Chuyện cũ kể lại: Hành trình một chủ đầu tư khách sạn tại Hà Nội đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và 2012 (Phần 2)

03/05/2020 08:58 AM | Kinh doanh

Sau khi thành công với khách sạn thứ nhất, anh Lê Quốc Việt cùng đồng đội đã có những bước tiến mới trong sự nghiệp nhưng không may lại tiếp tục trùng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế 2012.

Tiếp nối phần 1, phần 2 này anh Lê Quốc Việt sẽ chia sẻ về giai đoạn anh mở thêm một khách sạn mới vào thời điểm khủng hoảng kinh tế và cách họ đã xoay sở để vượt qua.


Khách sạn thứ 2 trong khủng hoảng 2012

Sau khi trả hết nợ, khách sạn vẫn đông và ngày càng được yêu quý. Chúng tôi bắt đầu mơ về một chuỗi khách sạn chuyên cho giới kinh doanh của Nhật. Phải mở rộng thôi.

Cuối 2011, tòa nhà văn phòng gần đối diện đánh tiếng cho thuê. Đây là toà nhà mới, xịn hơn, cao 8 tầng và giá cũng đắt hơn, 8.000 USD/tháng. Nhận thấy cơ hội không thể bỏ lỡ, chúng tôi quyết ký hợp đồng sớm để họ còn giải tán khách đang thuê.

Nhưng, đã thành số hay sao, mà cứ động ký hợp đồng thuê nhà là lại xảy ra khủng hoảng. Lần này là khủng hoảng kinh tế 2012, Việt Nam mình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Sổ đỏ nhà lại lần nữa được mang đi thế chấp, và lãi suất vay vẫn là 22% năm.

Do đã có sẵn bộ máy nhân sự và kinh nghiệm cũng như đội thợ, nên lần này, việc sửa chữa, cải tạo thuận lợi hơn nhiều. Khối lượng công việc cũng nhiều hơn vì phải xây ngăn phòng. Thời gian cũng chỉ có 30 ngày. Các nhóm thợ cứ gối lên nhau mà làm. Tường chưa khô thì dùng quạt gió, quạt sưởi thổi cho nhanh để còn sơn. Các bác thợ bảo thằng này khùng, nhưng các bác có hiểu, mỗi ngày chậm, em mất hàng chục triệu không?

Cũng vào cuối 2011, hàng loạt khách sạn 5 sao tại Hà Nội khai trương như Grand Plaza, Crowne Plaza ...cần tuyển rất nhiều nhân viên, thu hút không chỉ nhân sự đang làm việc tại các khách sạn 3, 4 sao mà cả sinh viên sắp ra trường. Khách sạn mình cũng sắp mở, đăng tuyển trên báo mà không được bao nhiêu hồ sơ. Chính từ khó khăn này mà ý tưởng về website việc làm chuyên ngành khách sạn Hoteljob.vn đã hình thành và ra mắt sau đó chỉ mấy tháng.

Sau 30 ngày, khách sạn mới đã lên hình, đẹp và ưng ý hơn do được chính các bác Nhật tham gia tư vấn, góp ý. Cả công ty hứng khởi lắm, chờ ngày khai trương.

Chuyện cũ kể lại: Hành trình một chủ đầu tư khách sạn tại Hà Nội đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và 2012 (Phần 2) - Ảnh 2.

Khách sạn Santa Hotel do anh Việt và bạn cùng mở giai đoạn 2009-2012.

Nhưng, đời lại không như mơ.

Khách sạn không thể hoàn thiện thủ tục pháp lý để đón khách! Nguyên do là tòa nhà đó đã xây vượt tầng so với giấy phép và để cấp chứng nhận phòng cháy, chữa cháy cho khách sạn cao trên 7 tầng khắt khe hơn rất nhiều. Mặc dù đã gửi hồ sơ đi từ sớm, đã đáp ứng các yêu cầu bổ sung về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như thang dây thoát hiểm, máy bơm chạy dầu... nhưng sửa xong mà giấy thì chưa có.

Làm thế nào bây giờ? Khách mới đã nhận đặt. Các bác Nhật bên khách sạn 1 đang háo hức để được chuyển sang? Đành liều vậy.

Chuyển khách cũ đã đăng ký tạm trú sang "ở thử". Buổi tối tắt đèn tối thui, đỗ ô tô giữa cửa để hạn chế cảnh khách ra vào. Đến tuần thứ 3 thì công an phường đến kiểm tra và phạt, rồi chuyển công an quận ... phạt tiếp. Nhưng dù sao, cũng còn đỡ hơn việc phải để trống khách sạn 1 tháng rất nhiều. Tuần thứ 4 thì cuối cùng cũng xong giấy phép. Vậy là bắt đầu "bung lụa".

May mắn do được định vị khách hàng và sản phẩm là thị trường chuyên gia Nhật Bản ngay từ đầu, nên phòng ốc và chất lượng dịch vụ đều được các bác Nhật đánh giá cao và ủng hộ. Vì nhiều khách ở thường xuyên, dài hạn, nên hàng quý, khách sạn đều tổ chức các buổi dã ngoại quanh Hà Nội hoặc đến chơi nhà nhân viên. Mọi người thân thiết như bạn bè.

Tỷ lệ phòng có khách bình quân năm trên 90%, giá bình quân cũng khá cao và trở thành một trong những khách sạn nhỏ có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Doanh số ổn, nhưng do là nhà đi thuê và tiền đầu tư hoàn toàn phải vay, lãi và nợ gốc trả ngân hàng rất cao cùng với nhiều khoản chi phí khác nên tính đi tính lại, đầu tư khách sạn cũng chỉ như lấy công làm lãi, không hơn lương quản lý trước đó của các thành viên công ty được bao nhiêu. Khủng hoảng 2012 như đám mây đen vần vũ, ngày càng bao trùm lên nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đều thoáng chút lo lắng.

Đúng lúc đó, một đối tác nước ngoài sẵn dòng tiền, đề cập mua lại phần đầu tư cả 2 khách sạn. Tiếc lắm, nhưng tất cả đều quyết định bán

Vậy là từ giữa 2012, không còn khách sạn nào, tôi chỉ toàn tâm toàn ý chăm sóc cho dự án Hoteljob.vn và nhận setup khách sạn cho người khác. Năm 2014, cơ duyên đưa tôi vào Đà Nẵng, tới Hội An. Đến 2015, tôi mua đất trong Hội An, sau đó xây biệt thự nghỉ dưỡng du lịch tại đây.

Khủng hoảng Covid-19 lần này, tôi vẫn lo nhưng cảm giác đỡ hơn những lần trước. Ngay bây giờ, nhiều đối tác nước ngoài đã đề xuất thiết kế tour mới để chuẩn bị cho 2021. Mọi thứ vẫn vận động chứ không phải đứng im. Việt Nam lại là nước kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế chưa quá kiệt quệ. 2, 3 tháng nữa mọi thứ qua đi, hoạt động du lịch trở lại, ngành khách sạn sẽ hồi phục thôi.

Chuyện cũ kể lại: Hành trình một chủ đầu tư khách sạn tại Hà Nội đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và 2012 (Phần 2) - Ảnh 4.

Lê Quốc Việt

Cùng chuyên mục
XEM