Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giãi bày lí do lần đầu tiên sau 16 năm lên sàn chứng khoán không trả cổ tức

31/03/2023 13:55 PM | Kinh doanh

Sau 3 năm liên tiếp trả cổ tức 5% bằng tiền mặt cho các cổ đông, năm nay Hòa Phát giữ lại toàn bộ lợi nhuận để đầu tư cho hoạt động kinh doanh mà không chia cổ tức.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giãi bày lí do lần đầu tiên sau 16 năm lên sàn chứng khoán không trả cổ tức - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Sáng 30/3, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023).

Ngay đầu buổi họp, Chủ tịch Trần Đình Long thông báo chính thức về việc sẽ không chia cổ tức năm 2022. Thông tin này đã khiến các cổ đông vô cùng sửng sốt vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử cổ đông tập đoàn Hòa Phát không chia cổ tức.

Thông tin này là bất thường cho cổ đông khi doanh nghiệp này luôn có truyền thống chia cổ tức bằng tiền mặt 3 năm qua, cùng với tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu rất cao. Kể cả năm ngoái, khi Hòa Phát dồn lực vào cho các dự án, tập đoàn này vẫn chia cổ tức tiền mặt 5%.

Tuy nhiên để trấn an các cổ đông, ông Long cho biết: “Năm 2022 ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán như đã nói tại ĐHCĐ năm ngoái và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán của mình”. Có thể kể đến 4 nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này của Hòa Phát:

Thứ nhất là tình hình đóng băng của bất động sản dẫn đến sự sụt giảm về tiêu thụ giá bán thép xây dựng. Tiêu thụ thép của toàn thị trường Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng chỉ đạt cao nhất trong quý 1 và giảm đi trong 3 quý sau.

Theo Báo cáo, quý I/2022 bất động sản Việt Nam có vẻ khởi sắc và vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể. Tuy nhiên, từ giữa và cuối năm, thị trường đất bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải nhấn nút “tạm dừng”. Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.

Theo khảo sát thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”. Điều này chính là ảnh hưởng đầu tiên dẫn đến sự sụt giảm về tiêu thụ giá bán thép xây dựng.

Thứ hai là giá nguyên vật liệu đầu vào leo dốc (quặng sắt, than cốc, thép phế) cộng hưởng với nhu cầu suy yếu khiến giá vốn hàng bán chịu nhiều áp lực.

Giá quặng sắt, than cốc tăng lần lượt 23% và 15% . Trong đó giá luyện than cốc cao lên gấp 3 lần thông thường vào tháng 3 và tháng 5/2022, duy trì mức cao hơn 1,5 lần năm 2021 cho đến hết năm, nguyên nhân là do việc khai thác than cốc tại Úc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, khiến thời gian xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU bị lùi lại. Yếu tố này cùng với việc giá bán giảm do cầu yếu đã kéo biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát rơi mạnh từ 27% năm 2021 xuống còn 12% năm 2022.

Giá USD tăng mạnh và liên tục trong năm 2022 là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến khó khăn cho Hòa Phát năm vừa rồi. Tỷ giá có xu hướng tăng nhanh từ tháng 3/2022 và đà mạnh đến tháng 11/2022 đạt mức kỷ lục 20 năm trở lại đây.

Với đặc thù nguồn nguyên liệu đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, Hòa Phát luôn phải trả nguyên tệ USD ròng, dẫn đến chi phí tài chính liên quan rủi ro tỷ giá tăng cao. Tổng kết năm 2022, lỗ ròng tỷ giá (chênh lệch lãi và lỗ) của Hòa Phát là 1.858 tỷ đồng, tăng 65 lần so với 2021.

Vấn đề cuối cùng là lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Trong năm 2022, FED đã có 7 liên tiếp nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát tại Mỹ, đưa mức lãi suất này lên cao nhất trong 15 năm kể từ 2007 trở lại đây. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VND ở mức dễ chịu trong 6 tháng đầu năm 2022 và chỉ bắt vào đà tăng mạnh trong 6 tháng còn lại.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giãi bày lí do lần đầu tiên sau 16 năm lên sàn chứng khoán không trả cổ tức - Ảnh 2.

Tập đoàn Hòa Phát

Với loạt khó khăn kể trên, theo báo cáo của ban giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, năm 2022, Hòa Phát đạt 142.770 tỉ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỉ đồng, chỉ bằng 24% của năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2008, biên lợi nhuận của quý bị âm.

Trong năm 2023, Hòa Phát tập trung toàn bộ nguồn lực cho Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với quy mô 85.000 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Trần Đình Long thì lĩnh vực thép (Bao gồm Gang thép và Sản phẩm thép) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và là mảng cốt lõi của Tập đoàn.

Với định hướng kinh doanh như vậy, liệu cổ đông có còn trung thành với cổ phiếu HPG trong giai đoạn khó khăn của ngành thép nói chung và HPG nói riêng?.

Theo Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM