Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam: Chưa thấy doanh nghiệp Việt 'ngắc ngoải' vì sữa ngoại

20/06/2019 10:40 AM | Kinh doanh

Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp sữa Việt liên tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại dù ngành sữa được dự báo là sẽ chịu sức ép lớn khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Trong giai đoạn 2010 – 2018, ngành sữa đạt tăng trưởng bình quân 12,7%/năm, và là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 43 thị trường như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Trung Đông, Đông Nam Á... với giá trị khoảng 250 – 300 triệu USD/năm trong 3 năm gần đây.

Nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm cũng như xây dựng các nhà máy mới nhằm cải thiện nguồn cung nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, về triển vọng của ngành sữa Việt Nam trong thời gian tới.

- Phóng viên: Kết quả đàm phán với Trung Quốc về việc xuất khẩu chính ngạch sữa như thế nào?

- Ông Trần Quang Trung: Tháng 4, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư có vai trò gần như là khung pháp lý để doanh nghiệp sữa Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc. Đại diện của 2 bên đang xúc tiến thảo luận nhằm thống nhất về thủ tục chi tiết cấp mã code cho doanh nghiệp, mẫu giấy kiểm dịch thú y…

Việt Nam dự kiến sẽ mời cơ quan quản lý Trung Quốc sang kiểm tra doanh nghiệp một lần nữa trước khi xuất khẩu những lô hàng đầu tiên. Trong khi đó, hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm bạn hàng để làm cầu nối, phân phối hàng sang Trung Quốc. Rất có thể tháng 10 sẽ có lô hàng sữa đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

 Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam: Chưa thấy doanh nghiệp Việt ngắc ngoải vì sữa ngoại  - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam. Ảnh: Phan Vũ.

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Trung Quốc?

- Với quy mô dân số 1,4 tỷ dân, Trung Quốc có nhu cầu khá lớn về sữa. Hiện một số doanh nghiệp sữa của Việt Nam đang xuất khẩu sữa theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc để thăm dò thị trường, và đều nhận thấy rằng người dân nước này rất thích hương vị sữa của Việt Nam, đặc biệt là sữa chua.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, định hướng xuất khẩu sữa sang Trung Quốc rất khả thi.

- Ngoài Trung Quốc, ngành sữa có đẩy mạnh những bạn hàng nào khác không?

- Hiện Vinamilk đang xuất khẩu sữa sang 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài các nhà máy trong nước, Vinamilk cũng đầu tư sản xuất sữa tại Campuchia và Lào, nhằm cung cấp nguồn sữa tươi hữu cơ về Việt Nam. Những sản phẩm này sẽ được tập trung bán ở thị trường ASEAN, như Thái Lan.

Nutifood cũng đang xuất khẩu sản phẩm sữa hộp sang Philippines. Công ty này mới đây đã đàm phán với Mỹ để xuất khẩu các dòng sữa công thức dành cho trẻ em. Tại Thụy Điển, dự án nhà máy sữa của Nutifood cùng với tỷ phú Erick Paulsson (góp vốn 25%) và hợp tác xã bò lớn nhất Thụy Điển Skånemejerier Ekonomisk Förening (góp vốn 25%) cũng đang khởi công. Sau khi hoàn thành, các sản phẩm sữa mang thương hiệu Nutifood sẽ có mặt tại thị trường châu Âu.

Trong bối cảnh thị trường thế giới coi trọng vấn đề chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, nếu tập trung đầu tư về công nghệ, trang trại cũng như hệ thống quản lý, doanh nghiệp sữa Việt Nam sẽ vẫn xuất khẩu được.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành sữa trong năm 2019?

- Đến cuối năm 2018, Việt Nam có 300.000 con bò sữa với sản lượng gần 1 tỷ lít. Ngành sữa của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được gần 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên đây vẫn là ngành có nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn nữa, nhu cầu sử dụng sữa trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp, chỉ đạt 26 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít, Singpore là 45 lít và các nước châu Âu là 80 – 100 lít/người/năm. Để kích thích nhu cầu tiêu thụ sữa, Việt Nam cần phải tuyên truyền mạnh hơn về tác dụng cũng như cách sử dụng sản phẩm sữa dinh dưỡng, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Khi hội nhập thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do, ngành sữa có nhiều tiềm năng xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nghiên cứu được những dòng sản phẩm mà thế giới chấp nhận được, nên cần đẩy mạnh xuất khẩu, rồi lấy vốn tái đầu tư vào nghiên cứu phát triển và dây chuyền công nghệ hiện đại.

- Mục tiêu của ngành sữa năm nay là gì?

- Năm 2019, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập giống bò sữa từ Mỹ, Australia cũng như tăng cường đầu tư mở các nhà máy hiện đại. Tôi hy vọng các trang trại mới mở trong 2 năm gần đây sẽ cho ra sản phẩm vào năm nay hoặc đầu năm 2020. Hiệp hội Sữa Việt Nam dự báo sản lượng năm nay sẽ tăng 9 – 10%, thấp hơn so với các năm trước (15 – 17%) do các giống bò mới nhập về chưa thể cho sản phẩm ngay. Tiêu thụ bình quân sữa dự báo cũng sẽ ổn định ở 27 – 28 lít/người/năm.

 Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam: Chưa thấy doanh nghiệp Việt ngắc ngoải vì sữa ngoại  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp sữa nội vẫn đứng vững trước cuộc đổ bộ của sữa ngoại. Ảnh: Phan Vũ.

- CPTPP có hiệu lực, ngành sữa Việt Nam sẽ như thế nào?

- Tôi phải khẳng định CPTPP là thách thức. Khi CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản sẽ giảm xuống 0%. Thuế về 0% sẽ giúp giá sữa nhập khẩu trên thị trường giảm, từ đó tạo sức ép đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, sữa tươi của Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay, các thương hiệu sữa bột ngoại như Abott, Mead Johnson, Nestle chủ yếu dành cho những người có thu nhập cao. Trong khi đa số thì chủ yếu sử dụng sữa của Vinamilk, Nutifood... Một đối tượng khác cũng có nhu cầu lớn về sữa là người bệnh. Các doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh liên kết nghiên cứu với các bệnh viện để phát triển dòng sản phẩm cho đối tượng này.

Ngoài ra, sữa tươi của nước ngoài vào Việt Nam sẽ gặp khó trong vấn đề bảo quản vì phải vận chuyển dài.

Việc các doanh nghiệp liên tục mở rộng nhà máy trong 2 năm gần đây là một minh chứng cho thấy các doanh nghiệp sữa Việt vẫn đang hoạt động tốt.

Hiện nay, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy ngành sữa Việt đang bị ảnh hưởng bởi các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, đối mặt với CPTPP, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển không chỉ các sản phẩm truyền thống mà còn phải nghiên cứu các sản phẩm mới.

- Coca-Cola đẩy mạnh thâm nhập vào ngành sữa Việt Nam có gây khó khăn gì không?

- Việc các doanh nghiệp sữa nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là hiểu rõ thị trường trong nước và có khả năng phân phối tới vùng sâu vùng xa. Doanh nghiệp Việt cũng là những người hiểu tình trạng bệnh tật của người Việt nên dễ dàng nghiên cứu và phát triển được các sản phẩm đặc trị dành cho người bệnh. Nói cách khác, đây là cơ hội cho những doanh nghiệp biết tập trung đầu tư, nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp nên đa dạng hóa sản phẩm. Nếu không tự thay đổi về chất lượng, mẫu mã, dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì cuối cùng sẽ bị thải loại.

Ngành sữa đang cạnh tranh rất khốc liệt nhưng tôi chưa thấy có doanh nghiệp nào “ngắc ngoải”.

Theo Phan Vũ

Cùng chuyên mục
XEM