Chủ tịch Thế Giới Di Động: "Nhiều người đang ăn hết của để dành và một số đã đến cả tình huống ai cho gì ăn nấy"

22/08/2021 09:04 AM | Kinh doanh

"Khả năng chi trả của người dân giảm không những trong năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023, 2024 tùy thuộc sự phục hồi của ngành sản xuất" - Ông Nguyễn Đức Tài nói.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến vào chiều ngày 20/8, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT công ty Đầu tư Thế Giới Di Động đã chia sẻ về tình hình kinh doanh của tập đoàn trong nửa cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, quý III và IV kết quả kinh doanh tập đoàn sẽ không tốt bằng quý I và II do đây là 2 quý chịu sự giãn cách và tình trạng đóng cửa trầm trọng, song xác suất quý III lỗ là rất thấp.

Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, nếu dịch kiểm soát một cách tương đối, hoạt động kinh doanh được diễn ra bình thường trong năm 2022 thì có thể chờ đợi tình hình kinh doanh phục hồi, nhưng vẫn khó bùng nổ như nhiều người ví von là một cái lò xo bị ép lại nếu mở ra sẽ bung lại.

"Ở đây không có cái lò xo nào bị ép lại cả, chỉ có thu nhập giảm, sức mua giảm. Khả năng chi trả của người dân giảm không những trong năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023, 2024 tùy thuộc sự phục hồi của ngành sản xuất. Nhiều người đang ăn hết của để dành và một số đã đến cả tình huống ai cho gì ăn nấy", lãnh đạo MWG phát biểu.

 Chủ tịch Thế Giới Di Động: Nhiều người đang ăn hết của để dành và một số đã đến cả tình huống ai cho gì ăn nấy - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Thế Giới Di Động.

Tại buổi gặp gỡ trực tuyến, ông Tài cũng nhắc đến đến chất lượng phục vụ của chuỗi Bách Hóa Xanh thời gian qua.

Ông Tài nhìn nhận, chất lượng phục vụ đi xuống chủ yếu do doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn chung của dịch bệnh, tập đoàn xác định mục tiêu cao nhất là cung cấp hàng hóa cho người dân, một khi tập trung cho sản lượng thì chất lượng phục vụ giảm là lẽ đương nhiên.

Chủ tịch MWG nói: "Trong tháng 7, khách hàng quá đông, nhân viên làm việc căng thẳng, mệt mỏi thì hệ quả tất yếu là chất lượng phục vụ giảm". Giải pháp của doanh nghiệp là thực hiện bán đúng giá, phục vụ tận tâm để thu hút khách hàng.

Về kế hoạch tương lai, ông Tài cho hay, tăng trưởng của Đầu tư Thế Giới Di Động sẽ vẫn phục thuộc vào chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) do thị phần chưa thực sự lớn đến mức chiếm lĩnh thị trường chuỗi Thế Giới Di Động/ Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX).

Theo đó, trong quý II, chuỗi BHX ghi nhận doanh thu trung bình mỗi cửa hàng hơn 1,3 tỷ đồng/tháng.

Tháng 7, chuỗi này là động lực tăng trưởng doanh thu cho tập đoàn khi mà gần 2.000 cửa hàng TGDĐ/ĐMX, chiếm 70% tổng số điểm bán trên toàn hệ thống phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng từ nửa cuối tháng.

Cụ thể, doanh thu chuỗi BHX đạt 4.240 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 44% tổng doanh thu tập đoàn (nửa đầu năm chỉ đóng góp 21,4% tổng doanh thu).

Với việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh, kết quả kinh doanh trong tháng 8 dự kiến thấp điểm. Nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh khó đạt được.

Tuy nhiên, ông Tài khẳng định Thế Giới Di Động sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo sẽ cố gắng để tổn thất ít hơn thị trường chung và chuẩn bị cho sự phục hồi. Nếu quý IV tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ nỗ lực để về đích kế hoạch năm.

Năm 2021, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận 71.986 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.784 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 12% và 18% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 59% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Để duy trì doanh thu trong khi phần lớn cửa hàng đang tạm đóng hoặc hạn chế hoạt động để phòng dịch, Thế Giới Di Động /Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) đã đẩy mạnh bán hàng ở mảng online, tập trung cho những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS).

 Chủ tịch Thế Giới Di Động: Nhiều người đang ăn hết của để dành và một số đã đến cả tình huống ai cho gì ăn nấy - Ảnh 2.

Cục quản lý thị trường kiểm tra giá cả tại Bách hóa Xanh.

Trước đó, vào hồi cuối tháng 6/2021, chuỗi BHX cũng đã có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm để chia sẻ khó khăn.

Sau đó, Thế Giới Di Động tiếp tục đề nghị được giảm 70-100% tiền thuê mặt bằng đối với các cửa hàng TGDĐ/ĐMX đang tạm đóng cửa cũng như hạn chế để phòng chống COVID-19. Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021.

Tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Bên cạnh đó, Thế Giới Di Động thời gian qua đã có điều chỉnh lương thưởng cho nhân viên, trong đó nhân viên từ cấp giám đốc trở lên tạm thời làm việc không hưởng lương. Công ty cũng bố trí lại nhân viên từ TGDĐ và ĐMX đến BHX nhằm tối ưu hóa năng suất của nhân viên cũng như đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu.

Để đảm bảo nhân lực đáp ứng kinh doanh mùa dịch, công ty này đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho nhân viên. Thời gian qua, khi nhu cầu đẩy lên ở mức cao trong khi nhân sự bị sụt giảm (một phần do giãn cách không thể đi làm, phần còn lại do thuộc nhóm F0) đã khiến chất lượng phục vụ tại BHX giảm sút.

Hải Yến

Cùng chuyên mục
XEM