Chưa mở cửa vận tải hành khách quốc tế

05/01/2021 09:45 AM | Xã hội

Sáng 4/1, thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào cho phép mở cửa giao thương vận tải hành khách quốc tế, bởi còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID -19.

Theo Nghị quyết 01 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.700 USD và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là 4%.

Nghiên cứu gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai

Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế, rà soát cắt bỏ những rào cản gây khó khăn, mất thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm vì cứ 1% vốn đầu tư công giải ngân giúp tăng trưởng 0,06% GDP…

Trả lời câu hỏi về tác động của năm chuyển giao nhiệm kỳ Chính phủ đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc chuyển giao nhiệm kỳ Chính phủ cũ sang nhiệm kỳ mới sau khi kết thúc Đại hội XIII là công tác “rất bình thường”. Theo ông Dũng, dù có chuyển giao giữa nhiệm kỳ Chính phủ cũ và mới thì mục tiêu, quyết tâm, thông điệp của Đảng, Nhà nước vẫn xuyên suốt tất cả các giai đoạn. Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đều phải chấp hành và thực hiện rất nghiêm túc. “Chúng ta có sự ổn định chính trị nên luôn có sự kế thừa. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta đã thực hiện mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trả lời câu hỏi có hay không “gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, bộ này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất. “Tình hình COVID-19 rất phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta và còn kéo dài thêm một số năm sau đó”, ông Phương nhận định và cho rằng cần theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, từ đó mới đề ra được giải pháp hỗ trợ kinh tế phù hợp. “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế thứ hai, hay việc áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào. Đến thời điểm chín muồi, chúng tôi hoàn tất nghiên cứu sẽ thông tin đến báo chí”, Thứ trưởng Phương nói.

Ðàm phán mua 30 triệu liều vắc-xin COVID-19

Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Cơ quan này nhấn mạnh không được chủ quan trước dịch bệnh. Việt Nam tiếp tục kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn nguồn bệnh từ bên ngoài. Chính phủ cho biết sẽ xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép; đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế để phát triển vắc-xin phòng dịch và có giải pháp để người dân được tiếp cận vắc-xin sớm nhất.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc mua vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đang đàm phán với 4 nước là Anh (vắc-xin của Công ty AstraZeneca), Mỹ (vắc-xin của Công ty Pfizer), Nga (vắc-xin Sputnik 5) và Trung Quốc. Hiện đã ký với Công ty AstraZeneca của Anh. Theo đó, công ty đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều. Theo lộ trình thì quý I, quý II, quý III, quý IV đều có vắc-xin. Với Mỹ, Công ty Pfizer cũng theo lộ trình và giai đoạn cuối cùng của hợp đồng là đến quý IV/2021. Còn riêng Nga thì Bộ Y tế đang đàm phán để có thể sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga tại công ty trực thuộc Bộ Y tế. “Bộ Y tế cũng báo cáo Chính phủ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ để làm sao người dân sớm tiếp cận được vắc-xin và đặc biệt, có sự giám sát rất chặt chẽ của các bộ, ngành”, ông Cường cho hay.

Với câu hỏi “Chính phủ tính toán lộ trình mở cửa nền kinh tế thế nào”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói rằng “chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào cho phép mở cửa giao thương vận tải hành khách, bởi còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID -19” và nhắc lại năm 2020, chúng ta mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, nhưng do tình hình dịch COVID -19 phức tạp vào thời điểm cuối năm nên Thủ tướng quyết định tạm dừng để theo dõi tiếp. Vì thế, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc mở cửa nền kinh tế theo hướng giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng; với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2021.

Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chúng ta vẫn cho phép mở các chuyến bay để đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao, các nhà đầu tư vào khảo sát… tới Việt Nam nhưng kiểm soát chặt như test PCR âm tính, cách ly… để phòng, chống dịch. “Chúng ta đảm bảo giữ vững thế trận, không để COVID-19 lây trong cộng đồng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:

+Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021, Quốc hội giao là khoảng 6%).

+ GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD

+ Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%

+ Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%

+ Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1- 1,5 điểm %

+ Tỷ lệ che phủ rừng: Khoảng 42%.


Với câu hỏi “Chính phủ tính toán lộ trình mở cửa nền kinh tế thế nào”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói rằng: “Chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào cho phép mở cửa giao thương vận tải hành khách, bởi còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID -19”.

​Văn Kiên

Cùng chuyên mục
XEM