Cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán bất ngờ tăng mạnh

04/05/2023 15:57 PM | Kinh doanh

Theo số liệu của NHNN, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản và đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng trưởng lần lượt 6,45% và 13,39%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán bất ngờ tăng mạnh - Ảnh 1.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Mặc dù vậy, vẫn theo số liệu NHNN công bố, tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực rủi ro lại tăng mạnh hơn các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 2, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm 0,09%; Dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng khoảng 0,73%; Dư nợ tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 3,15%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 6,08%; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 3,31%.

Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%; Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 13,39%.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong quý I chưa cao do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng;

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, như nhóm SMEs (quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thông tin còn thiếu minh bạch…), nhóm bất động sản (thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh)...;

Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay dẫn tới việc các TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống…

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2023.

NHNN tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các Hội nghị tín dụng chuyên đề.

Theo Quốc Thuỵ

Cùng chuyên mục
XEM