Chủ trường tư thục Tomato kể chuyện "thoát thân" trước sóng Covid thứ 4: Trả mặt bằng lớn, tinh giản đội ngũ, ngay khi học sinh nô nức trở lại sau làn sóng thứ 3

05/11/2021 09:35 AM | Kinh doanh

Đi ngược thị trường, chủ trường Tomato đã quyết định đóng bớt các cơ sở có mặt bằng lớn kinh doanh không hiệu quả và có chủ nhà khó thương lượng. Bởi theo chị, đến thời điểm rất khó khăn, nếu gặp chủ nhà không chịu thông cảm giảm giá thuê mặt bằng, thì chỉ có ‘chết’. Nhờ thế, doanh nghiệp vẫn có thể sống sót sau giai đoạn khó khăn vừa qua.

Sự khốc liệt của Covid, đặc biệt là làn sóng thứ 4 đã khiến doanh nghiệp chao đảo. Ngành giáo dục cũng là một trong những ngành gặp rất nhiều khó khăn trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là ở khối tư thục và mầm non. Dù không có các con số chính xác, nhưng các cơ sở mầm non tư thục phải đóng cửa từ đầu mùa dịch đến giờ đã rất nhiều.

Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương – Founder kiêm CEO của Tomato Children’s Home, Founder và CEO của Faros Education & Consulting, Chủ tịch HĐQT của Hệ thống trường Mầm non – Tiểu học ICS; là người thấm thía những khốn khó của ngành hơn bất kỳ ai hết. Hệ thống trường Tomato chuyên dạy ngoại khóa cho trẻ em, hiện có 3 cơ sở tại TP.HCM, 1 tại Biên Hòa và 1 tại Đà Nẵng.

Chia sẻ trong Talkshow Khát vọng do YBA tổ chức, chị Uyên Phương cho biết: nếu không quyết định ‘thoát thân’ sớm, hẳn chị và các doanh nghiệp của mình cũng đã sa lầy rồi chết chìm như bao đồng nghiệp khác.

"Covid-19 bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020, nếu tính chi ly, thì trường học chỉ mở cửa tổng cộng khoảng được 6 tháng trong 2 năm qua. Còn nếu tính trong năm 2021, thì các hệ thống trường học chỉ mở cửa khoảng tầm 2 đến 3 tháng.

Cũng may là tôi đã quyết định ‘thoát thân’ đúng thời điểm, nên mới có được sự bình an trong tâm hồn nhất định trong suốt 6 tháng khốc liệt vừa qua tại TP.HCM", chị Nguyễn Thúy Uyên Phương kể.

Cụ thể hơn: sau làn sóng thứ 3 đầu năm 2021, ngành giáo dục bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại, bởi phụ huynh và các bé ở nhà dồn nén quá lâu, nên khi có cơ hội mọi người ùn ùn tới trường. Lúc đó, doanh thu của hệ thống Tomato hay Faros rất tốt. Cũng trong thời gian đó, sau nhiều tìm hiểu và nghiên cứu, phân tích kỹ thời cuộc, chị Uyên Phương cho rằng: dịch vẫn sẽ chưa chấm dứt mà có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Đi ngược thị trường, chị Uyên Phương đã quyết định đóng bớt các cơ sở có mặt bằng lớn kinh doanh không hiệu quả và có chủ nhà khó thương lượng. Bởi theo chị, đến thời điểm rất khó khăn, nếu gặp chủ nhà không chịu thông cảm giảm giá thuê mặt bằng, thì chỉ có ‘chết’. Song song đó, chị cũng tìm cách tinh giản đội ngũ – đảm bảo đội ngũ tinh gọn đến mức có thể.

Chủ trường tư thục Tomato kể chuyện thoát thân trước sóng Covid thứ 4: Trả mặt bằng lớn, tinh giản đội ngũ, ngay khi học sinh nô nức trở lại sau làn sóng thứ 3 - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương – Founder kiêm CEO của Tomato Children’s Home

Lúc đó, không ít người cảm thấy tiếc cho chị Uyên Phương và Tomato, bởi thấy thị trường đang tốt, cho rằng chỉ cần cố thêm 1 đến 2 tháng nữa sẽ ổn, đóng bớt cơ sở tức là chấp nhận bỏ số tiền ra để sửa chữa và cải tạo mặt bằng trước đó.

"Có thể nói, Covid-19 là một thử thách khá khốc liệt cho những chủ doanh nghiệp ở tuổi trung niên như tôi. Khủng hoảng tuổi trung niên miêu tả về mặt tâm lý. Khi tôi 30 tuổi, tôi cảm thấy mọi thứ vẫn đang ở phía trước, chỉ cần cố gắng sẽ đạt được. Nhưng khi vào tuổi 40, chúng ta sẽ cảm thấy không còn nhiều thời gian nữa, sẽ có những thứ mình ước muốn nhưng sẽ không bao giờ làm được.

Trong suốt thời gian vừa qua, tôi đã nhiều lần đóng vai trò tư vấn tâm lý cho bạn bè của mình. Tôi có nhiều bạn là chủ doanh nghiệp, gần như mất hết trong Covid-19 cộng với khủng hoảng tuổi trung niên, khiến họ cảm thấy như mình mất là mất luôn, không còn nhiều hy vọng ở tương lai. Thế nên, nhiều người hoang mang và hoảng loạn, không biết phải làm sao!", CEO Tomato Children’s Home tiết lộ.

Trong khi nghiên cứu giáo dục chị hay tìm hiểu về tương lai, thời đại và con người; theo chị, thì Covid-19 không phải là thử thách lớn nhất của chúng ta trong thời đại này. Chúng ta cần phải xây dựng cho bản thân và doanh nghiệp năng lực linh hoạt để đối phó với những biến động sắp tới. Vậy nên, chị còn nhiều việc phải làm nếu muốn tiếp tục sống sót và đi về phía trước trong tương lai:

Hiện chị vẫn đang tìm cách xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt, có độ co giãn cao, bằng cách cơ cấu lại tổ chức, cho các thương hiệu giáo dục mà mình đang xây dựng. Làm sao để chúng có thể ‘khi cần làm được, khi muốn thoát được’. Lịch sử loài người đã chứng minh: khi xảy ra sự cố hoặc thảm họa, không phải sinh vật to (như khủng long), mà là sinh vật nhanh nhẹn, linh hoạt thì mới có thể thoát thân.

"Tôi vẫn nhớ mãi câu của Mẹ Teresa, đại ý: Xin hãy cho con sự can đảm thay đổi khi cần thay đổi. Xin hãy cho con sự can đảm chấp nhận thứ con không thể thay đổi. Và sự minh định để có thể phân biệt 2 điều ấy.

Theo tôi, sự minh định rất quan trọng, bởi nếu chúng ta không phân biệt được hoặc nhận nhầm chúng, rất nguy hiểm", chị Uyên Phương khẳng định.

---

Chuyện kể từ chủ cơ sở giáo dục tư thục như Tomato chỉ là một trong số rất nhiều các câu chuyện "vượt bão" trong cơn bĩ cực Covid kéo dài suốt 2 năm vừa qua mà chúng tôi đang thực hiện cho serie VƯỢT BÃO COVID.

Để không bỏ lỡ các câu chuyện ý nghĩa, chúng tôi rất mong có thể nhận được nhiều ý kiến đóng góp và bài viết từ quý độc giả gần xa cho serie này. Chúng tôi cũng hi vọng serie có thể giúp tất cả chúng ta có thể thẳng thắn nhìn vào ĐAU THƯƠNG của ngày hôm qua, để có thêm những BÀI HỌC cho hôm nay và lan tỏa NIỀM CẢM HỨNG vào ngày mai.

Covid tác động đến cuộc sống, công việc, doanh nghiệp, ngành nghề và địa phương của quý vị như thế nào, hãy chia sẻ với chúng tôi nhé! Mọi ý kiến và bài viết xin gửi về: Ban biên tập CafeBiz - email: bientap@cafebiz.vn

Xin trân trọng cảm ơn.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM