Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: "Ngay Hà Nội có khu đô thị 10 năm chỉ có 1 nhà ở, cỏ mọc lút đầu, bỏ hoang"

25/03/2022 09:39 AM | Kinh doanh

Đây là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại buổi họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét, báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Vào chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Từ đó, Quốc hội sẽ quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Báo cáo tại buổi họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định.

"Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước", bà Hà cho hay.

Theo đó, nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được (cơ bản thực hiện tốt); nhận định chung chung, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát...

"Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu của đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nhận định.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tập trung vào những nội dung nóng, dư luận quan tâm. Trong đó, đặc biệt chú ý giám sát sâu các dự án trọng điểm thuộc ngành giao thông, dầu khí, điện gió, nhiệt điện sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời cần làm rõ dự án chậm tiến độ, vì sao chậm? Do thiếu vốn, hay khâu đền bù, tái định cư chậm hay nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực?

"Với những dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn, cả nước còn bao nhiêu dự án loại này? Như đường, cầu, công trình phúc lợi công cộng, phải làm cho rõ, có tiếp tục được hay không? Đầu tư nhan nhản, người ta thấy cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu… Lần này có khắc phục được vấn đề này hay không?", ông Mẫn nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội còn đề nghị giám sát 12 dự án thua lỗ, không có khả năng thu hồi vốn hiện nay như thế nào.

"Khó chỉ ra nơi tiết kiệm tốt, ít lãng phí nhưng rất dễ có bằng chứng chỉ ra cái này không tiết kiệm, cái kia lãng phí"

Cũng trong khuôn khổ buổi họp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đợt giám sát này được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Do vậy, đoàn giám sát phải chỉ rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt, cần có ví dụ điển hình. Bà Nga gợi ý đoàn kiểm tra cần tập trung vào ba điểm nhấn đang được dư luận quan tâm bao gồm: lãng phí về đất đai, hoang hóa, dự án treo.

"Ngay tại Hà Nội cũng có những khu đô thị cỏ mọc lút đầu, 10 năm chỉ có 1 nhà ở, còn đâu bỏ hoang", bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, chỉ khi nêu rõ địa chỉ trách nhiệm mới tạo chuyển biến sau giám sát, còn nếu vẫn chung chung như có nơi, có lúc... thì sau giám sát cũng sẽ không có chuyển biến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Ngay Hà Nội có khu đô thị 10 năm chỉ có 1 nhà ở, cỏ mọc lút đầu, bỏ hoang - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nguồn ảnh: Quốc hội

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý giám sát cần phải có trọng tâm, trọng điểm, chỉ ra được địa chỉ và quy trách nhiệm rõ ràng. Lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát nhiều khi còn lớn hơn các vụ tham nhũng lớn nên phải tập trung đánh giá; bám sát quy định, chính sách để chỉ ra kết quả thực hành tiết kiệm.

"Báo chí nêu hàng loạt dự án làm nghèo đất nước. Đất đai chưa kiểm đếm, đo vẽ còn nhiều vô kể. Hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hóa sao không thu hồi được? Chẳng hạn ở Gia Lai - Đắk Lắk có những công trình thủy lợi hơn 3.000 tỷ bạc làm xong 7 đời vẫn không tưới được thì trách nhiệm của ai, lãng phí nhiều hay ít", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần làm rõ một số vụ việc điển hình có số liệu cụ thể, có diện, có điểm thì mới có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, từ đó tạo hiệu ứng xã hội.

"Ban hành văn bản khiến thất thoát không nhỏ, gây ách tắc dẫn đến lãng phí thì nguyên nhân là gì?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Về kế hoạch làm việc của đoàn giám sát với các bộ, ban ngành, địa phương cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có nội dung khảo sát cụ thể, yêu cầu đối tượng chịu giám sát báo cáo rõ ràng, ký tên đóng dấu để gắn trách nhiệm.

"Khó chỉ ra nơi tiết kiệm tốt, ít lãng phí nhưng rất dễ có bằng chứng chỉ ra cái này không tiết kiệm, cái kia lãng phí. Công trình thấy nứt toác ra, không dùng được thì chẳng chứng minh cũng thấy rõ", ông Vương Đình Huệ nói.

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Theo Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM