Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!

09/06/2020 15:16 PM | Kinh doanh

Trao đổi với Trí thức trẻ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong việc đón dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc hậu Covid-19, nhưng rủi ro trở thành “bãi rác thải” của các công nghệ không còn phù hợp cũng là rất nguy hiểm nếu chúng ta không có chính sách, bộ lọc hợp lý.

 Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!  - Ảnh 1.

Thưa ông, ở thời điểm hiện tại, khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp Việt trong việc phục hồi hậu Covid-19 là gì?

Có thể nói, Việt Nam là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới đã kiềm chế rất tốt Covid-19 và đang mở cửa lại nền kinh tế, trước hết là trong thị trường nội địa. Thị trường nội địa của Việt Nam khá lớn, quy mô gần 100 triệu dân và nhu cầu của tầng lớp trung lưu bùng nổ, sẽ là bệ đỡ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam có thể bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một nền kinh tế lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, trong khi các đối tác chủ chốt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, khi nhu cầu thị trường thế giới suy giảm, trở ngại sẽ là rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiêu thụ hàng hóa sản phẩm.

Đây là lúc rất nhiều doanh nghiệp đang "ngấm đòn" Covid-19 về mặt thị trường. Khó khăn về thị trường chính là khó khăn hàng đầu.

Bên cạnh đó, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu cũng chưa được vận hành trở lại. Điều đó cũng làm "đứt gãy" hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Rất khó để có thể trụ vững được trong điều kiện đó nếu như các doanh nghiệp không đa dạng hóa được nguồn hàng, không đa dạng hóa được thị trường. Những tháng tới đây sẽ tiếp tục là những tháng khó khăn của họ.

 Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!  - Ảnh 2.

Trong thời kỳ Covid-19, các lệnh hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ hoàn toàn vì không nhập được nguồn nguyên liệu, phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Làm thế nào để khắc phục nhược điểm phụ thuộc nguồn cung để tránh rủi ro tương tự xảy ra lần nữa?

Ngay tại thời điểm này, chúng ta đang có cơ hội trong việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nhiều vào các thị trường xung quanh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Các ngành công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử đều có nguồn cung nguyên liệu từ đó. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến lược đa dạng thị trường, và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA là những không gian vô tận về thị trường cho chúng ta. Muốn hưởng lợi từ các thị trường này, hàng hóa của chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu rất cao về lao động, môi trường và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, của nguồn nguyên liệu.

Bây giờ cũng là lúc chúng ta phải thu hút được các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ từ các nước vào Việt Nam. Đồng thời, phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để có khả năng trở thành các nhà thầu phụ cho các tập đoàn xuyên quốc gia. Nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam mãi chỉ là nền kinh tế gia công lắp ráp. Mà chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi "làm thuê cho thiên hạ", không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình.

 Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!  - Ảnh 3.

Thời gian qua, nhiều công ty đa quốc gia lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có ý định chuyển từ Trung Quốc. Bên cạnh những cơ hội, theo ông dòng vốn này có rủi ro như thế nào đối với kinh tế Việt Nam?

Nền kinh tế thế giới đang đi những bước đầu của quá trình phục hồi. Các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, mặc dù chậm, nhưng cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại. Tác động cộng hưởng của cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đang khiến các nhà đầu tư hướng tới chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Trước đây, Trung Quốc đóng vai trò là công xưởng thế giới, là nơi cung cấp hầu hết nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, qua thời gian dịch bệnh các tập đoàn đa quốc gia đang phải định hình lại và có chiến lược rõ ràng cho việc chuyển dịch các cơ sở sản xuất đang đóng tại Trung Quốc sang các nước khác. Đông Nam Á và Ấn Độ đang là điểm đến được lựa chọn đầu tiên.

Trong các nước ASEAN, Việt Nam đang có lợi thế vì gần gũi với Trung Quốc, vị trí địa chính trị thuận lợi, cũng có nguồn lao động tương đối dồi dào và không gian kinh tế tương đối lớn. Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể đón nhận dòng vốn đầu tư từ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Song, điều rất cần lưu ý là: Dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch không chỉ có dòng vốn chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, mà còn có cả dòng vốn đầu tư chất lượng thấp, công nghệ không cao, sử dụng lao động giản đơn, giá trị gia tăng không lớn và không thân thiện với môi trường. Nếu như không có chính sách, bộ lọc hợp lý, rất có thể chúng ta sẽ trở thành nơi thải loại của những công nghệ không phù hợp, đặc biệt là không đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh này.

