Chứng khoán Mỹ sẽ ra sao khi vắc-xin phòng Covid-19 phát triển thành công: Thị trường hào hứng tăng cao hay nhanh chóng sụp đổ?

19/08/2020 13:52 PM | Xã hội

Khi vắc-xin phòng Covid-19 được nghiên cứu thành công, cuộc sống của hàng tỷ người sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia Phố Wall lại nhận thấy rủi ro xuất hiện trong mọi ngóc ngách của thị trường nếu vắc-xin ra đời.

Nỗ lực đặt cược bất kỳ điều gì trên thị trường tài chính vào năm 2020 có thể là một trải nghiệm không mấy vui vẻ. Những biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ quy mô lớn đang nỗ lực ứng phó với cuộc suy thoái chưa từng có, cùng với một đại dịch. Liệu bạn có dự đoán rằng sự sụp đổ sẽ sớm xảy ra? Nó đã xuất hiện vào tháng 2 và tháng 3, ngay sau đó là một đợt hồi phục mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán trở lại gần mức cao kỷ lục.

Trong một loạt các sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, thì có một chất xúc tác tiềm năng luôn được mọi chuyên gia nghĩ đến, đó là nghiên cứu thành công vắc-xin phòng Covid-19. Nếu và khi loại vắc-xin đó xuất hiện, thì liệu đó có phải là sự thúc đẩy lớn đối với các nhà đầu tư hay không? Những chuyên gia ở Phố Wall đã trả lời bằng câu: "Có thể".

Dưới đây là 3 tình huống có thể xảy ra mà các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia dự đoán:

1. "Taper Tantrum" sẽ tái diễn

("Taper tantrum" chỉ sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn)

Sự thành công của loại vắc-xin mới và việc cuộc sống trở lại bình thường sau đó có thể nhanh chóng khiến thái độ của các nhà hoạch định chính sách thay đổi đối với các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có trước đó. Nếu họ quyết định kìm chế những nỗ lực này trong thời gian sớm, thì đà tăng của thị trường chỉ có thể diễn ra trong ngắn hạn.

Hiện tại, bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lên 7 nghìn tỷ USD, khi cơ quan này bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính, đẩy mạnh mua trái phiếu Kho bạc và lần đầu tiên tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tiềm lực mạnh của ngân hàng trung ương, cộng với làn sóng mua trái phiếu "theo Fed" đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức thấp kỷ lục và lãi suất đi vay của các doanh nghiệp ở tình trạng "rẻ".

Ngoài ra, yếu tố trên cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán tăng giá mạnh. Nhà đầu tư nhận thấy rằng các doanh nghiệp vẫn có thể nhận được nhiều khoản vay và lợi suất trái phiếu giảm khiến chứng khoán dường như là một thương vụ đầu tư hợp lý hơn.

Một số chuyên gia lo ngại rằng việc mọi thứ trở lại bình thường có thể khiến sự kiện như năm 2013 tái diễn. Khi đó, nhà đầu tư đã trở nên sợ hãi vì ngân hàng trung ương báo hiệu rằng họ sẽ ngừng chương trình nới lỏng định lượng vốn được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính. Sau đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu cùng sụt giảm. George Mussalli – trưởng bộ phận nghiên cứu và giám đốc đầu tư thị trường chứng khoán tại PanAgora, nhận định: "Rủi ro ở đây là taper tantrum. Đó là điều mà mọi người sẽ lo ngại."

Trong khi đó, Yousef Abbasi – chiến lược gia trưởng tại công ty dịch vụ tài chính StoneX, cho rằng đây có thể là một vấn đề sẽ xảy ra. Ông nói: "Fed sẽ phải từ từ và cẩn trọng khi thắt chặt các biện pháp chính sách được ban hành trong thời điểm đại dịch bùng phát và khả năng cao thời kỳ biến động mạnh, khó lường đối với thị trường sẽ diễn ra. Nhưng đương nhiên, trừ khi ông Jerome Powell là một ‘ảo thuật gia’ cao tay hơn những người tiền nhiệm."

2. Mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn

Có thể, việc lo ngại về "taper tatrum" là suy nghĩ quá nhiều về nó. Chúng ta đang nói về một vắc-xin có thể ngăn chặn loại virus đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Randy Frederick – phó chủ tịch phòng giao dịch và phái sinh của Schwab Center thuộc Financial Research, cho biết: "Nếu có bất kỳ điều gì gây ra đà tăng lớn, thì đó chính là vắc-xin."

Fed không nhất thiết phải vội vàng gỡ bỏ những nỗ lực kích thích lớn vừa đưa ra. Trước khi đại dịch bùng phát, họ mới chỉ đang dần rút lại những động thái ứng phó với khủng hoảng tài chính năm 2008. Katy Kaminski – chiến lược gia trưởng và giám đốc danh mục đầu tư tại AlphaSimplex Group, nhận định: "Một khi động thái nới lỏng định lượng được thực hiện như nhiều năm trước, sẽ rất khó để dừng lại và đó là những gì chúng tôi nhận thấy rằng nó sẽ diễn ra trên toàn cầu."

Ngay cả sau khi người dân bắt đầu được tiêm phòng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn có một khoảng thời gian để giảm dần từ mức 10% hiện tại. Gennadiy Goldberg – chiến lược gia cấp cao về lãi suất Mỹ tại TD Securities, cho biết: "Fed muốn lãi suất thấp và các điều kiện cho vay dễ dàng, mang đến nhiều động lực hơn cho sự phục hồi. Kết quả có thể là tình trạng thị trường ở nên đắt đỏ hơn. Theo đó, các cổ phiếu vốn đã đắt lại tiếp tiếp tục tăng giá và việc Fed thu hẹp những động thái kích thích sẽ khiến giá trị trái phiếu ở mức cao và lợi suất xuống thấp."

3. Cổ phiếu giá trị hồi phục

Các cổ phiếu giá trị - được giao dịch ở mức thấp so với lợi nhuận hoặc tài sản của công ty, có thể sẽ trở thành kẻ chiến thắng khi vắc-xin được hoàn thành. Theo Tai Hui – giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management Hong Kong, điều đó sẽ đặc biệt xảy ra đối với các hãng hàng không, công ty tiêu dùng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu và công ty tài chính.

Trường hợp này diễn ra dự trên một thực tế là thị trường "con bò" hiện tại không thực sự quá thuận lợi đối với nhiều cổ phiếu. Đà tăng đang tập trung vào một số ít cổ phiếu liên quan đến công nghệ, được nhà đầu tư nhận thấy là đặc biệt phù hợp với một nền kinh tế "ở trong nhà".

Nếu bỏ Alphabet, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft ra khỏi "bức tranh" hiện tại, thì S&P 500 sẽ giảm 2% trong năm nay thay vì tăng 4,7%. Do đó, một loạt vắc-xin hiệu quả ra đời sẽ cho phép người dân đi du lịch, dùng bữa bên ngoài và mua sắm ở các trung tâm thương mại, từ đó sẽ mang lại cho các doanh nghiệp khác cơ hội vươn lên.

Tuy nhiên, lời cảnh báo cho tất cả những tình huống này đó là việc tạo ra một vắc-xin hiệu quả không phải là điều dễ dàng, chưa nói đến việc nó sẽ được sử dụng ở quy mô như thế nào. Cuối cùng, một điều gì đó như "taper tantum" sẽ được coi là một vấn đề có khả năng cao sẽ diễn ra, đặc biệt là nếu nhà đầu tư đã ngầm hiểu rằng vắc-xin chắc chắn sẽ thành công và đưa điều đó thúc đẩy mức giá hiện tại.

Peter Berezin – chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại BCA Research, cho hay: "Việc không thể sản xuất được vắc-xin có nghĩa là miễn dịch cộng đồng sẽ là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch. Điều này sẽ là yếu tố gây thất vọng đối với các tài sản rủi ro."

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM