Cho vay tiền chưa chắc đã là nhân đạo: Thứ mà bạn cho là "lương thiện", thực ra lại "ác độc" nhất thế gian!

13/09/2019 15:09 PM | Sống

Sự lương thiện bất nguyên tắc chính là cái ác to lớn nhất thế gian, nó nguy hại ở chỗ làm xáo trộn khả năng phán đoán của chúng ta, thậm chí còn mất đi lý trí. Cái ác hiển hiện rất dễ nhận ra, nhưng sự lương thiện "rẻ tiền" này lại khiến người khác ngột ngạt, tiến thoái lưỡng nan.

Hôm qua, khi mẹ tôi gọi điện cho tôi, bà có kể một chuyện. Ở gần nhà bà có xảy ra một vụ giết người, nạn nhân là một phụ nữ gần sáu mươi tuổi, bị hung thủ quăng xác xuống sông. Một người đi câu phát hiện ra vội báo cảnh sát. Ở vùng quê nhỏ xuất hiện chuyện như vậy thực sự gây chấn động, danh tính của nạn nhân mau chóng được tra xét, khi còn sống nạn nhân là một công nhân vệ sinh, mấy năm trước chồng qua đời do tai nạn, chỉ có một con trai duy nhất đã lập gia đình và sinh hai con. 

Lúc còn sống nạn nhân rất tốt bụng hiền hòa, chưa từng gây gổ mâu thuẫn với ai, chăm chỉ làm lụng, thu nhập hàng tháng không cao nhưng sống tiết kiệm và yên phận, thỉnh thoảng cũng gửi tiền giúp đỡ gia đình con trai. Một người phụ nữ khắc khổ là thế, chẳng ganh đua với đời, rốt cuộc ai đã giết bà ấy? Là vì báo thù hay vì giết nhầm?

Cảnh sát địa phương lập tức triển khai việc điều tra, anh trai của nạn nhân nói em gái mình sống rất đơn giản, chắc chắn không gây thù với người khác, con trai duy nhất của nạn nhân cũng nói khoảng mấy ngày không gặp mẹ, ngờ đâu mẹ đã bị người ta sát hại.

Vụ án mau chóng được đưa ra ánh sáng, kết quả khiến mọi người đều kinh hãi, qua chứng cứ điều tra của cảnh sát, hung thủ chính là con trai duy nhất của nạn nhân, hệ thống camera theo dõi đã quay lại toàn bộ quá trình hắn ta quăng xác mẹ mình xuống sông.

Chứng cứ rành rành trước mắt nên hung thủ không thể chối cãi. Người ta không khỏi thắc mắc, rốt cuộc vì sao hung thủ lại ra tay sát hại người mẹ ruột thịt của hắn?

Bí ẩn mau chóng bị vạch trần, người mẹ này chỉ có một cậu con trai, tuy thu nhập của bà ấy không nhiều, nhưng luôn sống kham khổ tiết kiệm để gửi tiền trợ cấp cho con quanh năm. Cách đây không lâu, cậu ta đòi bà ấy bảy ngàn tệ, bà ấy không có nhiều tiền như vậy, nên đành vay mượn họ hàng đồng nghiệp để cho con trai. 

Mấy bữa trước, cậu ta lại đòi bà ấy tám ngàn tệ, lần này bà không đáp ứng yêu cầu của hắn ta nữa. Thế là trong cơn nóng giận, hắn đã đâm mẹ mình mấy nhát dao, rồi quăng xác xuống sông, sau đó tiếp tục sống một cách thản nhiên, hoàn toàn không có điểm gì bất thường.

Cho vay tiền chưa chắc đã là nhân đạo: Thứ mà bạn cho là lương thiện, thực ra lại ác độc nhất thế gian!  - Ảnh 1.

Sau khi vụ án bị vạch trần, cả vùng quê nhỏ đều mắng chửi đứa con này là đồ cạn tàu ráo máng, vô lương tâm, không bằng súc vật, nên bị băm ra hàng trăm mảnh. Mẹ tôi cũng nói qua điện thoại với tôi: "Đúng là vô nhân tính, đến mẹ ruột của nó mà nó còn giết được, trời không tha cho nó đâu!"

Tôi rất thương cảm với người mẹ đã khuất, cũng cực kỳ căm ghét đứa con trai đã sát hại mẹ mình. Nhưng trước bất kỳ sự việc nào, chúng ta đều nên xem xét từ nhiều góc độ.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều người như thế này: Họ rất lương thiện, sống cần kiệm cả đời, chưa bao giờ làm chuyện trái với lương tâm, khi được người khác xin giúp đỡ, họ sẽ dốc hết sức lực ra để hỗ trợ, vì con cái mà chấp nhận hi sinh cả cuộc đời của mình. Dù hành vi của con họ cực kỳ quá đáng, khiến họ thương tâm hết lần này tới lần khác, nhưng khi con cái đưa ra yêu cầu, dù vượt quá năng lực của họ, họ vẫn cố hết sức để làm chúng hài lòng. Khi có người nhắc họ không nên làm vậy, họ sẽ trả lời với hình tượng của một người mẹ thương con hết mực: "Dù sao cũng là máu mủ ruột rà! Không thể khoanh tay đứng nhìn được."

Xung quanh chúng ta cũng có rất nhiều người như sau: Năng lực của bọn họ rất khá, là trụ cột của gia đình, thường được mọi người trong nhà ỷ lại, đôi lúc họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều yêu cầu vô lý từ người thân. Bọn họ không ngốc, bọn họ biết có những yêu cầu rất quá đáng, thực lòng bọn họ cũng rất ghét chúng nhưng vì tình thân, vì danh tiếng, vì đủ loại nguyên nhân khác nhau, họ vẫn chấp nhận các yêu cầu ấy. Nhìn những người thân ngày càng vô dụng và vô lại của mình, bọn họ sẽ thấy rất ngột ngạt.

Trong mắt nhiều người, bọn họ hiền lành, trọng tình thân, nhưng thực lòng thì chính những người này đã tạo nên vô số kẻ ăn cháo đá bát.

Ví dụ như người mẹ đã khuất kia, bà ấy yêu con trai vô cùng, dù yêu cầu của con bà ấy có quá đáng tới đâu, nhưng chỉ cần hắn ta muốn, chỉ cần bà ấy có, bà ấy sẽ không bao giờ từ chối. Trong mắt đứa con trai, mẹ hắn chưa từng từ chối hắn, hắn đòi hỏi quen rồi, cũng quen với việc mẹ hắn luôn yêu thương hắn, nhưng bà ấy không dạy hắn cũng phải cho đi, cũng phải yêu thương cha mẹ mình. Bà ấy đã dùng tình mẹ và sự lương thiện để đẩy chính mình vào chỗ chết. Xét từ góc độ này, người mẹ ấy cũng có một phần trách nhiệm.

Cho vay tiền chưa chắc đã là nhân đạo: Thứ mà bạn cho là lương thiện, thực ra lại ác độc nhất thế gian!  - Ảnh 2.

Cuối năm ngoái, họ ngoại tôi đã xảy ra một chuyện lớn, anh họ gần bốn mươi tuổi của tôi vay nặng lãi phải bỏ trốn. Mọi người đều vô cùng kinh ngạc, vừa mắng anh ta vừa tìm cách giải quyết sự việc.

Tôi lại chẳng ngạc nhiên chút nào, đây chỉ là chuyện sớm muộn. Từ sáu, bảy năm trước anh ta đã nợ mấy chục ngàn tệ, cha mẹ và người thân trả giúp anh ta hết lần này tới lần khác. Mấy năm qua, anh ta lần lượt bán sạch của cải trong nhà, bởi vậy lần này cha mẹ anh ta cũng không trả hộ anh ta được nữa.

Vài ngày sau, cậu tôi tới gặp mẹ tôi, hi vọng bà ấy có thể ra tay giúp cháu mình. Thực ra cậu biết mẹ tôi nào có khả năng ấy, cậu chỉ mong mẹ tôi nói với chúng tôi mà thôi. Nhìn mái tóc hoa râm và hai mắt ửng đỏ của cậu, tôi cũng rất đau lòng, nhưng tôi vẫn thấy kết quả này là do họ dung túng mà nên.

Tôi luôn cho rằng nếu bọn họ giữ vững nguyên tắc ở lần đầu tiên thì sự việc sẽ không thành ra thế này. Cậu nghẹn ngào nói: "Biết làm sao bây giờ? Không lẽ nhìn nó chết đi ư? Dù sao cũng là con trai của mình."

Câu này rất có lý, là cha mẹ thì sao có thể bỏ mặc con mình chịu khổ! Nhưng người tỉnh táo đều hiểu rằng: Nếu mặc kệ thì anh họ cũng chẳng chết đâu, nhưng nếu tiếp tục giúp anh ta thì sẽ khiến anh ta đi vào chỗ chết.

Tối hôm đó, mẹ tôi bèn nói với chúng tôi suy nghĩ của bà ấy, mong chúng tôi có thể giúp đỡ câu, nhưng tôi từ chối ngay. Mẹ tôi giận lắm, bà cho rằng tôi không trân trọng tình thân, thấy chết mà không cứu, bà giận tôi rất nhiều ngày.

Sau đó mẹ tôi vô tình biết được tôi và chồng đang giúp đỡ các em nhỏ vùng cao đi học, bà nghi hoặc hỏi tôi: "Rốt cuộc con là người vô tình hay có tình, sao con có thể giúp đỡ những đứa trẻ mà con chưa gặp bao giờ, nhưng lại không chịu giúp anh họ ruột thịt của con?"

Tôi không giải thích, vì trong lòng mẹ tôi thì tình thân quan trọng hơn đạo đức đúng sai, cả dòng họ của mẹ tôi đều sống theo quan niệm này.

Chồng tôi hỏi tôi, nếu anh họ tôi không nợ mấy triệu tệ mà chỉ nợ mấy vạn tệ, liệu tôi có giúp hay không.

Cho vay tiền chưa chắc đã là nhân đạo: Thứ mà bạn cho là lương thiện, thực ra lại ác độc nhất thế gian!  - Ảnh 3.

Bởi thế tôi nghĩ tới một vấn đề khác, thái độ của rất nhiều người với một sự việc không phải vì bản chất đúng sai của nó, mà vì mức độ lớn nhỏ của sự việc, nếu là chuyện nhỏ thì nói mấy câu là ổn rồi. Nhưng rồi sẽ có ngày, chuyện nhỏ hóa chuyện lớn, mà kẻ gây ra chuyện này lại chính là những con người "lương thiện" kia.

Tôi từng học tâm lý học một thời gian, có thể diễn giải được nguyên nhân sâu sắc đằng sau sự "lương thiện" này. Nhìn từ bên ngoài, một người tỉnh táo nhận rõ thị phí đúng sai thường phải chịu sự hiểu lầm và chỉ trích của người khác, nhưng làm một người "lương thiện" thì không phải đối mặt với điều đó. Dù một số người có đặt ra nghi vấn với hành vi "lương thiện", thì cũng luôn có nhóm người khác biện hộ cho nó. Thực lòng mà nói thì một người sống có nguyên tắc sẽ thường xuyên bị nội tâm giày vò, người không đủ mạnh mẽ sẽ rất dễ thỏa hiệp. Nếu nói bạn chọn làm một người "lương thiện", thì chi bằng nói bạn đang thua chính bản thân mình.

Có người từng nói: Những thứ ác độc nhất thế gian thường hoành hành trên danh nghĩa của sự lương thiện.

Khi sự lương thiện đánh mất nguyên tắc, có lẽ nó còn tàn độc hơn cả cái ác thuần túy. Đáng sợ ở chỗ nó mang vỏ bọc lương thiện, dễ dàng nhận được sự thông cảm và bao dung từ nhiều người khác, sau đó khiến quan niệm này nhân rộng. Với những cái ác hiển hiện như đứa con trai nọ, mọi người đều ghê tởm hành vi của hắn, không ai cổ vũ hành vi này cả, bởi vậy sự ác độc của hắn sẽ không lan ra, còn người mẹ kia – dù trong chuyện này bà ấy có trách nhiệm rất lớn, nhưng hầu hết mọi người đều không nỡ truy cứu trách nhiệm của bà ấy, thậm chí còn cảm khái một câu: Thương thay tấm lòng cha mẹ!

Sự lương thiện bất nguyên tắc chính là cái ác to lớn nhất thế gian, nó nguy hại ở chỗ làm xáo trộn khả năng phán đoán của chúng ta, thậm chí còn mất đi lý trí. Cái ác hiển hiện rất dễ nhận ra, nhưng sự lương thiện "rẻ tiền" này lại khiến người khác ngột ngạt, tiến thoái lưỡng nan. Từng có một đám buôn người bị bắt, nhưng vẫn có người thương hại chúng: "Cũng vì miếng cơm manh áo mà thôi, nếu không ai muốn làm chuyện như vậy chứ?"

Trên thế gian này luôn có vô vàn người lương thiện, nhưng lại thiếu người lý trí và giỏi kiềm chế. Khi sự lương thiện bất nguyên tắc hoành hành ngang ngược, nó sẽ trở thành cái ác độc địa nhất, bởi vì nó mượn danh lương thiện để tạo nên vô số kẻ thù ác.

*Bài viết được trích từ cuốn sách "Bạn đắt giá bao nhiêu?".

Vãn Tình

Cùng chuyên mục
XEM