Chủ tịch bánh Bảo Ngọc: Vị sếp toàn chốt lương 50 - 60 triệu trên truyền hình, từng thất bại không dưới 10 lần, ngã dập mặt rồi đứng dậy đi tiếp

15/01/2023 18:57 PM | Kinh doanh

Mức chốt lương kỷ lục của 4 mùa “Cơ hội cho ai” – 68 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 800 triệu đồng/năm (chưa tính hoa hồng kinh doanh), là do Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc Lê Đức Thuấn offer cho ứng viên U60 Nguyễn Ngọc Dũng (mùa 2). Ứng viên Phạm Tống Quốc Hoàng (mùa 2) cũng đã thương lượng thành công với sếp Thuấn với mức thu nhập “khủng” – 50 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch bánh Bảo Ngọc: Vị sếp toàn chốt lương 50 - 60 triệu trên truyền hình, từng thất bại không dưới 10 lần, ngã dập mặt rồi đứng dậy đi tiếp - Ảnh 1.

Ngồi “ghế nóng” chương trình “Cơ hội cho ai? - Whose chance?” từ mùa 2 đến mùa 4, sếp Bảo Ngọc đã tuyển dụng thành công trên sóng truyền hình tổng cộng 16 ứng viên, cũng là vị sếp “chốt deal” nhiều nhất của mỗi mùa tương ứng. Trong đó, có 5 ứng viên mùa 2 (2020), 7 ứng viên mùa 3 (2021) và 4 ứng viên mùa 4 (2022).

Thống kê trung bình mức offer lương của 16 ứng viên đầu quân Bảo Ngọc dao động trong khoảng từ 22 triệu đồng – 68 triệu đồng, trong đó mức từ 30 triệu đồng chiếm hơn 60%.

Chủ tịch bánh Bảo Ngọc: Vị sếp toàn chốt lương 50 - 60 triệu trên truyền hình, từng thất bại không dưới 10 lần, ngã dập mặt rồi đứng dậy đi tiếp - Ảnh 2.

Trong tập 6 của mùa 3 (2021), ứng viên Nguyễn Thị Hà đã gây ấn tượng mạnh với các Sếp và nhận được 5 lời mời làm việc. Song, cô đã đầu quân cho sếp Thuấn tại vị trí Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Trưởng phòng Vận hành Nền tảng Phân phối Ngành hàng FMCG, với mức lương 36 triệu đồng/tháng kèm lời hứa tặng thêm 5% trên vốn công ty, tức 2,5 tỷ (hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm) từ sếp Thuấn.

Thừa kế “máu” kinh doanh từ bố

Ông Lê Đức Thuấn sinh năm 1976. Bố ông có một cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng và đồ gỗ nội thất nổi tiếng ở Tân Hồng, Ba Vì, Hà Tây cũ. Ngay từ lúc học cấp hai, ông đã kiếm tiền từ việc bán lại các bộ đồ do bố mình thiết kế và may.

Lên cấp ba, ông có thêm nghề mua bán đồ gỗ nội thất, xe đạp cũ và khi bước chân vào đại học, ông đã trở thành một doanh nhân “bán chuyên nghiệp” kinh doanh đủ thứ.

Để hiện thực hóa ước mơ, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Thạc sĩ điều hành cao cấp, ông Lê Đức Thuấn tiếp tục sang Nhật Bản để học các khóa ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo, chiến lược đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A)…

Ông chia sẻ, khi được lĩnh hội kiến thức chuyên sâu và tham quan các mô hình quản trị doanh nghiệp nổi tiếng như Toyota, Panasonic… ông mới hiểu vì sao ngày xưa bố mình lại kinh doanh theo kiểu “chẳng giống ai”: không cần nhà xưởng, không cần công nhân… mà chỉ lên ý tưởng, thiết kế rồi đi mua nguyên liệu và thuê các cơ sở sản xuất trong làng gia công. Mô hình kinh doanh này không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian, mà còn giảm được rất nhiều chi phí nhờ xã hội hóa công việc kinh doanh.

Có kiến thức kinh doanh nhưng còn thiếu kinh nghiệm và chưa biết vận dụng vào thực tế, trong quá trình khởi nghiệp với hàng tá mặt hàng (từ photocopy đến in ấn phong bì, mác quần áo, đề can, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm…), ông thất bại không ít lần.

“Ngã dập mặt xuống rồi đứng lên đi tiếp”

Chủ tịch bánh Bảo Ngọc: Vị sếp toàn chốt lương 50 - 60 triệu trên truyền hình, từng thất bại không dưới 10 lần, ngã dập mặt rồi đứng dậy đi tiếp - Ảnh 4.

"Tôi khởi nghiệp thời còn sinh viên, tôi có khát vọng và mục tiêu rất lớn. Tôi biết điểm yếu của mình và đã mời những người tài về ngay từ thời điểm khởi nghiệp. Kết quả là do tôi chưa đủ kinh nghiệm để sử dụng những người như vậy, nên tôi đã thất bại lên thất bại xuống rất nhiều lần. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm, tôi đã phải trả giá bằng máu và nước mắt để có được ngày hôm nay”, sếp Bảo Ngọc chia sẻ.

Trong nhiều lần rủi ro đó, ông nhớ nhất dự án sản xuất vở đóng gáy xoắn do chính ông đưa ra ý tưởng và trực tiếp sản xuất. Dự án có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm diện tích giấy, viết chữ đẹp hơn, giá thành thấp…, đặc biệt là chạm tới trái tim của người tiêu dùng khi ông đưa hình ảnh các trường đại học nổi tiếng lên bìa vở, nhưng cuối cùng lại thất bại khi không tính đến bài toán về vốn.

"Đừng sai lầm như tôi là nghĩ lớn và làm lớn ngay từ đầu. Tôi thất bại nhiều lần và làm đi làm lại không dưới 10 lần. Tôi cho rằng hiếm có người kiên trì như tôi. Tôi như là ngã dập mặt xuống rồi đứng lên đi tiếp", ông Thuấn trải lòng.

Kinh doanh rất nhiều lĩnh vực như bất động sản công nghiệp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm, trang thiết bị y tế… nhưng Sếp Thuấn vẫn thầm ấp ủ, nuôi nấng khát khao từ hồi còn sinh viên: Đầu tư sản xuất bánh kẹo, nông sản thực phẩm vì ông phát hiện ra rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn về ngành nông nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Dựa vào kinh nghiệm học tập ở nhiều quốc gia, đặc biệt từ những người bạn Nhật Bản vẫn giữ được rất nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà không phai nhạt trong cuộc sống hiện đại, cùng với quyết tâm và niềm tin, ông Lê Đức Thuấn đã làm sống lại thương hiệu Bảo Ngọc bằng cách thay đổi mẫu mã, hình thức và cả hệ thống quản trị hiện đại. Nhờ vậy mà ông nhanh chóng thu được thành công từ những ngày đầu.

Ông Thuấn khẳng định: “Thành công ngày hôm nay của Bảo Ngọc là đóng góp của cả tập thể cán bộ công nhân viên công ty. Những kết quả mà tôi đã đóng góp cho Bảo Ngọc đến từ tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh”.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM