Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú: Năm 2045, thu nhập bình quân người Việt có thể tăng lên 16.500 USD/năm, quy mô nền kinh tế tương đương Hàn Quốc năm 2018

07/03/2021 11:28 AM | Kinh doanh

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt đến 16.500 USD/năm vào năm 2045, nếu tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức 6 – 6,5%, theo tính toán của Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú. Nếu tính toán này là chính xác, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 đạt khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.

Chiều 6/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045".

Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.

Tại sự kiện, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI chia sẻ: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra các mục tiêu cụ thể cho các mốc năm 2025, năm 2030 và tới khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 2045 thì mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao.

Theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc, một quốc gia được coi là nước có thu nhập cao, là GDP bình quân đầu người trên 12.000 USD. Tại thời điểm năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD/năm, đứng thứ 6 ASEAN.

Như vậy, chúng ta đặt mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người là 4.700 – 5.000 USD/năm và năm 2030 là 7.500 USD/năm, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD/năm để trở thành nước có thu nhập cao, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 – 2030 ở mức 6 – 6,5%, giai đoạn 2030 – 2045 ở mức 5,5- 6%.

"Và theo tính toán của chúng tôi, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,2 – 6,5% trong năm 2030 - 2045, thu nhập bình quân đầu người là 16.500 USD", ông Phú cho biết.

Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê thì dân số của Việt Nam 2045 vào khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú: Năm 2045, thu nhập bình quân người Việt có thể tăng lên 16.500 USD/năm, quy mô nền kinh tế tương đương Hàn Quốc năm 2018 - Ảnh 1.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2045 có thể tương đương Hàn Quốc năm 2018. Ảnh minh họa: Korea.net

4 từ khóa để cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực

Ông Phú khuyến nghị để đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ kỳ diệu của kinh tế tư nhân.

Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực.

Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì KTTN chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030 theo dự báo thì KTTN sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Để làm được điều này, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần tập trung vào một số điểm cốt lõi và coi như là các từ khóa.

Chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ: Cụ thể, các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ "quản lý", quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy "phục vụ": phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Các cơ quan công quyền cần ở tâm thế "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ", lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực.

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.

Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm có đóng góp lớn cho xã hội. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/ Hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.

"Doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng…"

"Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó. Tôi cho rằng, mọi vấn đề xung quanh vấn đề cơ chế, chính sách với KTTN đều có thể gói gọn trong 4 từ khóa này", ông Phú khuyến nghị.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM