảnh nào kể lại chuyện đã xảy ra nếu chúng tôi ngồi yên trong văn phòng bị khóa.

Vào khoảng 8 giờ tối, chúng tôi nhận được tin rằng Thượng viện và Hạ viện sẽ triệu tập lại một lần nữa để kiểm phiếu đại cử tri.

Trong tòa nhà, nhiều cửa sổ đã bị đập vỡ, và sàn nhà vẫn ướt vì hơi cay, và đồ đạc bị phá hỏng khắp nơi. Mặc dù vậy, chỉ năm giờ sau khi họ phong tỏa tòa nhà, mọi thứ đã bắt đầu trở lại bình thường. Tôi nghĩ đó là điều mà Quốc hội muốn cho thấy: công việc của các nhà lập pháp vẫn luôn tiếp tục.

Hoài Vy (theguardian.com, ngày 8/1/2021)

Hoài Vy

Cùng chuyên mục
XEM