Chủ tịch Thuỷ sản Nam Việt Doãn Tới: "Sang Mỹ không khó, khó là đứng lâu dài ở Mỹ và để họ không kiện mình"

18/05/2019 08:57 AM | Kinh doanh

Chủ tịch Thuỷ sản Nam Việt (ANV) - ông Doãn Tới - khẳng định: "Qua Mỹ không khó, khó là khó bền vững ở Mỹ, đứng lâu dài ở Mỹ. Không phải qua rồi thù nửa năm kiện, cuối năm kiện; vấn đề là làm sao cho bền bững, cho nó không kiện mình. Bằng mọi giá quay lại thị trường Mỹ".

Phát biểu mở đầu ĐHĐCĐ thường niên chiều ngày 17/5/2019, ông Doãn Tới – Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (Navico, ANV) cho biết: "Rất lâu rồi Nam Việt mới lại tổ chức tại TpHCM. Qua chặng đường của Nam Việt, rút ra bài học của người từng trải qua. Trước thềm Đại hội, nhiều người phỏng vấn tôi dưới vai trò doanh nhân. Tôi đâu phải doanh nhân, tôi chỉ là anh bộ đội đi đánh lộn, tham gia chiến tranh biên giới năm 1977, và tôi cũng tốt nghiệp trường sỹ quan chính quy.

Cuộc đời không biết đâu mà lần, tôi chỉ đi đánh nhau chứ không nghĩ mình đi kinh doanh, tôi chỉ mong một điều là sống vẹn toàn bản thân mình, điều đó quá hạnh phúc rồi, nói gì chuyện giàu có. Cuộc đời luôn có thay đổi, ai cũng có lúc lên lúc xuống, lúc thịnh lúc suy nhưng cuối cùng vẫn cần hạnh phúc. Ngày mai chúng ta có có đi xin thì cũng phải cười, phải có ý chí vì cuộc đời luôn thay đổi".

Được biết, Nam Việt từng là vua cá tra một thời - đi trước hai "ông lớn" hiện nay là Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) – sau nhiều năm liền sa vào cơn bĩ cực tại khoản đầu tư DAP 2 – Vinachem (DAP Lào Cai) đã hồi sinh trở lại. Kể từ tháng 11/2017, sau khi bán dứt điểm được gánh nặng trên, cùng với tình hình thị trường cá tra khởi sắc, Nam Việt liên tiếp ghi nhận tăng trưởng.

Và, nói về chiến lược của Nam Việt, ông Tới cho biết Công ty tính về tương lai, nhưng không quên nhìn về quá khứ vì nếu không có quá khứ, hiện tại thì không có rương lai, "chúng ta có quá khứ huy hoàng, oanh liệt, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, cực kỳ nguy hiểm.

Lúc bắt đầu đi làm cá, nếu giai đoạn đầu có được hệ thống như bây giờ thì Nam Việt tôi không nghĩ được sẽ bay tới cỡ nào. Sau quá khứ, tôi bắt đầu có ý tưởng phục hồi năm 2011, năm 2012 triển khai với công tác đầu tiên là đi mua đất, tập trung mở rộng vùng nuôi. Kết quả, 2017 đã được kết quả tốt, và năm 2018 thì thành công hơn cả".

Bởi, ngành cá muốn làm thành công phải làm được 5 điều:

1. Thứ nhất là Giống, doanh nghiệp mà có hệ thống giống tốt cung cấp đầy đủ cho vùng nuôi thì là ưu thế số 1, hiện chỉ có Nam Việt làm được vì có diện tích rộng lớn. Bởi, nếu chỉ dừng lại ở mức diện tích 100ha cũng không làm được gì. Đi cùng với đó là phải có công nghệ và con người, những yếu tố theo ông Tới là cực kỳ quan trọng.

2. Thứ hai chính là cá nguyên liệu, hiện hầu hết các công ty làm cá phải đi mua cá nguyên liệu bên ngoài vì sản lượng tự làm không đủ để tự cung ứng. Phân tích sâu, ông Tới cho biết, nhu cầu thực tế rất lớn và rất phức tạp tùy theo từng khách hàng, đơn cử khách hàng Mỹ thì ăn khúc giữa (tức con cá có khối lượng từ 700gr, hoặc tầm 1-1,2kg), châu Âu thì ăn con cá có khối lượng ở phân khúc 800gr, Trung Quốc thì muốn cá lớn với khối lượng khoảng 1-1,2 kg…

Do đó, không ai đủ sức để cung ứng đủ nhu cầu này, vì phải cung cấp đầy đủ không chỉ về số lượng mà còn phải tùy theo từng size kích cỡ, phải phục vụ theo nhu cầu khách hàng. Và, Nam Việt nếu tập trung giải bài toán này thì sẽ tăng trưởng rất mạnh, ông Tới nhấn mạnh.

3. Thứ ba là nhà máy thức ăn, Chủ tịch Nam Việt cho rằng yếu tố này không khó, khi mà chỉ cần có diện tích đất, tiền, công nghệ thì làm được.

4. Thứ tư là nhà máy sản xuất, Nam Việt hiện có 4 nhà máy (tính cả sự hỗ trợ từ Đại Tây Dương). Tuy nhiên, cái khó là bài toán nhân sự. Nhân lực hiện đang đổ sang một số lĩnh vục khác, đặc biệt là nhóm ngành dệt may gia giày…

Để giải quyết, Nam Việt hiện đang ra chỉ tiêu áp dụng máy móc để giảm số lượng nhân sự một cách tối đa, đồng thời phát huy năng lực của một nhân viên tối đa để họ có lương tối đa. Cùng với đó, Công ty và nhà máy phải bảo đảm đơn hàng liên tục, bởi lúc không có nguyên liệu lúc thì lại có nhiều, ngành cá rất ngặt nghèo. Nếu không duy trì được đơn hàng, thì đời sống nhân công không cao.

5. Và điều cuối cùng chính là yếu tố khó nhất - Thị trường. Ông Tới khẳng định: "Qua Mỹ không khó, khó là khó bền vững ở Mỹ, đứng lâu dài ở Mỹ. Không phải qua rồi thù nửa năm kiện, cuối năm kiện; vấn đề là làm sao cho bền vững, cho nó không kiện mình. Bằng mọi giá quay lại thị trường Mỹ".

Vị này cũng nhấn mạnh, sản xuất nhiều mà không có đầu ra sẽ "tự chết", nên với chính sách của Nam Việt là mở rộng tất cả các thị trường, muốn vậy phải đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh. Qua đó, 5 điều trên phải liên kết với nhau thành 1 khối bao gồm giống đầu vào, sản lượng ra cao, năng suất cao, tỷ lệ sống tốt…

Về Nam Việt, năm 2019 Công ty dự kiến đạt khoảng 6.000 tỷ đồng doanh thu, ước tăng đến gần 46% so với doanh thu thực hiện năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2018, và dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Theo giải trình từ phía công ty, năm 2019 dự kiến đà phát triển của cá tra vẫn tốt, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cá tra đang duy trì mức cao khiến người nuôi trồng được lợi lớn.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM