Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 "khai sạch" bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ?

31/03/2022 15:40 PM | Sống

Mua nhà, sửa nhà đâu phải chuyện đùa mà còn tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức đấy!

Dino Vũ đã không là cái tên xa lạ đối với hội nghiền YouTube và chuyện nhà cửa đời sống. Từng là một food blogger đình đám với hơn 400 nghìn lượt theo dõi trên YouTube, Dino Vũ chuyên chia sẻ về công việc cuộc sống thường ngày, chuyện nhà cửa và làm những món ăn ngon.

Gần đây, chàng YouTuber 30 tuổi này còn khiến nhiều người trầm trồ khi sở hữu một căn penthouse rộng 246m2 trị giá 8 tỷ đồng chưa kể tiền trang trí và nội thất. Vậy làm thế nào để quản lý chi tiêu và mua nhà như Dino Vũ, cùng lắng nghe những bài học mà anh đúc kết từ quá trình mua nhà của bản thân nhé!

Lập ngân sách chi tiêu

Dino cho rằng bản thân anh đã từng là người không biết tiết kiệm, thậm chí là hoang phí trong mắt bạn bè và người thân. Trước đây, chàng YouTuber 30 tuổi kiếm được đồng nào thì tiêu đồng đó, chủ yếu các khoản chi tiêu được sử dụng để mua đồ công nghệ, du lịch, mua đồ nhà bếp, thậm chí tiêu tiền rất cảm hứng với phương châm “Đừng tích lũy tiền trước tuổi 30”. Nam YouTuber cho rằng với số tiền kiếm được nên đầu tư vào bản thân, vì chính bản thân sẽ là món sinh lời nhất trong tương lai.

Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 khai sạch bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ? - Ảnh 1.

Dino Vũ và căn Penhouse 8 tỷ

Tuy nhiên, quan điểm về tiền bạc này của anh chàng đã thay đổi theo thời gian khi bước đến mốc 30 tuổi. Anh cho rằng muốn quản lý tài chính, bước đầu tiên phải làm là lập ngân sách chi tiêu. Trong đó, bạn nên xác định được thang đo chi tiêu của bản thân bằng cách trả lời các câu hỏi như:

- Cái gì là quan trọng nhất? (Những món chi lớn như: Mua nhà, mua xe)

- Cái gì ít quan trọng hơn? ( VD: Ăn uống, sinh hoạt)

- Cái gì kém quan trọng nhất? (VD: máy chơi game và đồ điện tử, quần áo xa xỉ,...)

Với phương pháp sắp xếp nhu cầu theo thang đo 3 tầng như vậy, các bạn sẽ dễ dàng quản lý chi tiêu tốt hơn, không tiêu tiền quá cảm hứng vào những món đồ vô bổ được quảng cáo đầy trên mạng.

Về cơ bản, cách quản lý bằng thang đo chi tiêu này sẽ khiến bạn có đôi chút áp lực lúc ban đầu, tuy nhiên theo Dino Vũ thì quãng thời gian này sẽ sớm qua và khi đã có kế hoạch ngân sách chi tiêu cho bản thân, bạn sẽ quen dần và tự ứng biến tốt hơn.

Vận dụng dòng tiền/ nguồn tiền không phải là tiền mặt

Theo Dino Vũ chia sẻ, khi bạn bắt đầu mua nhà và xây nhà thì việc chi tiền cho những khoản lớn như đặt cọc, thiết kế, xây dựng sẽ vô cùng lớn, thậm chí lớn hơn gấp chục lần, trăm lần so với các khoản chi tiêu trước đây. Điều quan trọng hơn nữa là bạn phải quản lý dòng tiền này đủ tốt để có thể chi trả cho nhà thầu khi họ yêu cầu. Vì vậy có 3 cách để quản lý dòng tiền này như sau:

Thứ nhất, vì không thể có một khoản tiền lớn làm nhà ngay từ đầu, Dino Vũ cho rằng cần huy động hoặc vay mượn bạn bè hoặc người thân. Đây được coi là một cách huy động nguồn tiền khá hiệu quả, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt của bản thân.

Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 khai sạch bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ? - Ảnh 2.

Thứ hai, Dino còn cho rằng bạn có thể tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng (ứng trước một khoản tiền rồi trả lại cho ngân hàng) theo hướng có lợi hơn. Cụ thể, khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn không những được ứng trước một khoản tiền để có thể chi trả cho việc chi tiêu mà còn hưởng lợi từ các dịch vụ hoàn tiền khi mua sắm hoặc đi lại, giúp bạn tiết kiệm một khoản tiết kiệm không hề nhỏ đâu nhé.

Thứ ba, sử dụng công nợ. Công nợ ở đây được hiểu theo nghĩa khi bạn trả tiền cho nhà đầu tư hoặc nhà thầu cho những khoản tiền lớn như tiền xây dựng, tiền thi công, đồ nội thất. Bạn nên thương lượng với đối tác để chia nhỏ các khoản tiền thành các đợt thanh toán khác nhau, càng xa càng tốt. Mục tiêu của hành động này thực chất là tạo lợi thế về dòng tiền, giúp bạn không phải trả một khoản tiền lớn ngay từ đầu, mà có thể chia ra nhỏ để tận dụng nguồn tiền tốt hơn, thậm chí đem đi đầu tư vào các hình thức khác để sinh lời nhiều hơn.

Suy nghĩ thật kỹ trước khi mua đồ xa xỉ phẩm hoặc đắt tiền

Với tâm lý người Việt thích mua đồ xa xỉ và đắt tiền để cho nơi sống của mình thêm đẹp, việc mua đồ quá nhiều, không phù hợp và không cần thiết sẽ là một cái bẫy chi tiêu vô cùng lớn. Để có thể khắc phục tâm lý mua đồ “vung tay quá trán” như thế này, bạn có thể áp dụng một vài mẹo mua sắm.

Nếu gặp một món đồ quá ưng ý hoặc muốn mua ngay lập tức, hãy tận dụng quãng thời gian nghỉ tầm vài ngày đến 1 tuần. Nếu sau khoảng thời gian nghỉ, bạn không còn hứng thú với món đồ nữa thì xin chúc mừng, bạn đã tiết kiệm được một khoản tiền mua sắm phung phí rồi.

Tận dụng đồ cũ, sẵn có

Thực tế là, khi mua nhà mới, tâm lý ai cũng muốn mua đồ mới, trang trí nội thất mới, tuy nhiên đây lại là sai lầm gây lãng phí tiền không hề nhỏ. Chỉ cần bỏ ra một chút công sức và sáng tạo, những món đồ cũ tưởng như phải bỏ đi sẽ được "tái sinh" và góp phần làm đẹp nhà cho bạn mà không tốn thêm khoản chi phí khác.

Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 khai sạch bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ? - Ảnh 3.
Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 khai sạch bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ? - Ảnh 4.
Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 khai sạch bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ? - Ảnh 5.
Chủ nhân căn penthouse 8 tỷ, rộng 246m2 khai sạch bí kíp mua nhà: Tận dụng sức mạnh của thẻ tín dụng và... công nợ? - Ảnh 6.

Để có thể tận dụng được đồ cũ sẵn có, bạn có thể cân nhắc trả lời các câu hỏi:

- Đồ cũ có thể sử dụng được hay không?

- Đồ mới có đáng để mua không?

- Liệu đồ mới có mang lại lợi ích hay tính năng gì cho mình hay không?

Đầu tư một cách khôn ngoan

Với quan niệm “Không bỏ trứng vào một giỏ”, Dino đã đa dạng hóa kênh đầu tư của mình từ vàng, cổ phiếu, cho đến đầu tư start up cho bạn bè và người thân, được chia nhỏ ra theo khẩu vị rủi ro của mình. Cách đầu tư này không chỉ giúp Dino có thêm nguồn tiền sinh lợi cao hơn so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng, mà còn giúp anh có thêm nhiều bài học kinh nghiệm trên thị trường, học cách đầu tư sinh lợi một cách khôn ngoan hơn.

Về lời khuyên trong đầu tư, anh cho rằng có 3 yếu tố quyết định đến đầu tư của bạn, đó là: Bạn có bao nhiều tiền? Mức độ chịu rủi ro của bạn như thế nào? Và cuối cùng là nên đa dạng hóa đầu tư, không bỏ trứng vào một giỏ nhé.

Ảnh: Tổng hợp

Q.N

Cùng chuyên mục
XEM