"Trong cơ có nguy", chính sách sắp tới của chúng ta trong thu hút đầu tư phải là có sàng lọc, có lựa chọn chứ không phải là "vơ bèo gạt tép", cũng không phải là "welcome" tất cả.

 Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!  - Ảnh 4.

Một điều rất quan trọng, là không chỉ có nguy cơ từ dòng vốn chất lượng thấp, mà trong dòng chảy vốn đó, cũng có dòng chảy có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc sâu hơn vào nền kinh tế láng giềng. Chính vì vậy, chúng ta cũng cần có chiến lược tỉnh táo để tránh được dòng vốn này.

Chúng ta cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang có khả năng đảm nhận một số lĩnh vực đầu tư. Nếu chúng ta không cẩn trọng trong lĩnh vực lựa chọn, rất có thể đầu tư nước ngoài sẽ "chèn lấn" khu vực tư nhân trong nước.

Có thể nói, một thất bại của chúng ta trong việc thu hút đầu tư trong thời gian qua đã không gắn kết được nền kinh tế nội địa của chúng ta, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta với các doanh nghiệp đầu tư FDI. Các doanh nghiệp FDI gần như các "ốc đảo" trong nền kinh tế Việt Nam. Các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu, cung ứng nhập khẩu để xuất khẩu ra thị trường thế giới, giá trị gia tăng không đáng bao nhiêu. Bây giờ chính là lúc chúng ta phải có định hướng lựa chọn tốt hơn, để nâng cấp dần sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta không thể chấp nhận mãi những khâu sản xuất sử dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và sử dụng lao động giá rẻ, vì như thế sẽ không bao giờ thoát được ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.

 Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!  - Ảnh 5.

Vậy để đón được dòng vốn chất lượng cao sau đại dịch, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Để chuẩn bị đón dòng vốn chất lượng cao, trước hết, Việt Nam cần chuẩn bị tốt về thể chế. Một thể chế minh bạch, đảm bảo các yêu cầu rất cao về lao động và môi trường, làm bộ lọc cho dòng vốn đầu tư mới vào nước ta.

Thứ hai, chúng ta cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đặc biệt là logistics, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng về công nghệ số là rất quan trọng để chúng ta có thể đón được dòng vốn đầu tư mới.  Dòng vốn mới bao giờ cũng khó yêu cầu khó tính hơn về cơ sở hạ tầng.

Điều nữa cũng rất quan trọng, là chất lượng nguồn nhân lực. Muốn thu hút những công đoạn giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta cần phải có những kỹ sư trình độ cao, đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề. Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn đang là vấn đề. Chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của các công đoạn giá trị cao, như hoạt động nghiên cứu phát triển R&D chẳng hạn.

 Chủ tịch VCCI: Chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình!  - Ảnh 6.

Một mặt, chúng ta mong muốn, chúng ta yêu cầu dòng vốn đầu tư chất lượng cao hơn, muốn các công ty toàn cầu lập cơ sở nghiên cứu phát triển ở Việt Nam, thì chúng ta cũng phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho điều đó. Phải tự nâng mình lên để đạt được chuẩn mực của dòng vốn đầu tư mới.

Đây là vấn đề mà Đảng ta đã nhắc tới nhiều. Chính phủ cũng đã có nhiều chương trình hành động để thúc đẩy. Tuy nhiên, kết quả thì chưa được như mong muốn.

Phục hồi thì không phải là quay trở lại ngày hôm qua, mà phải phục hồi sáng tạo, phục hồi hướng tới một cơ cấu kinh tế có hiệu quả hơn. Có lẽ bây giờ chúng ta cần phải nỗ lực gấp đôi. Một mặt là cố gắng để phục hồi lại nhịp độ, mặt khác phải đẩy mạnh tái cấu trúc để không trở thành "bãi rác thải" của các công nghệ không còn phù hợp.

Thời gian qua chúng ta nỗ lực một, thì thời gian tới phải nỗ lực gấp đôi. Nói là chúng ta có cơ hội, nhưng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và các nền kinh tế khác. Họ đang vận động rất nhanh. Họ cũng có những chiến lược "lót ổ cho đại bàng" hiệu quả. Cơ sở hạ tầng của họ tốt hơn. Lao động lành nghề nhiều hơn. Nếu chúng ta không có sự phối hợp đồng bộ để chuẩn bị cho việc đón nhận dòng vốn đầu tư mới thì chúng ta sẽ mãi là người đi sau.

Cảm ơn ông!

Hoàng An / Thiết kê: Hương Xuân

Cùng chuyên mục
XEM