Chưa làm đã thấy công việc khó khăn, không thích nghi với môi trường, đãi ngộ không xứng: Người thế này thất bại sẽ theo đuổi cả đời!

17/12/2018 13:41 PM | WeLearn

Kiểu nhảy việc này không những không học được những kỹ năng chuyên nghiệp, không kiếm được tiền mà còn lãng phí sức lực và thời gian quý báu.

Nội dung được trích từ cuốn sách "Sự Khác Biệt Giữa Người Giàu Và Người Nghèo", tác giả Thái Phú Cường, do Vibooks phát hành.


Trong cuộc sống, nhảy việc là một hiện tượng rất bình thường, và nguyên nhân nhảy việc của mỗi người cũng không giống nhau.

Thường người nghèo nhảy việc là vì những lý do như không thể thích ứng với môi trường làm việc, làm gì cũng không được như ý; cảm thấy đãi ngộ không xứng với những gì mình bỏ ra, công ty không trả mức lương thỏa đáng; gặp khó khăn trong công việc nên nghĩ bản thân không đảm đương được công việc này, cuối cùng từ bỏ.

Nguyên nhân nhảy việc của người nghèo đều bi quan tiêu cực, họ thất bại trong nghề này liền nghĩ đến việc chạy trốn, nhảy việc, hy vọng có thể thay đổi ở một nghề khác. Tuy nhiên thái độ làm việc tiêu cực này sẽ khiến họ rơi vào vòng lẩn quẩn, từ ngành nghề này nhảy sang ngành nghề khác. Đối với những ngành nghề từng làm, họ chỉ hiểu sơ sơ, chẳng thông thạo một nghề nào, kết quả không thể nổi trội hơn người.

Còn người giàu hoàn toàn ngược lại, một khi lựa chọn nhảy việc, tức là họ đã phân tích và suy nghĩ cẩn trọng. Trước khi nhảy việc, họ đều đã thông thạo và xuất sắc trong nghề này và cũng đã trở thành một tay chuyên nghiệp trong ngành, không những thông thạo nắm chắc những kỹ năng chuyên nghiệp mà còn xây dựng được một hệ thống quan hệ rộng lớn, biến chúng trở thành tài sản của mình và sẽ là nguồn vốn khi bắt tay vào bất kỳ ngành nào khác.

Iue Toshio, người sáng lập Công ty điện tử Sanyo, tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng của Nhật chính là đại diện điển hình.

Năm 1925, Iue Toshio tốt nghiệp trung học cơ sở đã rời quê hương đến học việc ở công ty của anh rể. Vì muốn trở thành một doanh nhân thành công giống như anh rể Konosuke Matsushita, nên ông làm việc vô cùng nghiêm túc. Ban ngày ông vùi đầu làm việc cực khổ, cần cù hoàn thành công việc mình đảm nhận, tối đến ông lại học thêm những kỹ năng cơ bản và kiến thức liên quan đến chế tạo máy móc, kế toán thương nghiệp ở lớp học ban đêm.

Kiên trì như vậy tròn tám năm, tố chất cá nhân của Iue Toshio đã nâng cao rõ rệt, đồng thời thành tích trong công việc của ông cũng chiếm ưu thế hơn nhiều so với đồng nghiệp. Điều này giúp ông được đề bạt lên chức Xưởng trưởng khi mới 19 tuổi, sau đó lại được thăng chức trở thành Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Trưởng bộ phận chế tạo, trở thành trợ thủ đắc lực của anh rể và là một nhân vật quan trọng không thể thiếu trong công ty.

Iue Toshio làm việc trong Công ty Matsushita 24 năm, đã trở thành chuyên gia trong ngành máy móc điện khí. Sau khi hiểu thấu ngành này, Iue Toshio tràn đầy nhiệt huyết quyết định bỏ việc, tạo dựng sự nghiệp của riêng mình, điều này đối với người anh rể là một đả kích lớn.

Chưa làm đã thấy công việc khó khăn, không thích nghi với môi trường, đãi ngộ không xứng: Người thế này thất bại sẽ theo đuổi cả đời! - Ảnh 2.

Nhờ có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ, công ty của Iue Toshio kinh doanh đâu ra đấy. Chỉ trong mười năm ngắn ngủi nó đã chiếm địa vị tiên phong trong ngành điện gia dụng toàn Nhật Bản.

Cuối những năm 80 của thế kỉ 20, Sanyo của Iue Toshio đã có hơn một trăm công ty con. Tổng doanh thu cả năm của Tập đoàn Sanyo đạt mức một tỷ yên. Ngày nay, Sanyo đã trở thành Tập đoàn đa quốc gia có mặt ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Làm ở một công ty suốt 24 năm, cuối cùng cũng kiên quyết từ bỏ để bắt đầu sự nghiệp của riêng mình, điều này trong mắt mọi người là một chuyện vô cùng kỳ lạ. Đặc biệt là đối với người nghèo, chuyện này không thể xảy ra với họ. Người nghèo thường nhảy việc liên tục, việc có thể kiên trì làm việc ở một công ty đối với họ đã rất khó khăn. Nếu thật sự có thể làm việc ở một công ty 24 năm, họ cũng hình thành tính ỷ, trở nên bằng lòng với hiện trạng, không có chí cầu tiến cũng sẽ không nghĩ đến chuyện bỏ việc lập nghiệp.

Thế nhưng Iue Toshio đã làm được, khi làm việc ở Công ty Matsushita ông cần cù chăm chỉ, nỗ lực học những kiến thức quản lý kinh doanh và kỹ năng chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực và tố chất, đồng thời ông cũng không quên chí hướng của mình. Sau khi hiểu rõ ngành máy móc điện khí này, ông kiên quyết bắt đầu tự lập nghiệp, hướng đến mục tiêu phấn đấu cao xa hơn.

Người giàu nhảy việc luôn cân nhắc, không như người nghèo nhảy việc mù quáng. Sau khi cân nhắc so sánh, họ sẽ đưa ra lựa chọn tốt nhất, đảm bảo mỗi lần nhảy việc sẽ là một cú nhảy vọt trong cuộc đời, giúp bản thân càng giá trị hơn.

Thái Phú Cường

Cùng chuyên mục
XEM