Chủ tịch ĐH FPT: "Tổ chức thi như hiện nay là giết gà dùng dao mổ trâu!”

30/07/2018 15:44 PM | Xã hội

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, đã đến lúc cần xem xét lại tính hợp lý của kỳ thi “2 trong 1” – kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp vừa lấy kết quả tuyển sinh đại học, bởi theo ông tổ chức thi như hiện nay là “giết gà dùng dao mổ trâu”.

Trên trang facebook cá nhân của mình, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) trường Đại học FPT vừa đưa ra một số con số thống kê đáng suy ngẫm về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Cụ thể, theo thống kê được ông Lê Trường Tùng đưa ra trên cơ sở phân tích dữ liệu điểm thi, trong năm 2018 - năm thứ tư kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa là căn cứ để các trường tuyển sinh đại học, cao đẳng, nếu xét tốt nghiệp chỉ dựa vào điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia thì tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc chỉ là 46,38%.

Chủ tịch ĐH FPT: Tổ chức thi như hiện nay là giết gà dùng dao mổ trâu!” - Ảnh 1.

Thống kê của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT về tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh tại các tỉnh, thành phố nếu chỉ dựa vào kết quả thi THPT (không cộng điểm học bạ).


Cũng theo ông Tùng, Top 10 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nếu chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT (không cộng điểm học bạ) lần lượt là Nam Định (67,62%), Hà Nam (64,79%), Ninh Bình (64,57%), TP.HCM (62,45%), An Giang (61,99%), Vĩnh Phúc (61,71%), Bình Dương (61,06%), Hải Phòng (59,11%), Bạc Liêu (57,69%) và Hải Dương (56,53%). Mười địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất nếu chỉ dựa vào kết quả thi THPT, không cộng điểm Học bạ gồm có: Sơn La (12,71%); Hà Giang (14,14%), Hòa Bình (22%), Lai Châu (25,35%), Yên Bái (27,27%), Đắk Nông (28,06%), Quảng Bình (28,56%), Tuyên Quang (28,76%), Cao Bằng (29,58%) và Lạng Sơn (30,27%).

TS Lê Trường Tùng còn cho biết, với kỳ thi “2 trong 1” năm 2018, chỉ còn 25,45% các trường đại học dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh.

Những số liệu thống kê mới được TS Lê Trường Tùng đưa ra đã thêm một lần nữa minh chứng cho quan điểm của ông cho rằng vai trò kỳ thi THPT ngày càng hạn chế cả ở khía cạnh xét tốt nghiệp phổ thông lẫn khía cạnh xét tuyển đại học và đã đến lúc cần xem xét lại tính hợp lý của kỳ thi này.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với ICTnews ngày 19/7 về một số vấn đề liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, bình luận về kỳ thi "2 trong 1", TS Lê Trường Tùng đã chia sẻ, sau 4 năm được tổ chức, vai trò của kỳ thi "2 trong 1" không còn như trước đây nữa. "Ở khía cạnh xét tốt nghiệp, nếu chỉ dựa vào điểm thi THPT thì chỉ khoảng 40% tốt nghiệp. Để có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn 97% như hiện nay, công lao thuộc về điểm học bạ. Nói cách khác, điểm học bạ là yếu tố chính quyết định học sinh tốt nghiệp hay không, và nhiều khi chỉ cần không có điểm liệt là tốt nghiệp được. Ở khía cạnh xét tuyển đại học, theo lộ trình tự chủ, nhiều trường đại học có phương thức tuyển sinh riêng và chỉ dựa vào điểm thi một phần. Như vậy là vai trò cuộc thi THPT ngày càng hạn chế cả ở khía cạnh xét tốt nghiệp phổ thông lẫn khía cạnh xét tuyển đại học", ông Tùng nói.

Vị Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT cũng nhấn mạnh: "Tổ chức thi như hiện nay là "giết gà dùng dao mổ trâu", tốn nhiều công sức, phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh nhưng hiệu quả không còn cao như trước. Đã đến lúc xem xét lại tính hợp lý của cuộc thi này - chẳng hạn giao hẳn việc tuyển sinh về cho các trường đại học, còn thi tốt nghiệp THPT thì có thể đặc cách tốt nghiệp cho 80% học sinh khá giỏi, chỉ tổ chức thi cho 20% còn lại, và việc chấm thi trắc nghiệm tập trung chứ không phân cho các địa phương như hiện nay. Cũng cần loại bỏ bớt các yếu tố may mắn trong thi trắc nghiệm, chẳng hạn trừ điểm nếu chọn sai - để điểm thi gần với sức học của thí sinh hơn".

Cho rằng điều quan trọng là thay đổi tính chất của kỳ thi - từ đó loại bỏ hoặc giảm các lợi ích liên quan thì sẽ hạn chế được tiêu cực, TS Lê Trường Tùng đề xuất không gộp 2 kỳ thi làm một, thi THPT riêng và chỉ thi cho 20% học sinh, khi đó đủ nguồn lực để tổ chức và đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, minh bạch.  "Bản chất của thi đại học là làm sao chọn được các thí sinh có các tố chất phù hợp với ngành sẽ học và nghề sẽ làm sau này. Việc này khác với thi tốt nghiệp THPT là kiểm tra việc nắm bắt và vận dụng kết quả học phổ thông như thế nào", ông Tùng chia sẻ thêm.

Sau vụ việc gian lận, sửa điểm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang và Sơn La, nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia CNTT cũng đã nêu ý kiến lo ngại về tính chính xác, minh bạch của kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét tuyển vào Đại học.

Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GD&ĐT , trong 13 năm thi 3 chung, Cục CNTT – Bộ GD&ĐT thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo mầu là rất ít thay đổi. Về nguyên tắc, Top 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bắc bắc bộ. Đứng vị trí Nhất thường xuyên là Hà Nội gốc (thời chưa có Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Và TPHCM sau mấy năm 3 chung mới vào được Top 10. Từ ngày thi 2 trong 1, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa Cục CNTT sơn đỏ, nay nhảy lên sánh vai với Top 10, tức là màu xanh trên Bản đồ.

"Từ năm 2015 bắt đầu tổ chức kỳ thi 2 trong 1, có tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường Đại học, tuy nhiên còn nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện. Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm, nếu không muốn nói là không thể tin được", TS Quách Tuấn Ngọc cho biết.

Theo M.T

Cùng chuyên mục
XEM