Chủ tịch Retail & Franchise Asia – Nguyễn Phi Vân: Nếu không tái định nghĩa mô hình kinh doanh của mình ngày hôm nay, chúng ta sẽ không có ngày mai

04/10/2019 15:02 PM | Kinh doanh

Với chị Nguyễn Phi Vân, mỗi ngày tốt lên một chút là không đủ, bởi thế giới ngoài kia đang biến động quá nhanh. Thế nên, để không tụt hậu trong ngày mai, ngay bây giờ, ở thời điểm này, chúng ta phải ngồi xem xét lại mô hình kinh doanh của mình, xem có thể áp dụng công nghệ, ví dụ như AR và VR vào nó như thế nào.

Có thể nói, chị Nguyễn Phi Vân là một trong những nữ lãnh đạo doanh nghiệp có cá tính khác biệt nhất tại khu vực miền Nam. Như trong Diễn đàn "Cùng tiến tới doanh nghiệp của tương lai" do Hội Nữ doanh nhân TP. HCM tổ chức, chị tiết lộ, do lo sợ bản thân quá tụt hậu với thời cuộc, chị đã bỏ việc quản lý chuỗi ở vài chục quốc gia cùng doanh thu mang về cho công ty khoảng 400 triệu USD/năm, để làm thực tập sinh cho 1 công ty công nghệ trong 1 năm.

Hiện tại, vị Chủ tịch Retail & Franchise Asia kiêm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub này không những rành rẽ các loại công nghệ mới mà còn trở thành cố vấn và nhà đầu tư của không ít startup trong lĩnh vực công nghệ ở khắp khu vực Đông Nam Á.

"Tôi vừa đầu tư cho một bạn khởi nghiệp ở Singapore, mô hình kinh doanh của bạn trẻ hai mươi mấy tuổi là dùng VR để dạy võ. Khi tôi đeo các thiết bị VR mà bạn trẻ đó đưa, tôi được máy chỉ dạy từng chi tiết như tay đấm với lực như thế nào, chân đá cao bao nhiêu… Không những thế, thông qua hệ thống của startup này, mọi người trên khắp thế giới có thể thi đấu với nhau và sau đó có thể tổ chức trên đó giải X-sport thi đấu online toàn cầu.

Ở Việt Nam chúng ta, các doanh nghiệp SMEs thiếu rất nhiều thứ, từ tiền, nhân sự, thiếu khả năng phát triển thị trường… và chúng ta thường điều hành doanh nghiệp theo kiểu, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó, khi giỏi đến mức nào đó công ty sẽ phát triển rất nhanh.

Nhưng với những gì tôi nhìn thấy mỗi ngày, những cách người ta áp dụng công nghệ vào kinh doanh – cuộc sống, tôi nghĩ đã đến lúc các chủ doanh nghiệp Việt nên từ bỏ kiểu ‘mỗi ngày tốt lên một chút’, mà nên ngồi xuống định nghĩa lại mô hình kinh doanh của mình ngày hôm nay, nếu không chúng ta sẽ không có ngày mai", chị Nguyễn Phi Vân đề nghị.

Chủ tịch Retail & Franchise Asia – Nguyễn Phi Vân: Nếu không tái định nghĩa mô hình kinh doanh của mình ngày hôm nay, chúng ta sẽ không có ngày mai - Ảnh 1.

VR và AR là 2 công nghệ đang được áp dụng rất nhiều vào đời sống - kinh doanh.

Vậy mô hình kinh doanh trong tương lai của chúng ta sẽ liên quan đến những thứ cơ bản nào?

Đầu tiên là phải gắn liền với internet, vì hiện tại có tới 4 tỷ người trên thế giới đang sử dụng internet, chúng ta phải làm thương hiệu – bán hàng – làm marketing – tuyển dụng nhân sự trên đó. Chúng ta không thể chỉ mang kẹo chuối ra chợ bán, mà phải làm thêm các gian hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử trong nước và cả xuyên quốc gia. Với các startup, để được có mặt trên kệ hàng ở các siêu thị rất khó, nhưng để lên kệ hàng online rất dễ. Chúng ta cũng có thể xây dựng lực lượng khách hàng trung thành trên đó.

Thứ hai chính là số hóa theo 5 xu hướng dưới đây để tái định nghĩa lại mô hình kinh doanh của bản thân.

Xu hướng số 1: sự cân bằng trong thế giới số. Hiện tại, trên thế giới có không ít người đang bị nghiện internet và mạng xã hội, chị nói vui là "có không ít bà vợ, việc đầu tiên khi mở mắt, không phải là rờ ông chồng của mình mà rờ chiếc điện thoại". Theo thống kê, hiện có khoảng 300 triệu người trên thế giới bị "điên" hoặc nói nôm na là sức khỏe tinh thần không tốt do quá nghiện điện thoại và mạng xã hội. Nếu startup nào có sản phẩm/dịch vụ giúp người tiêu dùng cân bằng giữa việc dùng thời gian cho thế giới ảo và thế giới thực, thì sẽ rất tiềm năng.

Xu hướng 2: mô hình kinh doanh tự động hóa, thay vì trước đây sử dụng 10 nhân công, bây giờ nhờ máy móc và công nghệ, chúng ta chỉ cần sử dụng 2 nhân công.

Xu hướng 3: giọng nói của thương hiệu.

"Tôi vừa đầu tư vào một công ty startup sử dụng công nghệ chính là AI ở Malaysia và tôi gần như trầm cảm một ngày sau khi nghe bạn đó trình bày về cách sử dụng AI để tạo nên mô hình kinh doanh của mình.

Càng ngày, các chatbot càng hiểu mình rõ hơn, do nhiều thứ thầm kín đôi khi mình không dám nói với chồng hoặc bạn bè, song sẵn sàng chia sẻ với nó. Rồi đến một ngày, sau khi mình than buồn, chatbot sẽ hỏi ‘ê, mày đi xem phim không’, rồi nó sẽ đề nghị nên xem phim gì và rạp nào. Lúc đó, tức là việc kinh doanh đã len lỏi vào đời sống cá nhân của con người.

Mặc dù nghe thì có vẻ đáng sợ, nhưng chúng ta phải nghĩ thêm ở khía cạnh khác, lúc đó sản phẩm/dịch vụ của mình có tiếp cận được khách hàng qua giọng nói của chatbot không?", chị Nguyễn Phi Vân miêu tả viễn cảnh trong tương lai gần.

Chủ tịch Retail & Franchise Asia – Nguyễn Phi Vân: Nếu không tái định nghĩa mô hình kinh doanh của mình ngày hôm nay, chúng ta sẽ không có ngày mai - Ảnh 2.

Trong tương lai gần, nhưng chiến loa nhỏ xinh tích hợp chatbot như thế này có thể thay app làm 'bá chủ thế giới'.

Thiết bị giọng nói mà công ty startup Malaysia kể trên phát triển sẽ nhanh chóng xuất hiện tại Việt Nam và Indonesia trong tương lai gần. Chẳng mấy chốc nữa, chatbot sẽ được tích hợp trong những chiếc loa nhỏ xinh, để trong phòng người dùng và nó sẽ theo người đó đi làm, đến trường, trên xe bus hay ô tô; ngoài tâm sự to nhỏ, nó còn có thể đưa ra những lời khuyên và giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh của cá nhân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Lúc đó, app chính là quá khứ, giọng nói – voice là tương lai.

Xu hướng 4: trải nghiệm khách hàng. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ không bán sản phẩm/dịch vụ mà bán trải nghiệm cho khách hàng. Ví dụ, bạn vào một nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ bất kỳ, bạn sẽ được dùng VR hoặc AR để tìm hiểu văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ hay cách người Thổ trồng các loại thực phẩm đang nằm trên đĩa của mình, cách những món ăn được nấu nướng và trình bày.

Hoặc nữa, nếu bạn bán trà thảo mộc, bạn phải cho khách hàng thấy, trà của bạn được trồng ở đâu, chăm sóc và thu hái như thế nào, quá trình sao trà độc đáo ra sao, phải vận chuyển như thế nào để đảm bảo hương vị… Chị Nguyễn Phi Vân thú nhận, mỗi khi đi Hàng Châu – Trung Quốc, chị thích nhất là ngồi xem người dân ở đó sao trà, sau khi trải nghiệm trong việc đó, chị thấy chén trà mình uống ngon hơn hẳn trước kia!

Khi một khách hàng đến cửa hàng của chúng ta, chúng ta phải ngay lập tức nhận diện họ là ai thông qua các camera có trong cửa hàng, sau khi nhận diện được họ, sẽ có rất nhiều thông tin về họ đổ về, căn cứ trên những thông tin đó, chúng ta sẽ đưa cho khách hàng những trải nghiệm về sản phẩm theo sở thích, nhu cầu, giới tính… của họ.

Xu hướng 5: siêu app. Wechat là một ví dụ tiêu biểu, với người dân Trung Quốc, có Wechat là có tất cả! Wechat có thể phục vụ tất cả nhu cầu của người dân Trung Quốc, từ làm việc, nghỉ ngơi cho đến ăn uống, chơi bời. Hiện Wechat có 1 tỷ người dùng. Tương tự, ở Indonesia là Go-Jek, Thái Lan là Line.

"Tôi thường nhận được rất nhiều câu hỏi kiểu như: chị Vân ơi, em muốn làm chuỗi cà phê, chuỗi nhà hàng, công ty may mặc, công ty trò chơi….

Trước khi muốn làm cái gì đó, chúng ta phải đưa ra những câu hỏi để tái tư duy về mô hình kinh doanh. Tại sao chúng ta lại làm những mô hình kinh doanh mà ông bà ta đã làm mấy trăm năm nay? Nếu mô hình quá cà phê trở nên tự động hóa hoàn toàn thì sao? Nếu nhà may truyền thống dời lên đám mây thì sao? Nếu nhà hàng thật biến thành nhà hàng ảo thì sao? Nếu spa làm đẹp được số hóa thì sao?...

Thật ra, không phải là giả thiết, mà tất cả những mô hình mà tôi nêu ở ngay phía trên đã xuất hiện ở đâu đó trên thế giới", Chủ tịch Retail & Franchise Asia kết luận.

Thế nên, chúng ta phải ra ngoài kia tìm kiếm các mối quan hệ nhiều hơn, tiếp cận và học hỏi nhiều hơn về công nghệ để vững bước vào tương lai, để có thể lướt sóng với những công nghệ mới. Thay đổi đột phá của doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ cá nhân mỗi người!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM