Cho người nghèo dạy 'Tây' đánh cá, luyện kim, điêu khắc,... Startup này đang tạo nên điều kỳ diệu tại châu Á

11/02/2017 08:13 AM | Xã hội

Thay vì bon chen tại các điểm du lịch đông đúc và đắt đỏ thì khách hàng sẽ được trải nghiệm cuộc sống cũng như học nghề, tích lũy kiến thức ở những vùng quê hẻo lánh ở khắp Châu Á qua startup này.

Du lịch trải nghiệm đời sống và nghề nghiệp của cư dân bản địa không phải mới lạ nhưng Jamon Mok - CEO Backstreet Acedemy đã tạo ra sự khác biệt khi thiết lập được mạng lưới hơn 1.000 địa điểm khắp châu Á, với đối tác chính là những gia đình nghèo.

Theo đó, khách hàng sẽ được trải nghiệm lối sống cũng như học hỏi những kiến thức từ những người bản địa ở nơi mà họ mong muốn tới. Các hoạt động độc đáo được hướng dẫn bởi người dân địa phương và Backstreet Acedemy là đơn vị bán tour.

Sau khi mua tour online, khách hàng sẽ được công ty hướng dẫn qua SMS và trao đổi điện thoại bằng ngôn ngữ của khách. Công ty có thông dịch viên để giải quyết bất đồng ngôn ngữ.

Jamon Mok cho biết, hiện đối tác của Backstreet Acedemy là những người dân ở trên 40 tỉnh/thành phố tại Châu Á. Với mỗi tour, chủ cung cấp dịch vụ địa phương sẽ nhận từ 50% đến 60% doanh thu, tăng thu nhập lên 2-3 lần.

Cho người nghèo dạy Tây đánh cá, luyện kim, điêu khắc,... Startup này đang tạo nên điều kỳ diệu tại châu Á - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Điểm khác biệt lớn nhất của startup này là làm việc với những người nghèo. Khi khách hàng đến các nơi, họ sẽ muốn học những người thực sự là các bậc thầy về điêu khắc gỗ, đánh bắt cá, những người làm các công việc nghệ thuật thú vị...

“Backstreet Acedamy là một cách mà chúng tôi nghĩ rằng mình có thể góp phần cải thiện thế giới. Bởi khi đi du lịch vòng quanh thế giới, chúng tôi luôn bắt gặp những người nghèo và thật sự không có giải pháp nào giúp họ thoát nghèo.

Chúng tôi thấy rằng cần có một mô hình trao quyền chứ không phải là một mô hình kiểu, gọi là bố thí. Nếu chúng ta thực sự có thể động viên họ, cho họ một nền tảng để phát triển chính nghề nghiệp mà họ đang có. Bên cạnh đó, khách hàng cũng sẽ học được những kiến thức thực tế và phát triển theo cách của riêng mình”, Mok cho hay.

CEO người Singapore cho biết, anh muốn phát triển mô hình du lịch này sang cả những khu vực khác như Châu Phi. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Backstreet Acedemy hiện tại là hầu hết những người bản địa không thể nói tiếng Anh và sử dụng công nghệ, ít khả năng giao tiếp.

Có thể nói, Backstreet Acedemy là một startup sáng tạo và có ý nghĩa nhân văn. Họ đã tạo điều kiện cho những người nghèo có cơ hội cải thiện cuộc sống, cho người nghèo cái cần câu thay vì cho con cá.

Thực tế, startup này cũng có thể áp dụng tại Việt Nam khi đất nước có rất nhiều nền văn hóa, ngành nghề và phong tục tập quán khác nhau. Ví như các bạn có thể lên Ninh Thuận để chăn dê, vào ĐBSCL học trồng lúa và đánh bắt; lên Tây Bắc làm nưỡng rẫy, nấu rượu ngô, uống rượu cần…

Hồng Linh

Cùng chuyên mục
XEM