Chủ tịch Dương Ngọc Minh: "Nếu thành công tại đợt POR 14, Hùng Vương chắc chắn quay về mức doanh thu 20.000 tỷ năm 2020, mua lại tất cả những gì đã bán"

22/02/2019 13:49 PM | Kinh doanh

Cơ sở phát triển của Hùng Vương đang lệ thuộc vào kết qủa cuối cùng được công bố vào tháng 4/2019, ông Dương Ngọc Minh cho biết. Và nếu kết quả đạt như kỳ vọng, vị chủ tịch này khẳng định đến 2020 thì Hùng Vương sẽ quay về mốc 20.000 tỷ doanh thu, đồng thời Công ty sẽ mua lại tất cả những tài sản đã bán ra.

Sáng ngày 22/2/2019, Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kết quả kinh doanh năm 2018 cũng như lập kế hoạch cho năm tài chính tiếp theo.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Dương Ngọc Minh đưa ra tóm tắt tổng nợ từ năm 2015 cho đến năm 2019 của Hùng Vương đã giảm từ 12.000 tỷ còn 3.124 tỷ đồng, tỷ lệ giảm nợ đạt khoảng 70%, đó là điểm sáng thứ nhất Chủ tịch muốn nhấn mạnh.

Thứ hai, liên quan đến POR 14, ông Minh khẳng định khả năng đạt được mức thuế tốt nhất cho Hùng Vương là 80%, 20% còn lại có rủi ro liên quan đến yếu tố chính trị. Và cho đến nay, chính trị liên quan đến Việt Nam – Mỹ hầu như không được đánh giá có rủi ro, hiện quan hệ giữa hai nước đang tốt. Theo đó, từ kỳ đánh giá POR 14 này, Hùng Vương nhấn mạnh không còn chiến lược đối phó từng năm mà sẽ thiết lập một kế hoạch lâu dài.

"Chúng ta sẽ quay lại thời kỳ 2010-2011, và kế hoạch năm 2019 mà chúng tôi đưa ra là kịch bản xấu nhất, không bao gồm kết quả POR 14 sẽ được công bố vào ngày 19/4. Nếu kỳ ra soát POR 14 của Hùng Vương thành công, thì định hướng của chúng tôi là lâu dài, có thể khẳng định đến năm 2020 chúng tối quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm. Chúng tôi có thể mua lại cổ phần VTF đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài, bổ sung lợi thế Công ty hiện đang khép kín cơ sở nuôi trồng chế biến thức ăn (cá), tập trung đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Mặc dù hiện có những cái khó khăn, nhưng chúng tôi có thể nắm chắc được khả năng thành công tại thị trường Mỹ là 40%. Cùng với đó, nếu POR 14 này đạt được mức thuế có thể chấp nhận được, thì Hùng Vương là đơn vị có lợi thế nhất tại thị trường này", ông Minh phân trần.

Tại sao khẳng định Hùng Vương có lợi thế nhất tại Mỹ

Phân tích sâu khẳng định trên, ông Minh cho biết hiện có hai đơn vị có lợi thế tại Mỹ là Vĩnh Hoàn (8cent) và Biển Đông (19cent) thì vẫn chịu mức thuế đi cùng với một mức thương lượng. Còn với Hùng Vương, nếu đạt được mức thuế tốt thì lợi thế cao hơn thậm chí chỉ cần mức thuế ở tầm 20cent, và sau đó Công ty sẽ tiến hành quy hoạch lại Công ty, tiếp tục nhấn mạnh tại Đại hội, ông Minh tiếp lời: "Chỉ có vài câu thôi, chúng tôi tự tin vào kết qủa cuối cùng POR 14, cái thứ hai kết qủa chính thức sẽ có vào ngày 19/4, tuy nhiên đầu tháng 3 đã có rà soát sơ bộ về hồ sơ, như vậy Hùng Vương có 20 ngày để nắm bắt được tỷ lệ thành công cũng như mức thuế đạt được là bao nhiêu để có chuẩn bị. Hùng Vương đã chuẩn bị rất kỹ cho hồ sơ và thuế đợt POR 14, gồm nhiều luật sư, công ty chuyên phân tích số liệu, tổng vốn bỏ ra đến 2 triệu USD".

Còn nói về lý do tại sao DOC cho ra quyết định mức thuế với Hùng Vương bằng 0%, phía Mỹ đưa ra 3 phương án:

1. Phía DOC đã lấy những lợi thế của Công ty đưa vào để tính toán, đồng thời bỏ qua những đánh giá bất lợi từ giới phân tích (CFA) thì mức thuế cho Hùng Vương phải âm đến 17cent.

2. Bỏ ra 50% lợi thế Hùng Vương, tính 50% bất lợi vào thì thuế Hùng Vương vẫn bằng o%.

3. Bỏ tất cả lợi thế của Hùng Vương mà chỉ đưa những đánh giá bất lợi của giới phân tích (CFA), mức thuế phải áp cho Công ty là 7cent.

Và như vậy, khi có mức thuế tháng 4/2019, Hùng Vương sẽ có định hướng rõ ràng cho thời gian dài, sẽ được thể hiện vào năm 2020, tức năm 2019 là tiền đề sắp xếp lại toàn bộ Công ty. Về ngành nghề kinh doanh, hiện nay ngành cá tra đang trong xu hướng phát triển tốt, sản lượng cá đang gia tăng, dự kiến năm nay sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn. Song song, sau POR 14, Hùng Vương sẽ gặp đàm phán lại với Vingroup để nhận lại tài sản, tính lãi suất theo ngân hàng theo thỏa thuận trước đây khi bán cho Tập đoàn này.

Hùng Vương sẽ không còn đối phó từng năm, mà xây dựng chiến lược lâu dài

Như vậy, cơ sở phát triển của Hùng Vương đang lệ thuộc vào kết quả cuối cùng được công bố vào tháng 4/2019, ông Minh cho biết. Và nếu kết quả đạt như kỳ vọng, vị chủ tịch này khẳng định đến 2020 thì Hùng Vương sẽ quay về mốc 20.000 tỷ doanh thu, đồng thời Công ty sẽ mua lại tất cả những tài sản đã bán ra.

Nói về Hùng Vương, sau 1 năm miệt mài tái cơ cấu thông qua công tác thoái vốn và bán tài sản, Công ty đã có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ. Cùng với đó, tổng nợ hợp nhất Công ty giảm mạnh hơn 43%, chi phí dự phòng cũng được cắt giảm đáng kể (dự phòng phải thu khó đòi giảm từ 52 tỷ về 10 tỷ, dự phòng giảm giá hàng ồn từ 975 tỷ về 684 tỷ đồng, không còn trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn sau khi thanh lý FBT).

Bước sang năm 2019, với điểm sáng đến từ mức thuế sơ bộ sau đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố 9 tháng đầu năm 2018 với Hùng Vương là 0%, Công ty lên kế hoạch tập trung hai mảng cốt lõi bao gồm cá và thức ăn thủy sản, tổng doanh thu dự kiến 4.400 tỷ đồng, tương ứng lãi ròng 100 tỷ đồng. Công ty dự kiến tiếp tục không chia cổ tức năm 2019, đồng thời HĐQT cùng Ban Kiểm soát cũng không nhận thù lao, tập trung vốn tiếp tục tái cơ cấu, cân đối hệ số tài chính trở lại.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM