Chủ tịch KIM Việt Nam: Chúng tôi nhìn thấy hình bóng "kỳ tích sông Hàn" và đặt cược vào những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam, dòng vốn ngoại vào Việt Nam trong những năm tới chủ yếu sẽ đến từ khu vực Châu Á và kỳ vọng nguồn vốn Hàn Quốc sẽ đóng vai trò mạnh mẽ, đặc biệt thông qua các quỹ ETF.
Năm 2022 chứng kiến những biến động khó lường của thị trường chứng khoán. Dù trải qua không ít thách thức nhưng thị trường vẫn ghi nhận những điểm sáng tích cực, trong đó phải kể tới việc khối ngoại trở lại mua ròng hơn 29.000 tỷ đồng.
Không chỉ góp phần giúp thị trường ổn định hơn, việc khối ngoại mua ròng mạnh thời gian qua còn cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023, ông Yun Hang Jin - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam đã có những chia sẻ quan điểm về thị trường chứng khoán cũng như xu hướng dòng vốn ngoại tại Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua năm 2022 đầy biến động và đối với ông, khoảnh khắc nào đáng nhớ nhất?
Chắc không có hình ảnh nào để mô tả cảm xúc của tôi và nhiều nhà đầu tư chứng khoán như hình ảnh của trò roller-coaster (tàu lượn). Chúng ta đã tràn ngập sự lạc quan và vui sướng vào đầu năm 2022, khi chỉ số VN-Index đạt mức 1.500. Sau đó là cảm giác bi quan và chán nản cùng cực với chuỗi giảm điểm dài như giai đoạn tháng 4, 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy vậy khi nhìn lại, chúng ta thấy rằng thị trường chứng khoán vẫn luôn khó đoán, chính điều đó đã tạo nên vẻ đẹp của thị trường. Còn một khoảnh khắc đáng nhớ nhất thì tôi xin chia sẻ khoảnh khắc cá nhân khi được gõ cồng cho phiên giao dịch đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cho Quỹ ETF KIM Growth VN30.
Dù được đánh giá tiềm năng hàng đầu khu vực nhưng thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 lại giảm khá mạnh. Ông đánh giá sao về điều này?
Rất đáng tiếc khi Việt Nam là một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới trong năm 2022 dù các chỉ số vĩ mô của đất nước như GDP, lạm phát, tỷ giá…vẫn ghi nhận rất nhiều dấu hiệu tích cực. Sự điều chỉnh này đến từ nhiều nguyên nhân:
Những nguyên nhân đến từ thế giới: Mặt bằng lãi suất toàn cầu được điều chỉnh tăng, bất ổn địa chính trị đến từ xung đột Nga và Ukraina hay chính sách zero Covid tại Trung Quốc…
Nguyên nhân từ nội tại: Sự đóng băng của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng nặng nề sau biến cố tại Tân Hoàng Minh và Ngân hàng SCB…
Dù sao chăng nữa, chúng ta cũng phải nhìn nhận Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi, được dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân. Họ chính là những người dễ bị tổn thương nhất trong một năm biến động như 2022.
Sau một năm 2022 đầy biến động và mức định giá đã dần trở nên hợp lý, liệu thị trường chứng khoán năm 2023 còn nhiều sóng gió?
Tôi dành thời gian này trong năm để xem các báo cáo chiến lược của nhiều tổ chức, quan điểm của họ đều khá thận trọng. Tâm lý này cũng dễ hiểu sau một năm 2022 quá nhiều bất ngờ. Nhiều vấn đề của năm 2022 như trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh…đang bỏ ngỏ và sẽ tiềm ẩn những "sóng gió" trong năm nay. Tuy vậy, tôi lại lạc quan và cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội trong năm nay đặc biệt cho việc đầu tư dài hạn.
Nhiều tổ chức đã đưa ra dự báo thận trọng cho năm 2023, KIM Việt Nam có chiến lược gì để sẵn sàng đón nhận những thách thức trong năm mới?
Chúng tôi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ 2006 và đã trải qua nhiều chu kỳ thị trường nên chúng tôi tự tin và bình thản đón nhận những thách thức. Chúng tôi không thay đổi triết lý đầu tư và cách tiếp cận chỉ vì khó khăn nhất thời. Bên cạnh đó, chúng tôi có đẩy mạnh trao đổi thông tin với khách hàng, để họ thấy được các triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân. Các hoạt động marketing và quảng bá Việt Nam cũng đang được thực hiện rốt ráo tại Hàn Quốc và một số thị trường mục tiêu.
Ông dự báo như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023?
Năm 2023 tôi thấy có nhiều yếu tố vĩ mô mà những nhà đầu tư chứng khoán cần quan sát như: Cách điều hành của FED, liệu lãi suất có chạm trần và điều chỉnh giảm dần trong quý 1 hay quý 2 không(?) Tiến độ mở cửa của Trung Quốc và tác động của việc này đối với Việt Nam. Những căng thẳng tại eo biển Đài Loan sẽ ra sao(?) Trong nước, tôi đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn năm 2023 là rất lớn và có vẻ giải pháp cho vấn đề này vẫn đang được bàn bạc.
Quay lại thị trường chứng khoán, tôi mới nghe nhiều tin vui về hệ thống giao dịch mới có thể sẽ được ra mắt sớm. Hệ thống giao dịch mới có thể sẽ tạo tiền đề cho việc nâng hạng thị trường trong năm 2025. Nếu như vậy, đây có thể là một thời điểm tuyệt vời cho việc đầu tư dài hạn.
Ông đánh giá ra sao về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam? Yếu tố nào theo ông sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam những năm tới?
Như tôi nhiều lần chia sẻ, Korea Investment Management đặt tiềm tin mạnh mẽ và tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy hình bóng của kỳ tích sông Hàn tại nhiều thành phố của Việt Nam và đặt cược vào những doanh nghiệp hàng đầu của các bạn.Trong tháng 11 vừa qua, Lãnh đạo cấp cao của Korea Investment Holding và Korea Investment Management (công ty mẹ của KIM Việt Nam) đã đến thăm Việt Nam để cập nhật tình hình và phác thảo chiến lược kinh doanh. Ông Bae Jae-Kyu, Tổng giám đốc Korea Investment Management, đã rất ấn tượng với sự sôi động và tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh, ông ghi nhận đây là một không khí khác biệt so với những quốc gia mà ông công tác.
Đà tăng trưởng của đất nước Việt Nam nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng chắc chắn phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp Việt Nam cả niêm yết và chưa niêm yết. Sự chăm chỉ và sáng tạo của họ sẽ là động lực dài hạn và chính là điểm hấp dẫn đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tôi cũng chờ đợi những cải cách mạnh mẽ hơn trong khuôn khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán như hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán trung tâm, các sản phẩm mới. Những yếu tố này cần tiệm cận nhanh hơn tới những tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Chứng khoán và thị trường chứng khoán là những ngành cũ (old business); do đó cũng không cần sáng tạo gì mới mẻ đâu. Tôi mong cơ quan quản lý Việt Nam hãy tìm những tiêu chuẩn tốt, được chấp nhận rộng rãi và áp dụng vào thị trường một cách quyết đoán.
Xu hướng mua ròng của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh thời gian gần đây. Trên quan điểm là tổ chức nước ngoài hàng đầu Việt Nam, ông đánh giá sao về dòng vốn ngoại này và liệu xu hướng mua của khối ngoại có còn tiếp diễn?
Dòng vốn ngoại Việt Nam trong năm nay và một số năm tới tôi nghĩ vẫn sẽ đến chủ yếu từ khu vực Châu Á. Trong những năm qua, nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc)… đều được cung cấp thông tin khá đầy đủ về kinh tế Việt Nam và họ lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán. Đồng thời sự tương đồng về văn hóa và khoảng cách địa lý gần gũi cũng góp vốn thúc đẩy động cơ của nhà đầu tư. Hiện Korea Investment Management, công ty mẹ của KIM Việt Nam, cũng đang triển khai một chiến dịch marketing có tên "Revisit Vietanm" (Thăm lại Việt Nam) với nhiều hoạt động trẻ trung, sôi nổi phù hợp với nhà đầu tư trẻ của Hàn Quốc. Tôi mong vai trò của nguồn vốn Hàn Quốc sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2023, đặc biệt là thông qua các quỹ ETF.
Dòng vốn ngoại thời gian qua có đóng góp lớn từ các quỹ ETF. Theo ông, "trend" ETF sẽ phát triển như thế nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
ETF là một global trend (xu hướng toàn cầu), không phải chỉ riêng tại Việt Nam và đây sẽ là trend dài hạn. Dòng tiền mạnh mẽ từ các quỹ ETF ngoại giai đoạn cuối năm 2022 đến nay là rất đáng mừng và chứng minh thị trường Việt Nam đang ở mức định giá hấp dẫn. Tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều ETF ngoại với mục tiêu đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới khi chúng ta hiện thực hóa được mục tiêu nâng hạng. Còn với ETF nội địa, sự cạnh tranh của các công ty trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ rất khốc liệt thể hiện ở hai khía cạnh: (1) năng lực phát triển chỉ số và vận hành, (2) năng lực huy động vốn.
Hiện nay Luật Việt Nam đang giới hạn Sở giao dịch Chứng khoán là đơn vị duy nhất được xây dựng chỉ số. Tôi nghĩ đã đến lúc có cái nhìn cởi mở hơn đối với vấn đề này và cho phép những tổ chức tư nhân tham gia vào quá trình kiến tạo chỉ số. Điều này sẽ tạo nên nhiều chỉ số tốt, có tính đại diện và phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư quốc tế.
KIM có chiến lược đầu tư tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Bên cạnh các quỹ nước ngoài (offshore) đang được quản lý, trọng tâm trong tương lai của KIM Việt Nam chính là các sản phẩm ETF nội địa. Ngay trong năm 2022, chúng tôi đã ra mắt 02 quỹ là KIM Growth VN30 và KIM Growth FinSelect. Dù là người đến muộn trong lĩnh vực này nhưng tôi rất tự tin và lạc quan với chiễn lược ETF của mình. Chúng tôi phần nào nhận được sự hỗ trợ lớn từ công ty mẹ trên cả hai khía cạnh tôi nêu trên là việc kiến tạo-vận hành chỉ số và huy động vốn. Tại Hàn Quốc, với thương hiệu KINDEX, Korea Investment Management đang quản lý 57 quỹ ETF với quy mô tính đến tháng 06/2021 là 2,6 tỷ USD, đứng thứ 5 tại Hàn Quốc.
Là tổ chức lớn và lâu năm tại Việt Nam, vì sao KIM có ít sản phẩm cho nhà đầu tư cá nhân? Liệu KIM có muốn cải thiện điều này trong thời gian tới?
Đúng là chúng tôi đã hiện diện tại Việt Nam từ 2006 nhưng phải đến cuối năm 2020 chúng tôi mới chính thức là công ty quản lý quỹ được cấp phép tại Việt Nam. Việc có một pháp nhân chính thức cho phép chúng tôi phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư cho nhà đầu tư Việt Nam và KIM Growth VN30, KIM Growth FinSelect là sản phẩm chào hàng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để có thêm nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng hơn nữa cho thị trường Việt Nam.