Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển

04/11/2017 10:07 AM | Kinh tế vĩ mô

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng từ 6-11/11. Với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hơn 10.000 đại biểu trong nước, quốc tế (riêng các hội nghị của doanh nghiệp sẽ có 3000 đại biểu tham dự) cùng hàng ngàn phóng viên của các hãng thông tấn báo chí, đây là sự kiện đối ngoại lớn nhất trong nhiều năm qua, một sự kiện lịch sử trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn kinh tế mở gồm 21 thành viên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng, bền vững, sáng tạo và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Sau 28 năm hình thành và 23 năm thực hiện những mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư, APEC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực.

Từ năm 2000 đến 2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần: từ 6,4 nghìn tỷ USD lên 16,5 nghìn tỷ USD, thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm đi một nửa. Tính đến 2016, APEC đã đóng góp khoảng 57% vào tỷ trọng GDP và 49% tỷ trọng thương mại toàn cầu.

APEC và thách thức mới của thời đại

"Những biến đổi mạnh mẽ gần đây của tình hình thế giới đã tạo nên bối cảnh rất đặc biệt của Tuần lễ Cấp cao APEC lần này. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo khu vực trung tâm của khởi nghiệp và cái nôi của toàn cầu hoá sẽ trở thành nơi gặp gỡ của "những người khổng lồ", nơi chụm đầu của của các thinktank!", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ trước thềm sự kiện đối ngoại quan trọng này.

Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi tận gốc rễ nền tảng kinh tế toàn cầu, đặt các nền kinh tế trước những thử thách và cả cơ hội chưa từng có. Hội nhập và toàn cầu hóa vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhưng khác với kỳ APEC 2006 cũng tại Việt Nam, APEC lần này diễn ra khi chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại, nước Mỹ cũng đang tìm kiếm những cách tiếp cận mới với các vấn đề toàn cầu và định vị lại vị thế của mình, trong khi vai trò của Trung Quốc đang nổi lên.

Theo IMF, dù kinh tế toàn cầu và khu vực APEC vẫn có xu hướng tăng trưởng nhưng trong dài hạn sẽ vẫn thấp hơn các thập kỷ trước đây, do cản trở bởi năng suất thấp và bất bình đẳng tăng lên khi rất nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau, như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay phụ nữ… Bất bình đẳng đang gia tăng là mối đe dọa tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, tạo áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Nhiều chuyên gia đã đánh giá 2017 là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu và APEC không phải là ngoại lệ.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, TP Đà Nẵng cũng là nơi mà cả thế giới sẽ hướng về để trông đợi thông điệp từ hàng loạt các nhà lãnh đạo vừa được bầu cũng như vừa bắt đầu nhiệm kỳ như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cả những nhà lãnh đạo lần đầu đắc cử như tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…

Nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Diễn ra trong một thời điểm vừa hệ trọng vừa thú vị, Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung. APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển.

Việt Nam nhận được nhiều lợi ích nhất từ toàn cầu hóa

"Bước vào thập kỷ thứ 4 kể từ khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam đang cần một làn sóng cải cách thứ hai. APEC cũng đang chuẩn bị bước vào thập kỷ phát triển thứ 4. Và Việt Nam cũng là nền kinh tế nhận được rất nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa, từ khu vực APEC, nếu không muốn nói là nhiều nhất", chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Theo ông, là một điển hình thành công trong đổi mới và hội nhập, những biến động mới trên toàn cầu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam theo cả hai chiều hướng là tạo cơ hội và mang tới thách thức. Một ví dụ đã được nhắc đến nhiều là với quá trình robot hóa và với sự đảo chiều của thương mại, đầu tư toàn cầu khi các dây chuyền sản xuất dịch chuyển trở lại các nước phát triển, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam nữa.

Thế nhưng Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có với lợi thế so sánh vượt trội trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp-gắn liền với nền ẩm thực; du lịch; và kinh tế sáng tạo gắn với công nghệ thông tin. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và cải cách thể chế trong nước sẽ là 3 động cơ phát triển chính cho Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với bối cảnh như trên, những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017 - và đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế - không chỉ phù hợp với nhu cầu của APEC, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu nội tại và đều là những vấn đề mang tính "sống còn" của Việt Nam.

Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng xoay quanh 4 chủ đề này.

PV

Cùng chuyên mục
XEM