Chồng Thu Minh ra mặt, công ty Gia Hân tố Global Home "bắt chẹt" từ chuyện gửi mail cho đến kí hợp đồng, nợ gối nợ chây ì không trả

24/08/2016 22:28 PM | Kinh doanh

“Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng, trong số 10 người thì có tới 9 người bị chơi chiêu, bắt chẹt”, luật sư của Gia Hân nói.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc (ngụ KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), đại diện Công ty TNHH Gia Hân, trong buổi chia sẻ kinh nghiệm Quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế chiều ngày 24/8 tại TP HCM đã kể lại quá trình làm ăn với Global Home.P

Ông Ngọc cho biết Gia Hân thành lập từ năm 2003. Đến năm 2012, Gia Hân bắt đầu làm ăn với Global Home. Đến tháng 4/2015 thì việc thanh toán của Global Home đối với Gia Hân bị trễ. Gia Hân đã gửi mail và yêu cầu phía Global Home thanh toán. Đến tháng 6, tháng 7/2015, phía Global Home vẫn lấy hàng nhưng vẫn không thanh toán.

Theo ông Ngọc, ngày 24/7/2015, Global Home viết mail hẹn gặp nhưng 3 giờ sau thì lại nhận được mail của Global Home nói rằng hủy hẹn vì Gia Hân không hợp tác do không xác nhận mail đó.

“Chúng tôi không kiểm tra mail trong vòng 3 tiếng đồng hồ mà đã bắt chẹt chúng tôi như vậy”, ông Ngọc nói.

Đại diện Gia Hân kể tiếp rằng ngày 24/8/2015, Gia Hân và Global Home gặp nhau. Ông Otto nói rằng hàng của Gia Hân có vấn đề. Gia Hân cũng đề cập đến việc nếu không nhận được tiền thanh toán thì doanh nghiệp không có tiền thanh toán cho công nhân. Ông Otto tỏ ra rất bực mình, đòi đập lon coca và đi ra khỏi phòng.

Khoảng gần một tiếng sau, ông Otto quay lại. Ông ấy nói sẽ đưa cho Gia Hân 50.000 USD để lấy tiền đó trả cho công nhân và Gia Hân chấp nhận. Sáng hôm sau, một email của Global Home gửi đến yêu cầu chiết khấu 30% trong 50.000 USD đó.

“Tiếp đó, Global Home nói là đến tháng 11 mới có kế hoạch gặp Gia Hân. Một buổi tối tháng 11/2015, hai bên gặp nhau nhưng cũng chỉ nói quanh quẩn. Sau đó, cũng trong tháng 11, Global Home đưa ra yêu cầu phạt chúng tôi 256.000 USD mới cho chúng tôi gặp để đàm phán. Sau đó, tôi đã đâm đơn kiện”, ông Ngọc cho biết.

Luật sư của Gia Hân, ông Nguyễn Thế Truyền, cũng nhắc đến câu chuyện chuyện Global Home gửi mail lúc 5h sáng đại ý là nếu có buổi gặp này thì Gia Hân phải xác nhận qua email này. Sau đó, 3 tiếng sau, Global Home lại gửi mail với nội dung vì Gia Hân không xác định email này nên Global Home hủy buổi làm việc.

“Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng, trong số 10 người thì có tới 9 người bị chiêu này theo kiểu: đề nghị làm việc mà không làm việc. Nếu ra tòa án quốc tế thì họ cho rằng doanh nghiệp Việt đang thiếu sự hợp tác”, luật sư của Gia Hân nhận định.

Nợ gối nợ

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng dẫn chứng, đa phần doanh nghiệp Việt còn làm việc dựa vào niềm tin nên ít khi xem xét và hiểu biết nhiều về hợp đồng ký với đối tác.

Cụ thể, trong hợp đồng của Gia Hân ký với Global Home, hình thức thanh toán là FOB, giải quyết tranh chấp là cơ quan tài phán Hong Kong, luật áp dụng trong hợp đồng là ở Anh, mà doanh nghiệp này không biết rằng để giải quyết tại cơ quan tài phán Hong Kong thì chi phí khá đắt đỏ. Chỉ riêng tiền thuê luật sư cũng mất 1.000-2.000 USD một giờ, chưa kể doanh nghiệp phải đi qua đi lại để kiện. Hệ quả là doanh nghiệp dễ bị thiệt đơn thiệt kép, chưa đòi được nợ đã phải chi gấp đôi số tiền nợ.

Luật sư Truyền cho biết, ngay từ khi ký hợp đồng Global Home đã đặt cọc cho Gia Hân và các đối tác khác 10.000 USD. Sau khi hàng chuyển đi, lập tức có đơn hàng mới. 30 đến 37 ngày sau mới thanh toán. Thế nên, ngay từ đơn hàng đầu tiên Global Home đã nợ rồi. Đến tháng 7/2015, Global Home cần phải thanh toán cho Gia Hân là 493.000 USD (bao gồm các khoản nợ gối nhau của rất nhiều đơn hàng). Gia Hân nhận được 10.000 USD đặt cọc nhưng phải bỏ rất nhiều vốn. 30 ngày, hàng đã có thể đi khắp nơi trên thế giới nhưng tiền thì doanh nghiệp vẫn chưa nhận được. Nếu yêu thương nhau thì câu chuyện có thể được giải quyết. Tuy nhiên, Global Home cứ gối để nợ lại một ít.

Trong buổi chia sẻ ngày 24/8, các doanh nghiệp gỗ như Cửu Long, Việt Mỹ cũng lên tiếng về việc làm ăn với Global Home. Cửu Long nói đã sẵn sàng tham chiến cùng Gia Hân trong vụ tố Global Home liên quan đến việc làm ăn mà Cửu Long gọi là không “fair play”.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM