Chưa hết sốc vì giá bitcoin bị thủng đáy, dân “đào” Na Uy lại nhận tin dữ!

26/11/2018 13:52 PM | Xã hội

Giá bitcoin và các loại tiền điện tử khác bị rớt “thảm” không phải là vấn đề duy nhất mà dân “đào” tiền ảo đang phải đối mặt. Chính phủ Na Uy vừa cho biết sẽ loại bỏ khoản trợ cấp tiền điện dành cho các “thợ mỏ” tiền điện tử.

Theo một bản tin từ Aftenposten, tờ báo có lượng phát hành lớn nhất của quốc gia này, vào hôm thứ Tư vừa qua, chính phủ đã thông báo các "thợ mỏ" tiền điện tử trong nước sẽ phải đóng thuế điện bình thường kể từ năm 2019.

Tại Na Uy, các công ty khai thác mỏ hiện đang nhận được mức giảm giá thuế điện tương tự như các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều điện năng khác. Hiện tại, những giàn máy có công suất hơn 0,5 megawatt được tính 0,48 kroner Na Uy (0,056 USD) cho mỗi kilowatt giờ, thay vì theo giá tiêu chuẩn của Na Uy là  16,58 kroner. Điều đó nghĩa là các thợ mỏ trước giờ đã trả ít hơn 2,8% so với giá tiêu chuẩn cho lượng điện vận hành "bộ đồ nghề" của họ.

"Na Uy không thể tiếp tục cung cấp các ưu đãi thuế lớn cho sản phẩm ‘dơ’ nhất như bitcoin. Nó đòi hỏi rất nhiều năng lượng và tạo ra lượng khí thải nhà kính lớn trên toàn cầu", Aftenposten đưa tin, trích dẫn lời của người đại diện quốc hội Na Uy, Lars Haltbrekken.

Với việc bị chấm dứt trợ cấp, những "thợ mỏ" tiền điện tử sẽ phải hứng chịu một sự gia tăng lớn về chi phí, và điều này có thể sẽ làm giảm lợi nhuận ròng của họ. Trong bối cảnh tiền điện tử đang ngày càng bị mất giá, đây quả là tin dữ, gây thêm không ít áp lực lên ngành này.

Đề xuất bỏ trợ cấp của Na Uy được Cơ quan quản lý thuế Na Uy đưa ra. Đây là nơi chịu trách nhiệm đăng ký cư trú và thu thuế ở Na Uy. Đề xuất trên đã được phê duyệt trong ngân sách nhà nước và sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm 2019, Aftenposten đưa tin.

Roger Schjerva, chuyên gia kinh tế trưởng của ICT Norway, nói với Aftenposten rằng động thái của chính phủ là "sốc" và ngân sách đã không được thảo luận với ngành này trước khi đưa ra quyết định. Ông cũng chỉ ra rằng động thái này sẽ gây hại cho ngành công nghiệp tiền điện tử ở Thụy Điển và Đan Mạch. "Chúng tôi chỉ có thể hy vọng các chính trị gia hiểu rằng mảng điện toán cần nhiều năng lượng là một trong những điều mà chúng ta sẽ sống với nó trong tương lai", Schjerva nói thêm.

"Nếu điều này là chính xác, nó sẽ là một thảm họa hoàn toàn cho ngành công nghiệp tiền điện tử ở Na Uy. Điều này mang lại một tín hiệu khủng khiếp cho người nước ngoài đang nghĩ đến việc đầu tư vào Na Uy", cổng tin tức kinh doanh E24 viết, dẫn lời ông Gjermund Hagasæter, người phát ngôn của Kryptovault - một công ty Na Uy chuyên về các hoạt động khai thác tiền điện tử và trung tâm dữ liệu quy mô lớn.

Hồi tháng Tư, Reuters đưa tin rằng các "thợ mỏ" tiền điện tử đang chuyển sang Na Uy và Thụy Điển để tận dụng năng lượng thủy điện giá rẻ và nhiệt độ thấp để cung cấp năng lượng và làm mát cho máy chủ của họ. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chiếm khoảng 70% ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử, nhưng Bắc Kinh đã kiềm nó lại do lo ngại về ô nhiễm từ nguồn năng lượng than đá gây ra, buộc các thợ mỏ phải chuyển đến Na Uy.

Mối quan tâm về việc khai thác tiền điện tử gây ảnh hưởng đến khí hậu đã và đang nổi lên, tạo ra căng thẳng trong giới hoạch định chính sách của các quốc gia khác nhau. Một báo cáo gần đây của Liên hiệp quốc cho biết chúng ta có khoảng 12 năm để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu, và tổ chức này chỉ ra rằng các công nghệ không thân thiện với môi trường lắm như tiền điện tử là những tác nhân góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng này.

Một nghiên cứu được công bố vào ngày 29/10 của Đại học Hawaii cho biết việc sử dụng bitcoin (bao gồm: mua, tạo ra và bảo vệ nó) trong năm 2017 đã thải ra 69 triệu tấn CO2 và họ cũng dự đoán rằng "nếu tất cả lượng bitcoin được kết hợp lại, thì lượng khí thải tổng cộng của nó sẽ đủ để làm cho trái đất nóng thêm 2 độ C chỉ trong 22 năm. Nếu kết hợp với các công nghệ khác ở tốc độ trung bình, thì sẽ là khoảng 16 năm".

Tại Thụy Điển, hai công ty "đào" bitcoin - NGDC có trụ sở tại Miami và Chasqui Tech của Thụy Điển - gần đây đã rời bỏ cơ sở khai thác của họ. NGDC đã biến mất khỏi khu vực này, để lại các khoản tiền điện trị giá 1,5 triệu USD chưa được thanh toán. Lý do đằng sau của việc "bỏ của chạy lấy người" này được cho là có liên quan đến sự sụt giảm giá tiền điện tử.

Theo Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM