Chủ tịch Alpha Books: "Người chưa từng thất bại là người đặt mục tiêu quá thấp, quá thiếu ước mơ"

14/12/2020 15:16 PM | Kinh doanh

"Tôi nhận thấy dòng chảy nuôi dưỡng và sự phát triển của giới tinh hoa ở Việt Nam bị đứt gãy, thậm chí nhiều lần" - Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, Người sáng lập Viện Lãnh đạo ABG (ABG Leadership Institute) nói.

Là người dành nhiều năm đi nói chuyện với các bạn trẻ, theo anh giới trẻ Việt Nam có đặc điểm gì nổi bật?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trong 10 năm qua, tôi có dịp nói chuyện với hàng chục nghìn học sinh và sinh viên trên khắp cả nước. Tôi tạm chia giới trẻ thành hai nhóm: một nhóm sinh sau năm 1986-89 khi đất nước mở cửa cải cách. Với nhóm này, họ được hưởng điều kiện kinh tế tốt hơn và có không gian tri thức tốt hơn vì sự mở cửa với thế giới.

Nhóm thứ hai sinh sau năm 2000/2005 giai đoạn Việt Nam có thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ và tham gia WTO. Những bạn trẻ này còn có môi trường sống khá hơn nữa, kèm tính hội nhập quốc tế rõ rệt. Tôi gọi đây là cột mốc công dân toàn cầu.

Với thế hệ trước, hầu hết có tư duy làm trong cơ quan nhà nước, thích ổn định, tư duy khuôn mẫu thì giờ đây, giới trẻ cởi mở hơn, sáng tạo và tự do hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cuộc sống vất vả và khó khăn cùng những năm tháng gian khó, chiến tranh lại giúp thế hệ trước có ý chí tranh đấu rất mạnh mẽ. Còn môi trường rộng mở, thuận lợi thời nay lại làm cho tinh thần tranh đấu ấy phần nào bị yếu đi. Tôi nói đây là nhược điểm của một bộ phận người trẻ thôi.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn vị trí tốt nhất, lợi ích nhất cho mình, nhưng lợi ích đó không hoàn toàn trùng với lợi ích chung của cả xã hội. Vì vậy, khi đi nói chuyện với người trẻ, tôi thường truyền cảm hứng để họ hiểu, đích của học vấn không chỉ là câu chuyện điểm số. Điểm số chỉ là một thước đo và khi trưởng thành hơn lên mới thấy thước đo đó không quan trọng lắm.

Tính cách, nghị lực, tư duy, đạo đức, sự kiên cường quan trọng hơn nhiều. Vì thế, tôi thường hướng họ đến những điều lớn lao, chú ý đến các vấn đề quốc gia dân tộc hay địa phương, cộng đồng nhiều hơn là những mơ ước cho cá nhân.

Chủ tịch Alpha Books: Người chưa từng thất bại là người đặt mục tiêu quá thấp, quá thiếu ước mơ - Ảnh 1.

Đó có phải là những lý do khiến anh sáng lập ra Viện lãnh đạo ABG?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trong nhiều năm suy nghĩ, tôi nhận thấy dòng chảy nuôi dưỡng và sự phát triển của giới tinh hoa ở Việt Nam bị đứt gãy, thậm chí nhiều lần. Trước thời kỳ đổi mới, trong nhiều thập niên, dòng chảy tri thức hiện đại của thế giới không vào được Việt Nam. Môi trường xã hội bao cấp lúc đó cũng không cho phép cá nhân thể hiện cá tính, ước mơ và không có không gian để phát triển năng lực lãnh đạo.

Không phải vì nước ta không có người giỏi, mà chúng ta còn thiếu môi trường rèn luyện, thiếu không gian phát triển, thiếu các chương trình nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo giỏi. Với mỗi quốc gia, sự lãnh đạo của quốc gia ấy thường phải do tầng lớp tinh hoa gánh vác. Vì thế, dân tộc cần nuôi dưỡng tầng lớp tinh hoa, để trông đợi rồi đây sẽ có những nhà lãnh đạo giỏi xuất hiện trong tầng lớp đó.

Nhận ra được những khoảng trống này, tôi cùng với một số người bạn sáng lập ra Viện Lãnh đạo ABG. Tôi ví đây giống như bầu đất ươm trồng những hạt giống cây, và nỗ lực hình thành không gian tốt nhất cho sự phát triển của các hạt mầm…

Chủ tịch Alpha Books: Người chưa từng thất bại là người đặt mục tiêu quá thấp, quá thiếu ước mơ - Ảnh 2.

So sánh ABG như là bầu đất nuôi những những mầm cây, nhưng anh nghĩ, mô hình này sẽ giúp được điều gì cụ thể cho người trẻ?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Ở ABG, chúng tôi đưa ra thách thức, bài học và áp dụng phương châm sống giản dị, đạo đức. Tôi muốn các bạn ấy học được cách sống giản dị, chân thành, và trải qua sự đào tạo khắt khe, nhiều thử thách, giúp bù đắp lại sự thuận lợi mà họ đang có. Tức là ABG đẩy họ ra khỏi vùng an toàn, đặt ra mục tiêu lớn hơn để họ thấy có thách thức và có tầm nhìn lớn lao hơn.

Nhiều chương trình đào tạo người trẻ dùng các thủ thuật hô hào, khẩu hiệu, các tuyên bố lớn lao về số tiền kiếm được, trở thành doanh nhân lớn, có thu nhập cao; nhưng ABG không như thế. Những cách thức thường được sử dụng ở những nơi khác thì ở đây, chúng tôi cố gắng làm ngược lại.

Mọi người nói nhiều đến tiền thì chúng tôi nói nhiều đến các giá trị khác. Mọi người nói nhiều đến doanh nghiệp, cá nhân, tài sản, thu nhập... thì chúng tôi nói đến sự chân thành, sự gần gũi, bình dị, nói đến cộng đồng, văn hóa, và dân tộc. Chúng tôi chọn câu nói của Cicero "Non nobis solum nati sumus" (Chúng ta sinh ra không chỉ vì mình) làm slogan là vì những điều như thế.

Anh nói, ABG là một chương trình đào tạo phi lợi nhuận. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi muốn tổ chức này sẽ được vận hành giống như nhiều tổ chức giáo dục có ý nghĩa khác trên thế giới như đại học Harvard hay Học viện Matsushita. Đó không phải là doanh nghiệp, không phải là công ty cổ phần, mô hình này không có khái niệm cổ đông, cũng không chia lãi cho những người tham gia đóng góp.

Nguồn tiền cho các hoạt động của Viện đến từ các nhà tài trợ, từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi họ thấy lợi ích và ý nghĩa. Nhưng chúng tôi cũng thu một phần học phí từ các học viên. Nguyên tắc của tôi là không thể miễn phí toàn bộ.

Các học viên phải đóng một khoản học phí nào đó, có thể là 10 hay 25% thậm chí 50% chi phí thực của chương trình. Bằng việc đóng học phí, các học viên sẽ có trách nhiệm, cam kết hơn, còn chúng tôi có điều kiện để trao nhiều học bổng hơn cho những người xứng đáng khác… Những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Nếu dư tiền, Viện sẽ giữ số tiền đó làm quỹ cho các hoạt động khác, và tôi muốn quỹ này đủ lớn để có thể làm thêm nhiều việc có ý nghĩa.

Chủ tịch Alpha Books: Người chưa từng thất bại là người đặt mục tiêu quá thấp, quá thiếu ước mơ - Ảnh 3.

Tiêu chí đặt ra khi anh tuyển học viên là gì?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Họ phải là những người thể hiện được tố chất lãnh đạo, có hoài bão và khát vọng cống hiến, có ý chí và không bao giờ chỉ dừng lại ở lời nói mà phải hành động. Một yêu cầu nhỏ nhưng quan trọng với riêng tôi, đó là phải từng thất bại trong quá khứ. Tôi cho rằng, người chưa từng thất bại vì thường đặt mục tiêu cho mình quá thấp, họ quá thiếu ước mơ.

Với một mô hình như vậy, anh đặt mục tiêu ABG sẽ ra sao trong vòng 5 năm nữa?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Mục tiêu của chúng tôi là đưa ABG trở thành Viện lãnh đạo xuất sắc hàng đầu ở Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới và bắt kịp khu vực.

Tôi không đủ khả năng mở ra một trường ĐH mới như anh Phạm Nhật Vượng hay một viện đào tạo bóng đá như Bầu Đức, nhưng tôi muốn việc mở ra Viện lãnh đạo ABG này, nó giống như tầng trên cùng của kim tự tháp, nơi có thể mang những yếu tố tích cực, có giá trị cho xã hội, điều mà nền giáo dục Việt Nam đang có khoảng trống.

Nếu ABG thành công, nó sẽ thay đổi được 3 yếu tố: giúp học viên trưởng thành, đạt được những điều họ mong muốn; qua đó thay đổi được tư duy của nhiều người, của nền giáo dục; và rồi tạo ra sự lan tỏa, giúp cho xã hội tốt lên. Điều ấy giống như việc đầu tư của Bầu Đức không thể thay thế cho toàn thể nền bóng đá, nhưng nhờ tác động lan tỏa của Học viện bóng đá HAGL, đã làm cho nhiều nơi khác cũng học theo, giúp bóng đá Việt Nam phát triển trong những năm qua.

Chủ tịch Alpha Books: Người chưa từng thất bại là người đặt mục tiêu quá thấp, quá thiếu ước mơ - Ảnh 4.

Thu Hường

Cùng chuyên mục
XEM