Chưa có "ưu ái" nào dành cho Vietnam Airlines: Cổ phiếu vừa bị chuyển sang diện kiểm soát, chỉ được giao dịch buổi chiều

28/10/2021 10:04 AM | Kinh doanh

Thực hiện đúng theo quy chế niêm yết chứng khoán, HOSE cho biết sẽ chuyển cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sang dạng kiểm soát kể từ ngày 3/11. Cuối tháng 9, Vietnam Airlines từng đề xuất xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Ngày 27/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ra quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.

Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 là -8.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là -17.808 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp hồi cuối tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã gửi một số kiến nghị và đề xuất hàng loạt ưu đãi đặc biệt. Đáng chú ý, trong đó có kiến nghị cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Cổ phiếu HVN sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận) kể từ ngày 3/11/2021.

Căn cứ giải trình của công ty, HOSE sẽ thông báo về việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Cách đây 1 tuần, Vietnam Airlines đã có văn bản giải trình bổ sung về tình hình tài chính của Vietnam Airlines đến thời điểm hiện nay cũng như phương án, giải pháp khắc phục để cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, gửi lên HOSE.

Vietnam Airlines cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động vận tải hàng không trên toàn thế giới, trong đó có Vietnam Airlines. Để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, Vietnam Airlines đã triển khai hàng loạt giải pháp như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá dịch vụ hàng hóa... đồng thời báo cáo Chính phủ để có các hỗ trợ về chính sách cho các hãng hàng không nói chung, đặc biệt hỗ trợ Vietnam Airlines với tư cách cổ đông nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Vietnam Airlines.

Căn cứ phê duyệt của Chính phủ, trong quý 3/2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng, kịp thời bổ sung dòng tiền,giúp cải thiện tình hình tài chính. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp, đặc biệt là các chủ sở hữu tàu bay, các cơ sở bảo dưỡng ở nước ngoài để giảm giá và giãn/hoãn thanh toán nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua giai đoạn khó khăn. Bước đầu, các nhà cung cấp đã có những cam kết hỗ trợ tốt cho Vietnam Airlines nhằm giảm chi phí, từng bước giúp Vietnam Airlines khôi phục hoạt động.

Cùng với các giải pháp cắt giảm chi phí, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Vietnam Airlines đã xây dựng Đề án tái cơ cấu tổng thể nhằm tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, tái cơ cấu tài sản, đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn để đạt mục tiêu nhanh chóng khôi phục lái ản xuất sau dịch bệnh, từng bước giảm lỗ và cải thiện tình hình tài chính.

Với kết quả kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương, các chuyến bay thường lệ nội địa bắt đầu được phép khai thác trở lại. Vietnam Airlines cho rằng thị trường vận tải hàn không sẽ sớm được hồi phục giúp các hãng hàng không từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chưa có ưu ái nào dành cho Vietnam Airlines: Cổ phiếu vừa bị chuyển sang diện kiểm soát, chỉ được giao dịch buổi chiều - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu Vietnam Airlines từ đầu năm đến nay


Hà My

Từ khóa:  Vietnam Airlines
Cùng chuyên mục
XEM