Chuyện 2 thầy giáo "gà trống nuôi trẻ vùng cao", dành tâm huyết nửa đời người gieo ước mơ nơi khoảng trời heo hút

29/04/2022 10:12 AM | Sống

Điểm trường mầm non thôn Háng Gàng có lẽ là điểm trường đặc biệt nhất nơi vùng cao Trạm Tấu. Ở đó có 2 người cha 'gà trống' cần mẫn ngày đêm cắm bản, bám trường mang tri thức cho trẻ vùng cao.

Một điều rất đặc biệt ở Háng Gàng, mặc dù là cấp mầm non với đặc thù giáo viên không chỉ là người dạy học mà còn là người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhỏ. Vậy nên vị trí này thường được các cô giáo đảm nhiệm. Nhưng ở điểm trường mầm non thôn Háng Gàng , người chăm bầy con thơ giữa núi rừng lại là... 2 thầy giáo. 2 người cha “gà trống” ấy đang cần mẫn ngày đêm cắm bản, bám trường để mang tri thức đến với đứa trẻ nơi đây.

"Gà trống" nuôi trẻ vùng cao

Điểm trường mầm non thôn Háng Gàng (xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) cắm ở lưng chừng triền đồi, ghé nghiêng, nép mình e ấp bên những vạt thông rì rào gió hát. Điểm trường nhỏ như tổ chim rừng luôn véo von giọng hót giữa núi rừng đại ngàn bao la và hùng vĩ. Thầy trò điểm trường mầm non Háng Gàng hằng ngày gắn bó với nhau từ khi ông mặt trời thức dậy đến khi con gà rừng trèo cành cây rúc đầu vào cánh ngủ một giấc ngon lành sau một ngày dài.

Chuyện 2 thầy giáo gà trống nuôi trẻ vùng cao, dành tâm huyết nửa đời người gieo ước mơ nơi khoảng trời heo hút - Ảnh 1.

Điểm trường Háng Gàng - điểm trường xa nhất và nhiều khó khăn nhất của xã vùng cao Pá Hu, huyện Trạm Tấu.

Để đến được điểm trường mầm non thôn Háng Gàng, chúng tôi phải đi qua những bạt ngàn hoang vu của rừng già, những con dốc đổ dài sỏi đá trơ ra rãnh đất khoét sâu mà nước mưa xối để lại từ mùa mưa cũ. Chiếc xe Wave luôn trực chờ gầm máy đi ở số 1 để vượt qua những gập ghềnh. Tiếp đó đi qua con suối uốn lượn rợp bóng hoa Trẩu đang vào mùa trắng ngần một màu. Con suối nhỏ này mùa khô thì trơ cằn sỏi đá, mùa mưa thì hoá thác lũ gầm gào.

Đi qua hơn 10km đường đất, mùa này nắng, con đường đất đã già cỗi tung bụi mịn đỏ vàng bám đầy quần áo. Thế vẫn sướng, chứ mùa mưa thì lầy lội kinh hoàng, con đường như đổ cháo loãng chờ nắng lên hong.

Chúng tôi mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ đi từ trục đường chính, điểm trường mầm non Háng Gàng nhỏ bé dần hiện ra trước mắt. Xa xa lá cờ tổ quốc tuy có bạc màu nhưng vẫn bay phấp phới đầy phấn khởi hoà vào màu xanh của Háng Gàng. Điểm trường Háng Gàng là một dãy nhà lợp tôn có 3 gian mà khi nắng chiều đổ xuống bóng ngôi trường che vừa đủ khoảng sân nhỏ trước hiên lớp.

Chuyện 2 thầy giáo gà trống nuôi trẻ vùng cao, dành tâm huyết nửa đời người gieo ước mơ nơi khoảng trời heo hút - Ảnh 2.

Đường vào điểm trường Háng Gàng phải băng qua nhiều con suối, địa hình khó khăn.

Điểm trường mầm non thôn Háng Gàng là phân hiệu của trường Mầm non Hoa Phượng xã Pá Hu, điểm trường có 32 em học sinh độ tuổi từ 3-5 tuổi, tất cả các em học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông. Đây là điểm trường xa nhất và nhiều khó khăn nhất của xã vùng cao Pá Hu.

Năm 2016 thực hiện việc điều động của phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu, thầy giáo Giàng A Pha và Giàng A Chu được phân công công tác tại trường Mầm non Hoa Phượng, hai thầy đã tình nguyện, xung phong lên dạy học ở điểm trường này. Từ đó câu hát véo von của các bé mầm non Háng Gàng không chỉ có “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” mà cô giáo giờ còn là những người cha hiền, người bố đảm, người thầy mẫu mực của các em nhỏ nơi đây.

Chuyện 2 thầy giáo gà trống nuôi trẻ vùng cao, dành tâm huyết nửa đời người gieo ước mơ nơi khoảng trời heo hút - Ảnh 3.

Không chỉ là người thầy, thầy Giàng A Pha và Giàng A Chu còn là người cha, mẹ thứ 2 của các em học sinh nơi đây. Ảnh: Ngọc Huyền

Do điểm trường ở trong bản sâu, đi lại khó khăn nên hai thầy ở lại sinh hoạt tại trường, cuối tuần hai thầy sẽ sắp xếp để về với gia đình. Nhưng trừ ngày nghỉ lễ Tết lúc nào hai thầy cũng đảm bảo tại điểm trường luôn có giáo viên.

Căn nhà ba gian thì có hai gian làm lớp học, một gian là phòng ở có góc soạn giáo án của hai thầy. Căn bếp nhỏ của hai thầy vô cùng đơn sơ, mỗi tuần khi về nhà các thầy sẽ mua thức ăn và những vật dụng thiết yếu để dùng cho một tuần, khi nào không về các thầy sẽ nhờ dân bản mua giúp.

Có lần mưa tầm tã cả nửa tháng trời, đường sạt lở không về được, thức ăn để dành cũng hết, các thầy được bà con cho thịt gạo và rau. Thế mới thấy rằng, dù ở nơi bản cao khó khăn đủ đường, nhưng tình cảm của phụ huynh, người dân luôn chan chứa và ấm áp. Đó cũng chính là động lực để hai thầy có thể gắn bó với các em, yêu thương học trò, và cảm mến bà con ở đây.

Là đàn ông, nhưng hai thầy chẳng nề hà việc gì. Từ chải tóc, tết tóc, cho ăn, vệ sinh cá nhân cho trẻ, chăm chút trong từng miếng ăn. Có thể giọng hát của các thầy kém phần mượt mà hơn các cô, hay đôi tay múa cũng không được mềm mại, nhưng đến với lớp học của thầy Chu và thầy Pha, tiếng hát luôn cất vang, điệu múa luôn vui nhộn, rộn rã.

Các thầy luôn tâm huyết với những tiết học của mình. Vẫn biết những khó khăn nơi vùng cao, đồ dùng dạy học còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, nhưng hai thầy luôn cố gắng để mang những tiết học sinh động, gần gũi nhất đến với những đứa con của mình. Khắc phục cả những khó khăn về vật chất, những vất vả về tinh thần, thầy Chu và thầy Pha luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhà trường giao.

Chuyện 2 thầy giáo gà trống nuôi trẻ vùng cao, dành tâm huyết nửa đời người gieo ước mơ nơi khoảng trời heo hút - Ảnh 4.

Từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân... tất cả đều được 2 người cha thực hiện một cách tỉ mỉ nhất. Ảnh: Ngọc Huyền

Gạt khó khăn ở lại cắm bản, gieo chữ

Các em học sinh của hai thầy cũng có nhiều phần thiệt thòi vì lớn lên ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, điều kiện sống và học tập của các em còn rất nhiều hạn chế. Để duy trì sĩ số và tỉ lệ chuyên cần là việc khó nhất của các thầy.

Do trình độ dân trí còn chưa phát triển, điều kiện sống vẫn còn khó khăn, thêm với việc dân cư tại thôn sinh sống không tập trung nên việc đưa trẻ đến trường chưa được phụ huynh thực sự quan tâm và sâu sát. Nhưng với quyết tâm và mong muốn để em thơ nào cũng được cắp sách tới trường.

Các thầy điểm trường mầm non Háng Gàng quyết không để em nào “bị bỏ lại phía sau”. Nếu có trường hợp học sinh nghỉ học không rõ lý do, ngoài giờ lên lớp các thầy giáo đi “từng ngõ, gõ từng nhà” đến với các em học sinh để vận động bố mẹ cho các em đi học. Dù đường xa chân mỏi, dù hạt mồ hôi rơi những chưa bao giờ các thầy bỏ cuộc chưa bao giờ để các em không được đến lớp.

Chuyện 2 thầy giáo gà trống nuôi trẻ vùng cao, dành tâm huyết nửa đời người gieo ước mơ nơi khoảng trời heo hút - Ảnh 5.

Toàn bộ học sinh điểm trường mầm non Háng Gàng. Ảnh: Ngọc Huyền

Ở bản cao vẫn còn đâu đó những suy nghĩ, hủ tục chưa được tích cực, "con gái không cần đi học, chừng chục năm nữa là nó cũng đi lấy chồng sinh con, rồi nó cũng thành con nhà người ta thôi". Các thầy giáo càng phải tích cực vận động, tích cực tuyên truyền cho bố mẹ các em hiểu tầm quan trọng của giáo dục. Và rằng chỉ có đi học thì các em mới có một tương lai tương tươi sáng, rộng mở hơn, các em mới không phải lấy chồng sớm, sinh con sớm.

Mưa dầm thấm lâu thành quả của các thầy giáo chính là tỉ lệ chuyên cần và sĩ số của lớp luôn đảm bảo.

Mặc dù còn đó vô vàn những vất vả nhưng bằng sự đam mê, nhiệt huyết của mình đối với nghề, thầy Giàng A Chu và thầy Giàng A Pha đã một phần nào đó giúp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng núi chuyển biến tích cực, mang lại sự thay đổi về nhận thức của bà con góp phần làm cuộc sống của người dân thôn Háng Gàng phát triển và đi lên. 

Rời điểm trường mầm non Háng Gáng chúng tôi cảm nhận được sâu sắc những ánh mắt nụ cười của bầy trẻ thơ nơi đây, niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ, và chắc chắn đây cũng chính là động lực để thầy Chu và thầy Pha cắm bản, nuôi, dạy các em và tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục.

Theo Ngọc Huyền

Cùng chuyên mục
XEM