Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM: Nếu các tỉnh vẫn giữ tư tưởng ‘cát cứ địa phương’ không cho xe lưu thông, chúng ta có thể mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại

13/10/2021 13:51 PM | Kinh doanh

Trong vài tháng qua, không ít gia đình tại TP.HCM ra siêu thị chỉ mua được miến Thái Lan, do hàng Việt khan hiếm. Và theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm (FFA) TP.HCM - Lý Kim Chi, sắp tới, nếu các tỉnh vẫn cứ giữ tư tưởng ‘cát cứ địa phương’ khiến chuỗi logistics tiếp tục đứt gãy và các DN không thể thuận lợi sản xuất, chúng ta sẽ mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM

Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch FFA TP.HCM, trong 4 tháng vừa qua, các doanh nghiệp trong hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm tại TP.HCM rơi vào tình trạng suy kiệt, nhiều lao động của họ nhiễm bệnh. Chỉ có vài đại gia có quỹ dự phòng thì vẫn còn ổn, còn 90% SMEs còn lại ‘chỗ nào cũng thấy không ổn’.

"Sau khi Chính phủ có lệnh tạm thời ngừng lock-down và dần ‘mở cửa’ nền kinh tế cửa trở lại, hầu hết các doanh nghiệp trong hội đã tái khởi động ngay, vì sợ khách hàng sẽ quên mình nếu mình tiếp tục vắng mặt trên thị trường.

Trong thời gian qua, có giai đoạn tôi ra siêu thị mua bún miến thì chỉ còn hàng Thái chứ không có hàng Việt, do nhiều doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm phải đóng cửa vì không đủ điều kiện tổ chức 3 tại chỗ, mặc dù họ được nhà nước ưu ái cho phép tiếp hoạt động, bởi thuộc ngành ‘thiết yếu’", bà Lý Kim Chi cho biết trong Tọa đàm gần đây cho BSA tổ chức.

Có thể nói, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất – chế biến lương thực đang mở cửa hàng loạt. Điều này không lạ, vì trong 20 năm qua, ngành này luôn được tiếng giàu ý chí, nghị lực, sức sáng tạo nhất nhì trên thương trường Việt. Họ không mấy khi chùn bước trước khó khăn.

Về mảng chế biến sản xuất xuất khẩu: trước giờ, đơn hàng từ nước ngoài lúc nào cũng có, chỉ sợ thiếu nhân công để sản xuất cũng như container để vận chuyển hàng đến nước nhập khẩu. Hiện tại, đơn hàng xuất khẩu mà các doanh nghiệp trong Hội nhận được chỉ có tăng chứ không giảm.

Về nhóm doanh nghiệp chế biến rau củ: tất cả đang tái khởi động một cách thận trọng; bởi chi phí logistic và container đang lên cao, tổng doanh thu không bù được chi phí sản xuất – vận chuyển – bán hàng. Hiện có khoảng 60% đến 70% doanh nghiệp của Hội đang phục vụ nhu cầu trong nước.

Chủ tịch FFA TP.HCM: Nếu các tỉnh vẫn giữ tư tưởng ‘cát cứ địa phương’ không cho xe lưu thông, chúng ta có thể mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại - Ảnh 1.

Rất nhiều loại bún miến có xuất xứ từ Thái Lan được bán đầy rẫy trên kênh online.

"Ở thị trường trong nước, chính sách giữa các tỉnh hiện không đồng nhất - có tỉnh đóng cửa có tỉnh mở cửa, khiến hàng hóa không lưu thông được, chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục bị đứt gãy. Phải khi không có sự ngăn cách giữa các địa phương thì các doanh nghiệp mới ổn định sản xuất.

Như thời gian vừa qua, trên TP.HCM, mua vài cọng hành tốn mấy chục ngàn, trong khi tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nguyên một cánh đồng hành mà không thể mang đi bán. Hay ngược lại, Nếu các tỉnh vẫn cứ giữ tư tưởng ‘cát cứ địa phương’ không cho xe lưu thông, thì các SMEs sẽ thể yên tâm quay lại sản xuất, hàng hóa tiếp tục khan hiếm như lúc lock-down chặt chẽ.

Theo đó, hàng hóa nước ngoài sẽ ào ạt nhập vào, từ gói mì miến cho đến thịt lợn, khiến người dân quen dần với việc xài hàng hóa từ Thái Lan hay Indonesia; và chúng ta sẽ dần mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại", bà Lý Kim Chi cảnh báo.

Ngoài đứt gãy logistic, các doanh nghiệp còn nỗi lo khác khi quay lại sản xuất: sự lây lan của dịch bệnh, kiểu ‘vừa làm vừa run’.

Theo bà Chi, mặc dù hầu hết lao động và người dân trên 18 tuổi tại TP.HCM đã được chích 2 mũi vaccine, nhưng các doanh chủ không tự tin điều đó sẽ giúp nhân công của họ không bị lây virus Corona. Hay nếu có tiếp tục sản xuất ‘3 tại chỗ’, ai dám bảo đảm công nhân sẽ tuân thủ 100% cam kết không tiếp xúc hoặc nhận đồ từ bên ngoài?! Vừa rồi, có doanh nghiệp thủy sản nọ ở tỉnh có hơn 100 ca dương tính khi tổ chức ‘3 tại chỗ’.

Ai cũng run rẩy với việc vừa sản xuất vừa chống dịch!

"Trước đây, với chủ trương ‘zero F0’, hễ nhà máy hoặc phân xưởng có 1 ca dương tính, thì ngay lập tức phải đóng cửa ngồi chờ chính quyền địa phương đến giải quyết. Mà các cán bộ địa phương, vui thì xuống xử lý ngay, không thì bảo ‘đang đi chống dịch’ và cả công ty phải ngồi chờ.

Bây giờ, với chủ trương mới ‘sống chung với dịch’, nếu nhà máy/phân xưởng có công nhân dương tính, sẽ được gom vào một chỗ, sau khi khử trùng toàn bộ, lại được mở ra sản xuất lại. Sự thay đổi này là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp", bà Lý Kim Chi bày tỏ.

Bên cạnh đó, thì tài chính, thị trường và nguồn nhân lực cũng là những mối bận tâm khác của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Nhiều doanh nghiệp trong Hội gặp khó về tài chính, về dòng tiền, trong khi vừa dịch bệnh vừa rất nhiều người sống ở TP.HCM đã ‘hồi hương’ sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng của thành phố giảm, lực lượng lao động cũng giảm theo.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM