Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm nay, CTD lại “ngụp lặn” dưới đáy dài hạn

03/11/2022 09:15 AM | Kinh doanh

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra ngày 25/4, Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov từng chia sẻ chia sẻ "1,5 năm qua tôi bạc tóc, da mặt dày hơn nhưng tôi tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm nay". Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu CTD vẫn đang giao dịch quanh vùng đáy 7 năm.

Trong bối cảnh thị trường chung biến động không thuận lợi từ đầu năm, rất nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh xuống đáy dài hạn trong đó CTD của Coteccons cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu đầu ngành xây dựng hiện đang giao dịch quanh vùng đáy 7 năm với thị giá 42.050 đồng/cổ phiếu, giảm gần 62% từ đầu năm. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ đồng sau 10 tháng, chỉ còn khoảng 3.100 tỷ đồng.

Trong quá khứ, giai đoạn tăng nóng từ năm 2015 – 2018 từng đưa CTD trở thành cái tên quen thuộc trong top các cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh cùng xung đột lợi ích giữa nhóm cổ đông ngoại Kusto và Ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Bá Dương đã đẩy cổ phiếu này vào giai đoạn dò đáy kéo dài nhiều năm.

chart.png

Phải đến cuối năm ngoái, CTD mới bất ngờ tăng mạnh để trở lại mức 3 chữ số. Thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov cũng có lần đầu tiên muốn sở hữu cổ phiếu CTD trên phương diện cá nhân khi đăng ký mua vào 740.000 đơn vị. Dù vậy, Chủ tịch của Coteccons sau đó chỉ mua được 570.000 đơn vị.

Về lý do không mua đủ lượng cổ phiếu đăng ký, ông Bolat Duisenov cho biết “ Tôi đã dành tất cả số tiền tiết kiệm mà tôi có và mua vào CTD để bày tỏ niềm tin với cổ đông. Tuy nhiên do tình hình giá CTD đã tăng quá cao nên tôi chưa thể mua được đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký. Thời gian tiếp theo tôi sẽ tập trung cụ thể hóa kế hoạch, chiến lược kinh doanh và bạn hãy chờ xem các con số biết nói đó sẽ là những bằng chứng thuyết phục nhất” .

Cổ phiếu CTD sau đó cũng chững lại và bắt đầu trược dốc cùng thị trường chung từ đầu tháng 4. Ngay cả khi Chủ tịch Bolat Duisenov đã có những thông điệp trấn an nhà đầu tư tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra ngày 25/4, cổ phiếu này vẫn miệt mài dò đáy đến giữa tháng 5 trước khi có một nhịp hồi khá mạnh kéo dài hơn 3 tháng.

Trả lời thắc mắc của một cổ đông mất 75% tài sản vì ôm CTD, Chủ tịch Coteccons chia sẻ “Trước hết tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi vì nhà đầu tư đã có trải nghiệm như vậy. TTCK không dành cho người lướt ngắn hạn. Chúng ta nên nhìn vào nền tảng của công ty đó và phải có niềm tin vào năng lực, và trong dài hạn nếu có sự kiên trì, bền bỉ thì kết quả sẽ đến trong dài hạn. 1,5 năm qua tôi bạc tóc, da mặt dày hơn nhưng tôi tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm nay .

Trong giai đoạn CTD bắt đầu hồi mạnh, ông Bolat Duisenov đã có lần thứ 2 đăng ký mua vào với khối lượng 730.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, vị chủ tịch này lại một lần nữa không mua đủ lượng cổ phiếu đăng ký với lý do Coteccons hết room ngoại.

Kết thúc sóng hồi, CTD đã nhanh chóng quay đầu giảm mạnh từ cuối tháng 8 và hiện vẫn đang “ngụp lặn” vùng đáy dài hạn. Đến thời điểm hiện tại tức là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm, thị giá cổ phiếu này vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm Chủ tịch Bolat Duisenov “hứa hẹn” tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Áp lực cạnh tranh gia tăng, lợi nhuận dò đáy

Tình hình kinh doanh không mấy khả quan với nhiều quý thua lỗ được đánh giá là yếu tố chính đẩy cổ phiếu CTD miệt mài dò đáy. Trong quý 3, Coteccons tiếp tục lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Nguyên nhân theo giải trình là do giá cả nhân công và nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc Ban điều hành chủ động đánh giá và trích lập dự phòng đối với các dự án có rủi ro cao đã khiến biên lãi gộp giảm.

lnst-theo-quy.png

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Coteccons đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lãi ròng chỉ vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng, giảm đến 97% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lợi nhuận thấp kỷ lục 20 tỷ đồng, nhà thầu này mới chỉ thực hiện chưa đến 1/10 mục tiêu đề ra sau 3/4 chặng đường. Trước đó, kế hoạch lợi nhuận thấp khó tin của Coteccons cũng đã khiến cổ đông không khỏi hoài nghi về tham vọng của doanh nghiệp.

Đại diện Coteccons cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp do công ty xác định không lao vào cuộc chiến giảm giá với các nhà thầu khác trên thị trường và áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng với các khoản phải thu khó đòi, ưu tiên chiến lược phát triển bền vững. Giá vật liệu xây dựng tăng cao cộng với những rủi ro bất ngờ trong năm 2021 khiến công ty đặt ra mục tiêu có phần thận trọng trong năm nay.

HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Theo kế hoạch năm 2022, Coteccons vẫn sẽ tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng còn mảng đầu tư công chỉ mới bắt đầu tham gia và xúc tiến. Trong khi đó, đối thủ lớn là Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã được mời đấu thầu nhiều dự án quan trọng và kỳ vọng doanh thu mảng công nghiệp sẽ đóng góp đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022. Điều này có thể khiến Coteccsons dần bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Ngay trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, không chỉ có Xây dựng Hòa Bình, Coteccons cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ những “tay chơi” mới. Đáng chú ý, rất nhiều trong số đó là các nhà thầu được gây dựng bởi những người cũ của Coteccons như Ricons của Chủ tịch Nguyễn Sỹ Công (cựu Tổng giám đốc Coteccons), Newtecons với bóng dáng ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch Coteccons) và một vài cộng sự hay Centra Cons của Chủ tịch Trần Quang Tuấn (cựu Phó tổng giám đốc Coteccons)...

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM