Chủ tịch SSI: “Chiếm quyền kiểm soát DN không phải mục đích của đầu tư gián tiếp”

13/08/2018 09:11 AM | Kinh doanh

Người đứng đầu CTCK lớn nhất Việt Nam cho rằng, việc chiếm quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư gián tiếp chỉ là chuyện bất đắc dĩ khi chủ công ty không còn phù hợp.

Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) đã có chia sẻ về hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, sau khi những mâu thuẫn trong thương vụ Vina Capital và Ba Huân chấm dứt bằng việc dừng đầu tư của quỹ.

Chủ tịch SSI: “Chiếm quyền kiểm soát DN không phải mục đích của đầu tư gián tiếp” - Ảnh 1.

Ông Hưng đã nêu ra định nghĩa của hai trường phái đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, đầu tư trực tiếp là một người hay nhóm người bỏ vốn thành lập doanh nghiệp, trực tiếp quản trị và điều hành công ty; khi cần mở rộng quy mô sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khác góp vốn. Đây là nhóm cổ đông chủ doanh nghiệp, hoàn toàn chủ động các hoạt động của công ty phù hợp với luật pháp và điều lệ công ty.

Với đầu tư gián tiếp, (hình thức này thường là các nhà đầu tư tài chính) nhà đầu tư góp tiền vào những công ty đang hoạt động hoặc thậm chí mới chỉ là những ý tưởng (Startup), nhà đầu tư chỉ có thể tham gia quản trị và điều hành hoạt động công ty gián tiếp thông qua bộ máy do chủ doanh nghiệp trực tiếp điều hành. Do vậy, nhà đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào chủ doanh nghiệp, từ việc tuân thủ các cam kết, độ minh bạch, chấp hành pháp luật, mâu thuẫn quyền lợi thậm chí cả sức khoẻ, tuổi tác hay tình trạng hôn nhân... của chủ doanh nghiệp. Cho nên họ phải đặt ra rất nhiều các điều kiện khi ký hợp đồng đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro khi chủ doanh nghiệp cố tình làm sai các cam kết ban đầu, dù khi hoàn tất góp vốn vào công ty thì họ cũng đã trở thành đồng chủ sở hữu.

Ông Hưng cho biết, hiện nay ông đang đầu tư trực tiếp vào SSI và tập đoàn PAN... những tập đoàn do ông trực tiếp điều hành đang nhận vốn đầu tư gián tiếp của rất nhiều nhà đầu tư, bao gồm những tổ chức tài chính quốc tế lớn như : IFC của Ngân hàng thế giới, GIC của chính phủ Singapore, Daiwa của Nhật Bản... Các tổ chức càng lớn, càng chuyên nghiệp thì các điều khoản hợp đồng đầu tư càng chặt chẽ, các điều kiện ràng buộc chủ doanh nghiệp càng khắt khe. Nhưng tất cả các ràng buộc này chỉ nhằm mục đích chế tài chủ doanh nghiệp thực hiện những cam kết với nhà đầu tư trong quá trình đàm phán.

Chủ tịch SSI: “Chiếm quyền kiểm soát DN không phải mục đích của đầu tư gián tiếp” - Ảnh 2.

Cá nhân ông Hưng và SSI cũng đang là nhà đầu tư gián tiếp, hiện rót vốn vào hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau. Người đứng đầu SSI cho rằng, hơn ai hết ông và công ty hiểu những rủi ro của đầu tư gián tiếp, rủi ro khó kiểm soát nhưng hấp dẫn. Nhà đầu tư tài chính luôn có khả năng nhìn thấy tiềm năng tương lai của các doanh nghiệp mà họ chấp nhận đầu tư, họ luôn kỳ vọng vào hiệu quả cao hơn nhiều so với chi phí vốn vay ngân hàng nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Mặt khác, chủ của mỗi doanh nghiệp cần cân nhắc quyết định sử dụng vốn vay hay gọi vốn từ quỹ để hiệu quả nhất cho mình và cho công ty. Khi đã quyết thì phải thực kiện cam kết.

Theo quan điểm của người đứng đầu SSI, chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư tài chính rất đa dạng. Có những đơn vị, nhà đầu tư khi thành cổ đông không hài lòng, cũng có những doanh nghiệp mục tiêu là làm sao để lấy được tiền của nhà đầu tư, nhận tiền từ nhà đầu tư xong thì không màng đến lợi ích cổ đông, và cũng có những công ty khi nhận tiền đầu tư xong mới kịp nhận ra mình đã sai khi chọn giải pháp này hay sai khi chọn nhầm nhà đầu tư không thể đồng hành lâu dài, và thực sự cũng có những nhà đầu tư luôn là khởi nguồn cho các mâu thuẫn...

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, phần lớn các hợp tác đều là cả hai bên cùng có lợi, và trong mối quan hệ này chủ doanh nghiệp thường là bên cầm đằng chuôi, phần lưỡi thường là phía nhà đầu tư gián tiếp!

Doanh nghiệp giống như đoàn tàu, chủ doanh nghiệp là người lái tàu kiêm chủ tàu, nhà đầu tư gián tiếp mua một phần đoàn tàu trở thành đồng chủ sở hữu với những cam kết mục tiêu chạy tàu và khai thác tàu của chủ tàu lúc đàm phán.

“Việc chiếm quyền lái tàu không bao giờ là mục tiêu của đầu tư gián tiếp mà chỉ là chuyện cực chẳng đã khi người lái tàu không còn phù hợp và đấy sẽ là một phi vụ đầu tư thất bại vì đâu có dễ kiếm được người thay thế trong một tổ chức vốn thế mạnh là đầu tư gián tiếp”, ông Hưng chia sẻ.

Trong câu chuyện của VinaCapital và Ba Huân,VinaCapital đã thống nhất ký kết thỏa thuận chấm dứt việc đầu tư với công ty Ba Huân và bắt đầu chuẩn bị các tài liệu cho các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm hoàn tất thỏa thuận này trong thời gian sớm nhất trên cơ sở tôn trọng pháp luật và hài hòa lợi ích. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc Ba Huân gửi đơn lên Thủ tướng sẽ tạo tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư trong nước bởi nếu hai bên không đồng thuận trong hoạt động kinh doanh cần phải giải quyết theo luật pháp. Bài học của Ba Huân cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt khi ra biển lớn, khi tăng vọt về quy mô nhưng quy trình quản trị, sự chuyên nghiệp trong cấu trúc tổ chức công ty không theo kịp chẳng khác gì bơi thuyền thúng ra biển khơi!.

Theo Lê Hải

Cùng chuyên mục
XEM